Mỹ đã thu hồi giấy phép từng cho phép các công ty Mỹ, gồm cả Intel và Qualcomm, vận chuyển chip được dùng cho laptop và thiết bị cầm tay đến Huawei, theo ba nguồn tin của Reuters.
Thế giới số

Intel và Qualcomm chịu ảnh hưởng thế nào khi bị Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu chip cho Huawei?

Sơn Vân 08/05/2024 18:20

Mỹ đã thu hồi giấy phép từng cho phép các công ty Mỹ, gồm cả Intel và Qualcomm, vận chuyển chip được dùng cho laptop và thiết bị cầm tay đến Huawei, theo ba nguồn tin của Reuters.

Nguồn tin thứ 4 của Reuters cho biết một số công ty Mỹ đã được thông báo hôm 7.5 rằng giấy phép của họ đã bị thu hồi ngay lập tức. Bộ Thương mại Mỹ trước đó cùng ngày xác nhận đã thu hồi một số giấy phép nhưng không nêu tên các công ty.

Người phát ngôn của Intel từ chối bình luận. Qualcomm không phản hồi khi được Reuters đề nghị bình luận và Huawei cũng không trả lời câu hỏi ngay lập tức.

Động thái này diễn ra sau khi Huawei vào tháng 4 ra mắt laptop hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) đầu tiên mang tên MateBook X Pro, được trang bị CPU (bộ xử lý trung tâm) Core Ultra 9 mới của Intel, khiến các nhà làm luật thuộc đảng Cộng hòa bức xúc. Họ cho rằng điều này gợi ý rằng Bộ Thương mại Mỹ đã bật đèn xanh để Intel bán chip cho Huawei.

“Chúng tôi đã thu hồi một số giấy phép xuất khẩu cho Huawei”, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố, từ chối nêu rõ những giấy phép nào đã bị rút.

Hành động này của Bộ Thương mại Mỹ diễn ra sau áp lực phối hợp từ những người theo đường lối cứng rắn với Trung Quốc thuộc phe Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ, kêu gọi chính quyền Biden hành động cứng rắn hơn để ngăn chặn Huawei.

Nghị sĩ đảng Cộng hòa Elise Stefanik cho biết trong một tuyên bố: “Hành động này sẽ củng cố an ninh quốc gia Mỹ, bảo vệ sự sáng tạo của người Mỹ và làm giảm khả năng của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ”.

Việc Mỹ thu hồi giấy phép có thể gây tổn hại cho Huawei và cả các nhà cung cấp Mỹ hợp tác kinh doanh với gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc này. Lâu nay Huawei vẫn dựa vào chip Intel để cung cấp năng lượng cho laptop của mình.

Intel cũng đang phải đối mặt với nhu cầu yếu với trung tâm dữ liệu truyền thống và chip PC. Tháng trước, gã khổng lồ chip Mỹ này từng mất 11 tỉ USD vốn hóa thị trường chứng khoán sau khi dự báo doanh thu và lợi nhuận quý 2/2024 thấp hơn ước tính của các nhà phân tích.

Huawei bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại vào năm 2019 trong bối cảnh lo ngại hãng này có thể do thám người Mỹ, một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn nhằm cản trở Trung Quốc củng cố quân sự. Việc Huawei nằm trong danh sách đen thương mại đồng nghĩa các nhà cung cấp Mỹ phải tìm kiếm giấy phép đặc biệt, khó xin trước khi vận chuyển hàng cho họ.

Dù vậy, các nhà cung cấp Mỹ vẫn nhận được giấy phép trị giá hàng tỉ USD để bán hàng hóa và công nghệ cho Huawei, gồm cả một giấy phép gây tranh cãi đặc biệt do chính quyền Trump cấp, cho phép Intel cung cấp CPU cho Huawei để sử dụng trong laptop kể từ năm 2020.

Qualcomm đã bán chip 4G cũ hơn cho các thiết bị cầm tay Huawei kể từ khi nhận được giấy phép từ các quan chức Mỹ vào năm 2020. Trong hồ sơ pháp lý hồi đầu tháng 5.2024, Qualcomm cho biết không mong đợi nhận được thêm doanh thu chip từ Huawei sau năm nay.

Tuy nhiên, Qualcomm vẫn cấp phép danh mục công nghệ 5G của mình cho Huawei. Vào năm ngoái, Huawei bắt đầu sử dụng chip 5G do đơn vị HiSilicon của mình thiết kế mà hầu hết nhà phân tích cho rằng quá trình sản xuất đã vi phạm lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Trong hồ sơ tháng này, Qualcomm cho biết thỏa thuận bằng sáng chế của họ với Huawei sẽ hết hạn sớm vào năm tài chính 2025 và đã bắt đầu đàm phán để gia hạn thỏa thuận. Các nhà phê bình cho rằng những giấy phép như vậy đã góp phần vào sự hồi sinh của Huawei.

intel-va-qualcomm-anh-huong-the-nao-khi-bi-my-thu-hoi-giay-phep-xuat-khau-cho-huawei.jpg
Mỹ vừa thu hồi giấy phép từng cho phép Intel, Qualcomm và các công ty Mỹ khác vận chuyển chip được dùng cho laptop và thiết bị cầm tay đến Huawei - Ảnh: Internet

Huawei đã gây chấn động ngành công nghệ vào năm ngoái khi trình làng dòng smartphone Mate 60 được trang bị chip HiSilicon Kirin 9000s hỗ trợ 5G do SMIC sản xuất theo tiến trình 7 nanomet, bất chấp lệnh hạn chế xuất khẩu của Mỹ với cả hai công ty Trung Quốc này.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint, dòng Mate 60 đã giúp doanh số smartphone Huawei tăng đến 70% tại Trung Quốc trong quý 1/2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh linh kiện ô tô thông minh cũng góp phần vào sự hồi sinh của Huawei, khi công ty đạt mức tăng trưởng doanh thu nhanh nhất trong 4 năm vào 2023.

Giữa tháng 4, Huawei trình làng dòng smartphone Pura 70 được trang bị chip HiSilicon Kirin 9100 hỗ trợ 5G. Kirin 9010 là phiên bản mới hơn của chip Kirin 9000s do HiSilicon thiết kế và được SMIC sản xuất cho dòng Mate 60 trình làng vào năm ngoái.

Theo các nhà phân tích của ngân hàng đầu tư Jefferies, dòng Pura 70 đã được bán hết trong vòng hai ngày kể từ ngày ra mắt.

Hãng TechInsights (Canada) cho biết đã phát hiện "với độ tin cậy cao" rằng Kirin 9010 được sản xuất bằng tiến trình 7 nanomet N + 2 của SMIC, phiên bản cải tiến của tiến trình 7 nanomet thông thường.

TechInsights là công ty chuyên cung cấp dịch vụ phân tích và nghiên cứu thị trường về ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo trang PhoneArena, chip Kirin 9010 có lõi chính 2,3 GHz, ba nhân hiệu suất cao 2,18 GHz và bốn nhân tiết kiệm năng lượng 1,55 GHz. Tuy nhiên, hiệu năng đơn lõi của Kirin 9010 thấp hơn 30% so với lõi Cortex-X2 của Qualcomm Snapdragon 8+ Gen 1. Lý do bởi khả năng có hạn của SMIC trong sản xuất chip do bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Snapdragon 8+ Gen 1 đã ra mắt hai năm trước nhưng được TSMC sản xuất trên tiến trình 4 nanomet, công nghệ tiên tiến mà năng lực của SMIC chưa thể đạt tới hiện tại. Khi so sánh cùng lõi Cortex-A77 trên Snapdragon 870 (chip cho smartphone tầm trung), Kirin 9010 vẫn tiêu thụ nhiều năng lượng hơn 50%.

TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan.

Sự thua kém của Kirin 9010 có thể do SMIC không sở hữu dòng máy in thạch bản cực tím tiên tiến từ công ty ASML (Hà Lan). SMIC hiện chỉ có máy quang khắc cực tím sâu (DUV), không đủ để tạo ra chip tiên tiến hơn 5 nanomet.

Các smartphone Android cao cấp hiện nay, gồm cả dòng Galaxy S24, đang dùng chip Snapdragon 8 Gen 3, được sản xuất theo tiến trình 4 nanomet.

Intel không bị Mỹ thu hồi giấy phép bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei, AMD bất bình

Giữa tháng 3, Reuter đưa tin Intel vẫn được bán số CPU trị giá hàng triệu USD cho Huawei.

Tổng thống Mỹ Joe Biden từ lâu đã chịu áp lực phải thu hồi giấy phép do chính quyền Trump cấp, cho phép Intel bán CPU tiên tiến cho Huawei để sử dụng trong laptop. Áp lực đến từ đối thủ của Intel là AMD và những nghị sĩ Mỹ chống Trung Quốc đang tìm cách ngừng mọi hoạt động bán hàng cho các công ty ở cường quốc châu Á này. AMD bất bình và lập luận rằng thật không công bằng khi hãng không nhận được giấy phép bán CPU tương tự cho Huawei.

Khả năng Intel giữ được giấy phép bán CPU trong khi AMD không thể có được quyền hạn tương tự, cho thấy tình trạng không đồng đều và không chắc chắn mà các công ty phải đối mặt khi Mỹ tìm cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ tiên tiến.

Điều đó cho phép Huawei duy trì một thị phần nhỏ nhưng đang gia tăng trên thị trường laptop toàn cầu, còn AMD bị tước mất hàng trăm triệu USD doanh số bán hàng cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc.

Emma Xu, nhà phân tích của hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, nói: “Phần lớn CPU được sử dụng trong laptop Huawei vẫn là của Intel, nên bất kỳ hạn chế nào nữa từ Mỹ sẽ khiến việc sản xuất laptop của Huawei trở nên khá khó khăn”.

Vào cuối năm 2020, ngay trước khi ông Trump rời khỏi cương vị Tổng thống Mỹ, Bộ Thương mại đã cấp cho các công ty Mỹ, gồm cả Intel, quyền đặc biệt để bán một số mặt hàng cho Huawei.

Một nguồn tin cho biết AMD đã xin giấy phép bán CPU tương tự vào đầu năm 2021 sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức nhưng chưa bao giờ nhận được phản hồi về đơn của mình.

Reuters chưa thể xác định lý do tại sao Intel được cấp giấy phép, còn AMD thì không. Thế nhưng, tác động đến doanh số laptop Huawei là ngay lập tức. Doanh số laptop Huawei chứa chip AMD giảm từ 47,1% vào năm 2020 xuống còn 9,3% trong nửa đầu năm 2023, theo bản trình bày nội bộ của AMD với dữ liệu lấy từ NPD và GfK.

Theo bài thuyết trình, thị phần laptop Huawei có chứa chip Intel đã tăng vọt trong khoảng thời gian này từ 52,9% lên 90,7%. Điều đó khiến hai công ty Mỹ có "chênh lệch doanh thu ước tính" lên tới 512 triệu USD vào đầu năm 2023.

Công ty Circana (được thành lập năm ngoái từ việc sáp nhập NPD và IRI) và GfK (hiện thuộc sở hữu của NIQ) từ chối bình luận về vấn đề này.

Thị phần laptop Huawei đã tăng từ 2,2% năm 2018 lên 9,7% vào 2023 khi hãng này thay thế Dell trở thành nhà sản xuất laptop lớn thứ ba Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu thị trường Canalys.

Intel thêm khó khăn vì các lệnh cấm từ Trung Quốc

Hôm 12.4, tờ Wall Street Journal đưa tin chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông thay thế chip nước ngoài trong mạng cốt lõi của họ trước năm 2027. Theo Wall Street Journal, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã ban hành chỉ thị này vào đầu năm nay, có thể ảnh hưởng đến các nhà sản xuất chip Mỹ như Intel và AMD.

Cơ quan giám sát ngành đã ra lệnh cho ba nhà mạng di động nhà nước lớn nhất nước, gồm China Mobile, China Unicom và China Telecom, kiểm tra mạng của họ và đưa ra các mốc thời gian để thay thế các bộ xử lý không phải từ Trung Quốc.

Trung Quốc đang đẩy nhanh chiến dịch loại bỏ công nghệ Mỹ, một phần là để tránh các lệnh trừng phạt ngày càng nhiều từ chính quyền Biden. Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các cơ quan và tập đoàn được nhà nước hậu thuẫn ngừng sử dụng iPhone, thúc đẩy các công ty từ bỏ máy tính nước ngoài và yêu cầu những nhà sản xuất ô tô điện của họ dùng chip được thiết kế trong nước.

Cuối tháng 3, truyền thông Mỹ đưa tin Trung Quốc ban hành quy định cấm sử dụng chip Intel và AMD, cũng như hệ điều hành nước ngoài như Windows trong các máy tính cá nhân và máy chủ ở các cơ quan nhà nước.

Lý do chính thức cho lệnh cấm này là lo ngại về quyền riêng tư và an ninh quốc gia. Chính phủ Trung Quốc cho rằng Intel và AMD có thể thu thập dữ liệu nhạy cảm từ các máy tính chính phủ và sử dụng chúng cho mục đích gián điệp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ đây chỉ là cái cớ để Trung Quốc thúc đẩy việc sử dụng các CPU trong nước.

Lệnh cấm áp dụng cho tất cả máy tính chính phủ, gồm cả máy tính sử dụng trong lĩnh vực quân sự.

Bài liên quan
Liên minh Qualcomm, Google, Intel đặt tham vọng phá vỡ sự thống trị về chip AI của Nvidia
Nvidia đạt được vốn hóa thị trường 2.200 tỉ USD nhờ bán chip trí tuệ nhân tạo (AI) cho các nhà phát triển AI tạo sinh, từ các công ty khởi nghiệp đến Microsoft, OpenAI, Meta Platforms và Google.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Intel và Qualcomm chịu ảnh hưởng thế nào khi bị Mỹ thu hồi giấy phép xuất khẩu chip cho Huawei?