Mới 28 tuổi, nhưng nam thanh niên đã mắc phải căn bệnh động mạch vành suýt chết, chỉ vì hút 2, 3 gói thuốc lá mỗi ngày.

Hút 2, 3 gói thuốc lá mỗi ngày, nam thanh niên suýt chết vì tắc động mạch vành

Hồ Quang | 01/04/2021, 15:27

Mới 28 tuổi, nhưng nam thanh niên đã mắc phải căn bệnh động mạch vành suýt chết, chỉ vì hút 2, 3 gói thuốc lá mỗi ngày.

Anh Phạm Văn T. (28 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bất ngờ bị đau ngực dữ dội nên được người nhà chuyển đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM để cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ sau khi thực hiện điện tâm đồ đã chẩn đoán T. bị nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả chụp động mạch vành cho thấy một nhánh lớn của động mạch vành đã bị tắc.

hut-2-3-goi-thuoc-la-moi-ngay-nam-thanh-nien-suyt-chet-vi-tac-dong-mach-vanh-hinh-anh(1).png
Một nhánh lớn động mạch vành bị tắc khiến bệnh nhân T. suýt tử vong - Ảnh: N.P

Qua khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân T. có thói quen hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, mỗi ngày hút 2 đến 3 gói, liên tục hơn 10 năm qua.

GS.TS.BS Trương Quang Bình – Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM nhận định, đây là trường hợp xảy ra bệnh động mạch vành sớm do hút thuốc lá quá nhiều. Có thể thấy, yếu tố nguy cơ là thói quen hút thuốc lá đã tác động và gây ra bệnh động mạch vành rất sớm ở bệnh nhân T. Nếu không được can thiệp kịp thời, bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao.

“Bệnh nhân được tiến hành nong và đặt stent động mạch vành. May mắn người bệnh được chuyển đến bệnh viện kịp thời, kết quả can thiệp tốt. Đến hôm nay (1.4), sức khỏe bệnh nhân đã ổn định”, bác sĩ Bình cho hay.

Theo bác sĩ Bình, bệnh động mạch vành là bệnh lý rất phổ biến trong cộng đồng. Hệ thống động mạch vành có chức năng dẫn máu đến nuôi trái tim, khi lòng động mạch vành bị hẹp hoặc tắc sẽ gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ, gây ra các cơn đau ngực, nhồi máu cơ tim. Thống kê cho thấy, bệnh động mạch vành là một trong những căn nguyên hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, bệnh thường gặp ở lứa tuổi trên 50 và đang có xu hướng gia tăng.

Hiện nay, khoa học đã xác nhận được nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành và phân loại chúng thành 2 nhóm là yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được và yếu tố nguy cơ không điều chỉnh được.

Trong đó, các yếu tố nguy cơ có thể điều chỉnh được (bao gồm: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, thói quen hút thuốc lá, béo phì, thiếu vận động thể lực, chế độ ăn không tốt...) có thể tác động điều trị hoặc thay đổi thói quen sinh hoạt để làm giảm hoặc “triệt tiêu” những yếu tố nguy cơ này. 

Còn các yếu tố nguy cơ không thể điều chỉnh được bao gồm: giới tính, tuổi, tiền sử gia đình có người bị mắc bệnh động mạch vành sớm.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang tìm kiếm và chứng minh thêm những yếu tố nguy cơ khác của bệnh động mạch vành. Những người mang cùng lúc nhiều yếu tố nguy cơ của bệnh động mạch vành trong cùng một thời điểm sẽ làm nguy cơ mắc bệnh và tử vong cao, do bệnh gia tăng theo quy luật cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.

Bác sĩ Bình cho biết, nguyên nhân gây bệnh động mạch vành chủ yếu là do xơ vữa động mạch. Đây là quá trình tích tụ các hạt cholesterol trong thành của động mạch, tạo ra các mảng xơ vữa. Các mảng xơ vữa này lớn dần theo thời gian gây hẹp hoặc có thể vỡ ra gây tắc động mạch vành.

Triệu chứng thường gặp của bệnh được chia thành 2 dạng là mạn tính và cấp tính.

- Đối với hội chứng mạch vành mạn tính, tình trạng thiếu máu cục bộ chỉ xảy ra khi người bệnh gắng sức. Nếu mạch vành của người bệnh bị xơ vữa, hẹp nhiều, khi gắng sức sẽ bị đau thắt vùng ngực trái, lan lên hàm, vai trái và cánh tay trái, cơn đau kéo dài vài chục giây đến vài phút. Người bệnh cũng có thể bị nặng ngực, khó thở…

- Đối với hội chứng mạch vành cấp tính, mạch vành bị hẹp một cách đột ngột gây nhồi máu cơ tim. Người bệnh sẽ bị đau ngực dữ dội ngay cả khi nghỉ, đau kéo dài 20 đến 30 phút, vã mồ hôi, ngất xỉu...

“Khi có các yếu tố nguy cơ, người bệnh nên chủ động đến khám chuyên khoa tim mạch để được tầm soát bệnh sớm. Người bị động mạch vành nên tuân thủ điều trị, duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ. Bên cạnh đó, cần tầm soát tim mạch 6 tháng/lần để kiểm soát bệnh tốt, phòng ngừa các biến cố có thể xảy ra”, bác sĩ Bình khuyến cáo.

Bài liên quan
Kiên Giang: Nam thanh niên lãnh 12 năm tù vì đâm chết người
Ngày 27.11, TAND tỉnh Kiên Giang đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, và tuyên phạt 12 năm tù đối với bị cáo Đậu Văn Hoàng (22 tuổi, ngụ phường Dương Đông, TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) về tội “Giết người”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hút 2, 3 gói thuốc lá mỗi ngày, nam thanh niên suýt chết vì tắc động mạch vành