Hy Lạp đang cân nhắc loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi hệ thống mạng 5G sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm quốc gia EU này và củng cố quan hệ song phương.

Hưởng ứng Mỹ, Hy Lạp tính loại bỏ thiết bị Huawei?

Hoàng Vũ | 06/10/2020, 17:14

Hy Lạp đang cân nhắc loại bỏ thiết bị của Huawei khỏi hệ thống mạng 5G sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thăm quốc gia EU này và củng cố quan hệ song phương.

Theo Nikkei, ông Pompeo đã đến thăm Hy Lạp vào ngày 28 và 29.9. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã nỗ lực để đạt được cam kết của Mỹ hỗ trợ cho Hy Lạp trong bối cảnh căng thẳng Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng ở phía đông Địa Trung Hải liên quan đến việc khai thác mỏ khí đốt tự nhiên được phát hiện quanh đảo Síp.

“Chúng tôi coi Hy Lạp như một trụ cột thật sự của ổn định và thịnh vượng tại phía đông Địa Trung Hải và vô cùng tự hào được hỗ trợ ban lãnh đạo của họ. Do đó, hợp tác an ninh giữa hai nước là điều đặc biệt quan trọng khi Nga tiếp tục gây mất ổn định khu vực”, Ngoại trưởng Pompeo phát biểu hôm 28.9 trong cuộc gặp của ông với người đồng cấp Hy Lạp, Nikos Dendias tại thành phố cảng Thessaloniki.

Một ngày sau, trong khi đi thăm căn cứ hải quân Mỹ tại vịnh Souda trên đảo Crete, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo rằng căn cứ sẽ trở thành nơi neo đậu của tàu viễn chinh đổ bộ mới - Hershel “Woody” Williams. Trong khi đó, ông Mitsotakis khẳng định rằng quan hệ Hy Lạp - Mỹ chưa bao giờ chặt chẽ và hiệu quả như ngày nay. Với việc triển khai con tàu khổng lồ gần khu vực xung đột, ý định làm giảm căng thẳng khu vực của Mỹ là rất rõ ràng.

Trong chương trình nghị sự tại Hy Lạp,nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ còn đề cập đến Trung Quốc. Tờ Nikkei nhận định Bắc Kinh đang ngày càng can thiệp sâu vào Hy Lạp, đặc biệt liên quan đến dịch vụ và mạng 5G. Tuy vậy, chuyến đi của ông Pompeo đã chứng tỏ xu hướng này đang thay đổi. Mạng 5G đang trở thành một vấn đề nổi cộm trong cách Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc.

pompeo-gap-ngoai-truong-hy-lap.jpg
Ngoại truởng Mỹ Mike Pompeo gặp Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis hồi cuối tháng trước - Ảnh: Reuters

Trung Quốc đang đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Hy Lạp sau khi nước này ngập chìm trong các khoản nợ. Nhưng chuyến thăm của ông Pompeo chứng tỏ rằng tình hình đang thay đổi. Với tất cả các nỗ lực ngoại giao tập trung vào những rắc rối trong khu vực, chính phủ bảo thủ Hy Lạp không muốn làm mất lòng đồng minh truyền thống của mình là Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Hy Lạp Geoffrey Ross Pyatt hôm 20.9 đã bày tỏ ý kiến trên tờ báo địa phương Kathimerini với nhan đề “Đầu tư vào tương lai công nghệ cao của Hy Lạp.” Bài báo viết: “Những cải cách của chính phủ Hy Lạp và việc Hy Lạp tham gia vào Hệ thống Mạng Sạch, sẽ bảo vệ và duy trì những giá trị nền tảng chung của chúng ta và là sự đầu tư đúng đắn vào tương lai công nghệ cao của Hy Lạp”.

Ngày 23.9, “Dự luật quản trị kỹ thuật số” đã được đa số các nhà lập pháp trong Quốc hội Hy Lạp thông qua. Trong bài phát biểu trước phiên họp toàn thể, Bộ trưởng Quản trị Kỹ thuật số Hy Lạp, ông Kyrialos Plerrekakis, thông báo rằng phiên đấu giá Phổ tần thường xuyên băng thông rộng 5G sẽ diễn ra vào cuối tháng 9. Để tham gia đấu giá phổ tần số, các công ty phải nộp đơn đăng ký trước ngày 23 tháng 10. Các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông dự kiến ​​sẽ là người nộp đơn.

Cùng ngày, trong khi phát biểu qua một video gọi là “Hội nghị an ninh 5G Prague 2020”, ông Pompeo đã tuyên bố rằng “Mỹ cam kết phối hợp với các nước cùng chí hướng phản đối những quốc gia nham hiểm như Trung Quốc được tiếp cận dữ liệu số nhạy cảm của các quốc gia chúng ta”.

Trong quý đầu năm sau, các nhà cung cấp dịch vụ di động lớn của Hy Lạp là Cosmote và Vodafone dự kiến bắt đầu triển khai hoạt động thương mại mạng 5G. Wind - một nhà cung cấp khác - cũng được kỳ vọng sẽ thực hiện bước tiến tương tự trong vòng nửa đầu năm 2021. Độ phủ của hệ thống 5G dự kiến đạt 60% lãnh thổ Hy Lạp trong 3 năm đầu và 94% trong 6 năm, theo Bộ trưởng Quản trị Kỹ thuật số Hy Lạp Pierrakakis.

Nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất Hy Lạp - Cosmote hồi tháng 3 đã chọn Ericsson, một công ty viễn thông Thụy Điển làm nhà cung cấp thiết bị 5G độc quyền dù các chuyên gia thị trường cho rằng thiết bị của Huawei rẻ hơn khoảng 30% so với các đối thủ cạnh tranh.

Sự phát triển của hệ thống 5G đang tiến triển thành một vấn đề địa chính trị phức tạp, với một mặt là an ninh, mặt khác là kinh tế. Các công ty châu Âu lo lắng về tính cạnh tranh trên thị trường, nhưng an ninh mạng cũng là điều quan trọng để bảo đảm các lợi ích cốt lõi của EU.

Mỹ trong thời gian gần đây đã không ngừng gây áp lực lên các đồng minh phương Tây nhằm ngăn chặn Huawei trong việc xây dựng mạng di động 5G và cáo buộc rằng thiết bị của công ty Trung Quốc có thể được sử dụng là công cụ do thám của chính quyền Bắc Kinh. Tuy nhiên, ban lãnh đạo tập đoàn Huawei và Trung Quốc đã bác bỏ kịch liệt những cáo buộc từ Mỹ.

EU hiện chưa cấm Huawei nhưng hồi đầu năm nay, khối này đã đưa ra các khuyến nghị về an ninh mạng 5G, qua đó cho phép các quốc gia thành viên được tự do quyết định có nên hạn chế sự hiện diện của Huawei. EU sẽ sớm công bố một báo cáo chi tiết về quyết định của 27 quốc gia thành viên.

Đáng chú ý, Huawei đối mặt với nguy cơ bị hàng loạt quốc gia châu Âu khác quay lưng sau khi chính phủ Anh ban hành lệnh cấm tập đoàn viễn thông Trung Quốc này. Lệnh cấm Huawei của Anh được cho là đã gây áp lực lên chính phủ các nước khác tại EU, đặc biệt là Đức, vốn đang chuẩn bị ban hành luật an ninh về công nghệ. Nhà mạng Deutsche Telekom lớn bậc nhất nước Đức hiện sử dụng tới 90% thiết bị mạng từ Huawei, các nhà mạng khác cũng phụ thuộc phần lớn vào nguồn linh kiện từ gã khổng lồ Trung Quốc.

Tại Pháp, thay vì ban hành lệnh cấm hoàn toàn công nghệ 5G của Huawei, Cơ quan An ninh mạng quốc gia khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tìm kiếm giải pháp thay thế để hạn chế rủi ro an ninh cho quốc gia. Trước đó, công ty viễn thông TIM của Ý đã quyết định loại Huawei khỏi các đối tác tham gia phát triển mạng 5G.

Bài liên quan
Doanh số smartphone nước ngoài ở Trung Quốc giảm gần 45% vào tháng 10, Apple thêm khó khăn vì dòng Huawei Mate 70
Doanh số smartphone thương hiệu nước ngoài, gồm cả iPhone, ở Trung Quốc giảm 44,25% vào tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu trực thuộc chính phủ công bố hôm 27.11.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hưởng ứng Mỹ, Hy Lạp tính loại bỏ thiết bị Huawei?