Nhân sự kiện Đài Loan kỷ niệm một năm hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa, các tổ chức vận động quyền LGBT tại đây đã kêu gọi tháo gỡ những hạn chế còn sót và thừa nhận đầy đủ quyền lợi của các cặp bạn đời đồng giới.

Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Đài Loan: Một năm nhìn lại

23/05/2020, 06:28

Nhân sự kiện Đài Loan kỷ niệm một năm hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa, các tổ chức vận động quyền LGBT tại đây đã kêu gọi tháo gỡ những hạn chế còn sót và thừa nhận đầy đủ quyền lợi của các cặp bạn đời đồng giới.

Ảnh: AP

Khi Đài Loan trở thành khu vực đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vào năm ngoái, giáo sư đại học Lois là một trong số hàng ngàn người đồng tính đã diễu hành trên đường phố Đài Bắc và vẫy cờ cầu vồng để ăn mừng. Tuy nhiên, một năm sau, cô và bạn đời người Trung Quốc đại lục vẫn không có quyền kết hôn giống như hàng trăm cặp bạn đời đồng tính khác. Họ vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế trong bối cảnh hiện nay.

“Khi ấy, tôi đã rất tự hào. Bây giờ, tôi cảm thấy như bị đối xử giống một công dân hạng ba”, Lois (42 tuổi) nói. Tên của cô đã được thay đổi vì chưa công khai xu hướng tính dục thật tại nơi làm việc.

Mảnh ghép bị thiếu

Ngày 24.5.19, hôn nhân đồng giới chính thức có hiệu lực tại Đài Loan – một tuần sau khi hội đồng lập pháp thông qua một dự luật cung cấp các biện pháp bảo đảm người đồng tính cũng có quyền kết hôn như người dị tính. Đáng tiếc, họ không thể kết hôn với người đến từ những nơi không có đạo luật tương tự. Chưa hết, họ cũng không thể nhận con nuôi nếu như đứa trẻ đó không phải con ruột của một trong hai.

Người đồng tính ăn mừng sự kiện quốc hội thông qua luật hôn nhân đồng giới vào năm 2019

Bạn đời của Lois đến từ bên kia eo biển – nơi chưa thừa nhận hôn nhân đồng giới – đã phải từ bỏ công việc của mình vào năm 2017 và đến Đài Loan du học để có thể ở lại và nuôi dạy đứa con trai ba tuổi của họ.

Đầu năm nay, bạn đời của Lois dẫn con trai về Trung Quốc đại lục để nghỉ Tết Nguyên đán. Đáng tiếc, COVID-19 bùng phát và chính quyền Đài Loan đã đóng cửa khẩu để kiểm soát sự lây lan của coronavirus. Do không có thị thực của người phối ngẫu, cô không thể quay lại Đài Loan và gia đình họ đã xa nhau từ đó đến nay.

“Theo luật, con trai tôi và tôi là người lạ. Tôi muốn chúng tôi - vợ tôi, con trai tôi - được công nhận là một gia đình”, Lois nói tờ Reuters.

Đài Loan từ lâu đã được coi là nơi đi tiên phong trong phong trào LGBT tại châu Á. Thế nhưng, việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới vẫn vấp phải sự phản đối gay gắt từ nhiều phía – đặc biệt là Công giáo - và gây chia rẽ trong nội bộ.

Theo số liệu chính thức, hơn 3.500 cặp đồng tính đã kết hôn từ năm ngoái. Ngoài ra, còn có hơn 1.000 cặp không thể đăng ký do bị hạn chế là người nước ngoài.

Đầu tháng này, tổ chức Taiwan Alliance to Promote Civil Partnership Rights (TAPCPR) đã thực hiện một kiến nghị công nhận đầy đủ quyền cho hôn nhân đồng giới. Nó nhận được hơn 10.000 chữ ký. “Nhiều người đã phải dùng đến visa sinh viên hoặc du lịch để ở lại đây. Nó gây ra rất nhiều lo lắng và sự không chắc chắn”, Chien Chih-chieh – tổng thư ký của TAPCPR – cho biết. “Đó là mảnh ghép còn lại mà chúng ta cần để đạt được sự bình đẳng trong hôn nhân”.

Nhà lãnh đạo vừa tái đắc cử Thái Anh Văn cho biết xã hội Đài Loan đã trở nên đa dạng và cởi mở hơn kể từ khi thông qua luật. “Một năm đã trôi qua, những giá trị mà chúng tôi muốn bảo vệ vẫn tồn tại. Song song đó, chúng tôi cũng đã giúp cho nhiều người có thể cùng nhau tìm đến hạnh phúc hơn”, bà Thái Anh Văn viết trên Facebook.

“Vẫn còn rất nhiều điều lệ cần được điều chỉnh sau khi luật được phê chuẩn”, bà nói thêm nhưng không nêu chi tiết. Văn phòng của bà cũng từ chối bình luận khi được đặt câu hỏi về việc cho phép các cuộc hôn phối đồng tính quốc tế.

Phong trào LGBT tại châu Á bị đẩy lùi

Ở những nơi khác ở châu Á, tiến trình công nhận hôn nhân đồng giới đã bị chậm lại.

Năm ngoái, một tòa án ở Philippines đã bác bỏ đơn kiến nghị thông qua kết hôn đồng giới. Thái Lan đã soạn thảo một dự luật có thể công nhận các cặp đồng tính là đối tác dân sự nhưng tiến trình đã bị đình trệ còn Hồng Kông tiếp tục cấm hình thức đối tác dân sự. Trong khi đó, các cặp đồng tính Nhật Bản đã đệ đơn kiện chính phủ về quyền kết hôn vào năm ngoái.

“Chúng tôi hiểu những thay đổi trong xã hội cần có thời gian”, Jennifer Lu - đại diện của Hiệp hội đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới và chuyển giới quốc tế ở châu Á - nói. Cô cho biết luật được thông qua ở Đài Loan là một bước đột phá vì nó cho thấy hôn nhân đồng giới không mâu thuẫn với các “giá trị văn hóa của châu Á”.

Mai Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
36 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại Đài Loan: Một năm nhìn lại