Ngày 26.4, tại nhà ông Đoàn Văn Khanh ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang), các cựu cán bộ, chiến sĩ vùng vành đai Bình Đức đã tổ chức buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Họp mặt cán bộ, chiến sĩ vùng vành đai Bình Đức

Mỹ Tho | 26/04/2023, 17:50

Ngày 26.4, tại nhà ông Đoàn Văn Khanh ở xã Song Thuận, huyện Châu Thành (Tiền Giang), các cựu cán bộ, chiến sĩ vùng vành đai Bình Đức đã tổ chức buổi họp mặt truyền thống kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

z4295759620286_f0cf0b8223695ea8a0eec5dfb4bd4031.jpg
Họp mặt cựu cán bộ, chiến sĩ vùng vành đai Bình Đức - Ảnh: Mỹ Tho

Cuộc họp mặt năm nay có gần 300 đại biểu là các lãnh đạo tỉnh Tiền Giang; cựu cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận vành đai Bình Đức cùng các gia đình có công cách mạng. Đây là lần thứ 10 diễn ra cuộc họp mặt truyền thống này.

Về ý nghĩa của cuộc họp mặt truyền thống này, ông Đoàn Văn Khanh chia sẻ: “Mục đích của cuộc họp mặt là để ôn lại truyền thống đấu tranh của quân và dân địa phương vùng vành đai Bình Đức trong kháng chiến chống Mỹ. Buổi họp mặt không chỉ có anh em chiến sĩ từng chiến đấu năm xưa, mà còn có các gia đình, con em, thế hệ trẻ để mình giáo dục truyền thống, thấy được sự chiến đấu anh dũng, gian lao của thế hệ cha ông”.

z4295759621531_4e546ebb9616a4d19ce18a54bfe4d74f.jpg

Vành đai Bình Đức thuộc địa bàn các xã Bình Đức, Trung An, Song Thuận, Đông Hòa, Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Thời kháng chiến chống Mỹ, do nằm cận kề căn cứ quân sự Đồng Tâm của Mỹ - Ngụy nên địa bàn này rất ác liệt. Tuy vậy, cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận vành đai Bình Đức rất gan dạ, dũng cảm không sợ hy sinh, tổ chức nhiều trận đánh làm cho quân thù khiếp vía.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có thời gian hoạt động trên địa bàn này, được sự đùm bọc, giúp đỡ, cưu mang của đồng chí, đồng bào khu vực vành đai Bình Đức.

z4295759622196_e229250b9152e1cbb6defa982bba0950(1).jpg
Tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh thời chiến tranh - Ảnh: Mỹ Tho

Năm 1966, căn cứ Đồng Tâm của Mỹ - Ngụy được thành tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Bộ Tư lệnh Quân khu 8 đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ huy vành đai gồm một số cán bộ binh vận, dân vận được tăng cường lãnh đạo lực lượng dân quân tại chỗ bằng thế hợp pháp đánh phá kế hoạch bình định, xây dựng căn cứ của địch, đồng thời chuẩn bị mọi mặt để chủ động đánh phủ đầu khi quân Mỹ vào đóng quân.

Ban chỉ huy vành đai đã bố trí lực lượng thành ba mặt trận trên địa bàn các xã Bình Đức, Phước Thạnh, Long Hưng, Song Thuận, Vĩnh Kim, Kim Sơn, tạo nên thế bao vây căn cứ địch.

Sau hơn 3 năm kiên cường bám trụ chiến đấu, quân dân vành đai Bình Đức đã tiến hành hàng trăm trận phục kích, tập kích, chống càn, diệt và làm bị thương hàng ngàn tên địch; bắn cháy hơn 200 máy bay, bắn chìm nhiều tàu quân sự của Mỹ góp phần cầm chân và tiêu hao một bộ phận lực lượng cơ động Mỹ, tạo điều kiện cho quân và dân Khu 8 đánh bại kế hoạch bình định của địch.

z4295759624838_180bd5321e08be3c5721cfcb2b8a60eb.jpg
Những chiến sĩ năm xưa kể chuyện chiến đấu chống Mỹ - Ảnh: Mỹ Tho

Chiến tranh đã lùi xa, giờ đây những chiến sĩ vành đai Bình Đức năm xưa nhiều người đã hy sinh, đã mất; số còn lại đa số tuổi cao đang sống cùng gia đình ở nhiều nơi trong vùng.

Tại buổi họp mặt, cựu chiến binh Nguyễn Thị Ánh Thu (81 tuổi) -Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Thành (Tiền Giang), xúc động nói: “Lúc đó tương quan lực lượng giữa ta và địch rất lớn, bên ta dù ít, vũ khí lạc hậu hơn nhưng chiến đấu rất anh dũng, quyết liệt. Địch đến đâu thì dân quân vành đai Bình Đức đánh đến đó. Thời gian tôi mang thai từ 1 đến 8 tháng vẫn cùng đồng đội đánh Mỹ”.

Buổi họp mặt, ngoài việc gặp gỡ, giao lưu, thăm hỏi của các cán bộ, chiến sĩ còn là dịp để giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tin, lòng tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhất là thế hệ trẻ phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo trong thời kỳ đổi mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 1: Giá bấp bênh, diêm dân vẫn quyết không bỏ nghề
Nghề làm muối ở tỉnh Bạc Liêu đã hình thành và phát triển đến nay trên 100 năm. Với diêm dân, nghề muối là nghề phải “đội nắng tắm sương” mới tạo ra được hạt muối ngon.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Họp mặt cán bộ, chiến sĩ vùng vành đai Bình Đức