Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - chủ sở hữu thương hiệu taxi Vinasun - vừa có văn bản trình Văn phòng Chính phủ bày tỏ không đồng tình về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP (lần 4).
Trước đó, ngày 31.7, Bộ GTVT có tờ trình lần 4 gửi Chính phủ về việc sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đại diện Vinasun bày tỏ, Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ đã có những sửa đổi, tuy nhiên có một số quy định trong Nghị định gây khó doanh nghiệp taxi trong nước. Đặc biệt, việc công nhận hợp đồng điện tử của Nghị định 86 chẳng khác nào hợp pháp hóa Grab, tạo điều kiện hãng taxi công nghệ này phát triển thống lĩnh thị trường, đẩy doanh nghiệp taxi truyền thống trong nước vào thế phá sản.
Theo Vinasun, cần xem lại việc cho kéo dài thí điểm taxi công nghệ đối với Quyết định số 24 của Bộ GTVT về xe hợp đồng điện tử đến năm 2020 - 2021. Bởi vì, một doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài như Grab vào Việt Nam với số vốn điều lệ 20 tỉ đồng, sau hai năm thí điểm báo lỗ 938 tỉ đồng và năm 2017 lỗ thêm 788 tỉ đồng, lôi kéo gần 50.000 công dân Việt Nam đầu tư mua xe làm đối tác để bây giờ phải chịu hệ lụy tiến thoái lưỡng nan.
Với lượng phương tiện phát triển bất thường như trên khi tham gia giao thông, gây ùn tắc giao thông và tăng tai nạn giao thông là điều khó tránh khỏi. Sự cởi mở quá mức về điều kiện kinh doanh cho loại hình xe hợp đồng điện tử này đã dẫn đến việc các địa phương không thể kiểm soát do không có đặc điểm nhận dạng rõ ràng - xe Grab như xe mù, xe dù chạy đầy đường, nhưng Thanh tra giao thông và Cảnh sát giao thông thì không thể nhận dạng và phân biệt để kiểm tra…
Vì vậy, Vinasun kiến nghị Chính phủ nên cho tạm dừng thí điểm loại hình này đến khi có nghị định mới thay thế Nghị định 86 - với các quy định rõ ràng, minh bạch và công bằng hơn cho các hoạt động vận tải.
Ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Vinasun Corp, cho rằng cần bỏ quy định về xe vận tải hợp đồng điện tử bởi không có bất kỳ một nước nào trên thế giới sử dụng loại hợp đồng này. Thế nhưng tại Việt Nam hợp đồng điện tử này lại nâng lên thành một loại hợp đồng vận tải chủ chốt, hợp pháp hóa hoạt động tạo điều kiện doanh nghiệp nước ngoài chiếm thế độc quyền, lủng đoạn thị trường đẩy doanh nghiệp vận tải hành khách trong nước vào nguy cơ phá sản.
Trong khi chính loại hình vận tải mới như Grab, Uber (trước khi sát nhập Grab) du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam hoạt động thời gian qua gây thất thoát thuế lớn cho đất nước, không đảm bảo an toàn cho hành khách khi sử dụng dịch vụ và có nhiều hệ lụy đã diễn ra trong suốt thời gian qua.
Theo ông Quý, đặt xe qua ứng dụng di động là bổ sung cho tiện ích người sử dụng dịch vụ chứ hoàn toàn không làm thay đổi bản chất là dịch vụ taxi. Việc giao dịch sử dụng phương tiện vẫn diễn ra bình thường. “Chúng tôi kiến nghị nên mở rộng nội hàm của taxi, hợp đồng để bao hàm tiện ích mới chứ không nên bổ sung loại hình vận tải taxi điện tử, hợp đồng điện tử”, ông Quý bày tỏ.
Bên cạnh đó, Hiệp hội taxi ba miền (TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội) cũng đã kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình xem xét bổ sung quy định màu biển kiểm soát dành cho xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ ngồi được cấp biển kiểm soát có màu riêng (màu vàng). Như vậy, sẽ thuận tiện hơn trong quản lý, điều hành giao thông. Đồng thời, cũng nhằm phân biệt xe dưới 9 chỗ có kinh doanh hoặc không kinh doanh vận tải hành khách. Đồng thời, dự thảo Nghị định 86 có 3 loại hình vận tải hành khách dưới 9 chỗ là xe taxi điện tử, xe hợp đồng điện tử và xe du lịch điện tử. Các hiệp hội taxi kiến nghị cần quy định tất cả các loại xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ có phương pháp tính tiền giống nhau (bằng đồng hồ taximete hoặc phần mềm) hoạt động chủ yếu ở các thành thị, đô thị.
Trước mắt, cần đưa loại hình kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng điện tử đang thí điểm hiện nay vào diện phải kê khai giá (hoặc áp giá sàn, giá trần như Indonesia đang áp dụng với Grab) ...
P.V