Từ đầu năm tới cuối tháng 8.2016, có tổng số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Tuy nhiên, hơn 50% số này đã không được hoàn thành đúng hạn.
Theo số liệu thống kê trên Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi, từ đầu năm tới cuối tháng 8.2016, có tổng số 3.726 nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan, địa phương. Trong đó có 1.739 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn 1.310, quá hạn 429); chưa hoàn thành 1.987 (trong hạn 1.812, quá hạn 175).
Một số bộ, cơ quan, địa phương có nhiều nhiệm vụ quá hạn chưa thực hiện, như các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Thanh tra Chính phủ; các UBND: TP.HCM, TP.Hà Nội, TP.Đà Nẵng…
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ thành lập cũng nhằm mục đích đốc thúc các cơ quan được giao nhiệm vụ nhanh chóng hoàn thành. Mới đây, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, tổ công tác đã nêu rõ những nhiệm vụ mà hai bộnày chưa hoàn thành.
Về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao là 241. Trong số 87 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện, có 73 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 14 nhiệm vụ đã quá hạn chưa thực hiện. Ngay trong số 73 nhiệm vụ đã hoàn thành có tới 63 nhiệm vụ hoàn thành quá hạn (chiếm 86,3%).
Với Bộ Tài chính, kiểm tra cho thấy, Bộ Tài chính triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao khá tốt, số nhiệm vụ chưa hoàn thành quá hạn chỉ chiếm 5% trên tổng số 170 nhiệm vụ được giao. Trong số 100 nhiệm vụ đến hạn phải thực hiện có 95 nhiệm vụ đã hoàn thành, còn 5 nhiệm vụ chưa thực hiện.
Theo đó, tổ công tác cho biết, sau Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thì tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra để kiểm tra các bộ, cơ quan, địa phương còn nợ đọng nhiều nhiệm vụ.
Tổ công tác của Thủ tướng căn cứ trên số liệu thống kê của Văn phòng Chính phủ kịp thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ biểu dương các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, đồng thời phát hiện, kiến nghị Thủ tướng phê bình, xử lý các cá nhân, tập thể yếu kém.
Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm thông tin công khai trên Cổng TTĐT của Chính phủ và báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ hằng tháng về kết quả kiểm tra của Tổ công tác cũng như nêu tên các bộ, cơ quan, địa phương làm tốt, các bộ, cơ quan, địa phương yếu kém, bị phê bình.
Đồng thời, Văn phòng Chính phủ khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành văn bản phải tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bộ; nâng cao năng lực thẩm tra, tham mưu. Khi tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho bộ, cơ quan, địa phương thực hiện phải chuẩn hóa được về cơ sở pháp lý, thẩm quyền, thời gian, cơ chế thực hiện để đảm bảo tính khả thi, không gây lúng túng, khó khăn cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Văn phòng Chính phủ cần làm tốt công tác điều phối đối với các bộ, cơ quan, địa phương, đặc biệt trong trường hợp cùng một nội dung, vấn đề nhưng giữa các bộ có ý kiến trái chiều, không thống nhất được.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng cũng cho biết, một số tồn tại, hạn chế mà các bộ, ngành cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ là công tác phối hợp xử lý công việc giữa các bộ, ngành còn yếu, chưa chấp hành nghiêm túc quy chế làm việc, chưa thực hiện nghiêm chương trình công tác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Vẫn còn tình trạng trình chậm, nợ đọng văn bản.
“Quy chế hiện hành không quy định cụ thể về cơ chế phối hợp, xác định trách nhiệm của Bộ trưởng trong phối hợp xây dựng chính sách pháp luật thì lần này, phải có quy chế phối hợp tốt hơn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu chú trọng đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, quy trình giải quyết công việc của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó xây dựng quy trình xử lý công việc khoa học, hợp lý, đối với từng loại công việc, từng nhiệm vụ, xác định rõ thẩm quyền và đề cao trách nhiệm của các cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra; xác định rõ vai trò của chuyên viên, lãnh đạo vụ, lãnh đạo bộ trong xử lý công việc.
Cho rằng kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, Thủ tướng yêu cầu Văn phòng Chính phủ tăng cường hơn nữa vai trò theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao cho các bộ, địa phương.
Theo đó, các đầu việc Thủ tướng, Phó thủ tướng giao mà chưa thực hiện thì cần đôn đốc mạnh hơn, nhanh hơn. Sắp tới sẽ tiếp tục làm việc, kiểm tra một số bộ, UBND địa phương về thực hiện kết luận của Thủ tướng, Phó thủ tướng chứ không chỉ có 2 Bộ này, báo cáo kết quả trong phiên họp Chính phủ tới.
Trí Lâm