Ngày 29.7, Trường đại học Nam Cần Thơ và Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Quản lý ung thư trong thời đại mới: Cập nhật những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư ở Việt Nam và trên thế giới”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, tiến sĩ Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ cho rằng “Ung thư luôn là vấn đề sức khỏe được quan tâm tại nhiều quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong do căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.
Tại Việt Nam vào năm 2018 có 165 ngàn trường hợp mắc mới ung thư, đến năm 2020 ghi nhận 182 ngàn người mắc bệnh, và tử vong là 122.690 trường hợp. Hiện nay, tại Việt Nam có hơn 300.000 người đang sống chung với bệnh ung thư. Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới.
Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc phát hiện sớm chẩn đoán và điều trị nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp nhiều khó khăn.
Trước những yêu cầu trên, hội thảo này tập trung thảo luận các nhóm vấn đề: Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu trên thế giới; những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý ung bướu tại Việt Nam; những thành tựu của Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ; những khó khăn trong chẩn đoán và điều trị ung thư tại khu vực ĐBSCL nói chung và TP.Cần Thơ nói riêng.
PGS-TS-BS Đàm Văn Cương, Giám đốc Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ cho rằng “Ung thư là một bệnh có tỷ lệ tử vong hàng đầu thế giới và Việt Nam. Theo số liệu của Hội nghị ung thư quốc tế về phòng chống ung thư năm 2022 tại Hà Nội, tỷ lệ mắc ung thư tại Việt Nam cao thứ 2 trên thế giới.
Mỗi năm Việt Nam ghi nhận 200.000 ca mắc mới. Số ca tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Tỷ lệ tử vong do ung thư tại Việt Nam là 73,5% trong khi của thế giới là 59,7%, các quốc gia đang phát triển là 67,9%. Như vậy, tỷ lệ tử vong do các bệnh ung thư ở Việt Nam ở mức cao, lý do là đa số được phát hiện muộn, việc điều trị kết quả chưa cao”.
Cũng theo PGS-TS-BS Đàm Văn Cương, hiện nay tình hình bệnh ung thư ở ĐBSCL cũng có tỷ lệ tương đương với các vùng khác trong cả nước. Tuy nhiên, việc phát hiện, điều trị cho bệnh nhân ung thư vùng này gặp nhiều khó khăn. Phần lớn đều phát hiện bệnh ung thư trong giai đoạn bệnh bùng phát, giai đoạn cuối. Việc phòng chống bệnh ung thư chưa được người dân quan tâm đặc biệt.
Hệ thống bệnh viện ung bướu chưa hoàn thiện. ĐBSCL chưa có bệnh viện chuyên khoa ung thư. Trang thiết bị phục vụ cho việc khám và điều trị chưa được hiện đại. Nhân lực cho phòng chống và điều trị ung thư còn thiếu thốn nhiều. Ngành y tế các tỉnh cần phấn đấu nhiều hơn nữa trong lĩnh vực điều trị ung thư.
Tại Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ, ngay từ khi đi vào hoạt động, lãnh đạo bệnh viện đã quan tâm xây dựng và phát triển khoa ung bướu. Sau 1 năm đi vào hoạt động khám và điều trị bệnh nhân ung bướu bệnh viện đã từng bước bổ sung nhân lực, tuyển mới và đưa đi đào tạo, từng bước trang bị máy móc thiết bị hiện đại, chuyên sâu phục vụ khan điều trị ung thư. Hướng tới của bệnh viện là xây dựng trung tâm ung bướu mang tầm quốc tế, đầy đủ nhân lực và trang thiết bị hiện đại phục vụ bệnh nhân vùng ĐBSCL.
Nhiều báo cáo khoa học tại hội thảo trong nước và quốc tế tập trung tập trung vào việc khám, chẩn đoán, điều trị ung thư bằng các phương pháp và thiết bị mới. Trong đó, đáng chú ý là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và các bác sĩ đến từ các bệnh viện ung bướu trong nước và trên thế giới.
Nhiều nhà khoa học về ung thư, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ danh tiếng có tham luận, báo cáo tại hội thảo như: Thầy thuốc nhân dân, GS-TS-BS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; GS-TS-BS Lê Quang Nghĩa - Phó chủ nhiệm Bộ môn Ngoại, Trường đại học Y dược TP.HCM, Phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM; TS-BS Phạm Nguyên Quý - Trưởng khoa Ung thư nội khoa, Bệnh viện Trung ương Tokyo Miniren; PGS-TS-BS Phillip Trần - Phó chủ tịch Hội đồng Cố vấn y khoa, Bệnh viện Đại học Nam Cần Thơ; chuyên gia tim mạch, Phó giáo sư nội khoa Đại học Midwestern University; Chủ tịch Hội đồng Học thuật Trung tâm Y khoa Yavapai (Arizona, Mỹ)…
Tiến sĩ-luật sư Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Nam Cần Thơ cho rằng: “Hội thảo đã thu hút hơn 500 đại biểu tham dự (trực tiếp và trực tuyến). Nhiều tham luận và ý kiến có giá trị y học và giá trị định hướng cho việc phát triển phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị ung thư cho người dân ĐBSCL. Bằng cách liên thông, kết nối trực tiếp và trực tuyến hội thảo, những tiến bộ y học trong điều trị ung thư trên thế giới được cập nhật nhanh chóng ở Việt Nam, giúp cho việc phòng ngừa và điều trị ung thu ngày thêm tốt hơn”.