Những diễn biến trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đang cho thấy, thay vì sử dụng sức ép hội nhập như một động lực để cải cách kinh tế, thì một số cơ quan lại đang có xu hướng dùng nó như một lý do để trì hoãn và cản trở những nỗ lực cải tổ.
Một câu chuyện nhỏ (và ít được chú ý) diễn ra trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 6.10 vừa qua khi dự án luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) được đưa ra xem xét thảo luận, đó là việc xuất hiện những lo ngại về khả năng các biện pháp hỗ trợ trong dự luật có vi phạm các quy định trong những hiệp định kinh tế - thương mại mà Việt Nam đã ký kết hay không.
Trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết khá nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA) trong thời gian vừa qua, thì việc đối chiếu với những nội dung trong các hiệp định đó là điều cần thiết, nếu như không muốn bị các nước khác kiện. Đó cũng được xem là một dạng của sức ép hội nhập. Tuy nhiên, những diễn biến trong nền kinh tế Việt Nam thời gian qua đang cho thấy, thay vì sử dụng sức ép hội nhập như một động lực để cải cách kinh tế, thì chúng ta lại đang có xu hướng dùng nó như một lý do để trì hoãn và cản trở những nỗ lực cải tổ.
Có thể thấy, vấn đề lo ngại về khả năng vi phạm các hiệp định kinh tế - thương mại là một trong những lý do chủ đạo đang khiến cho dự luật hỗ trợ DNNVV khó có thể được thông qua ở thời điểm hiện tại. Cụ thể, khá nhiều thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tỏ ra lo ngại rằng các biện pháp hỗ trợ DNNVV trong dự luật này sẽ vi phạm quy định về chống trợ cấp, chống bán phá giá của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho rằng, nếu áp dụng các quy định như dự thảo luật thì trên thực tế có thể bị các nước thành viên kiện ra WTO (theo The Saigon Times).
Điều kỳ lạ nhất ở đây là, Bộ Công Thương với chức năng là một trong các cơ quan đóng vai trò chủ yếu trong việc soạn thảo dự luật hỗ trợ DNNVV có vẻ như lại không hề tư vấn cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư vốn là cơ quan soạn thảo chính về vấn đề những quy định trong các hiệp định kinh tế - thương mại này. Lẽ ra, điều đó cần được đề cập tới ngay trong quá trình soạn thảo dự luật chứ không phải đến khi trình ra Quốc hội thì Bộ Công Thương mới thông báo khả năng về nguy cơ bị kiện do vi phạm các quy định của WTO hay TPP – vốn là việc có thể khiến dự luật hỗ trợ DNNVV bị Quốc hội bác bỏ việc thông qua.
Việc nhiều cơ quan Nhà nước sử dụng lý do các quy định về hội nhập để bác bỏ những đề xuất mới từ phía người dân và doanh nghiệp cũng không phải điều gì quá hiếm hoi trong thời gian vừa qua. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tại hội thảo “Tận dụng không gian chính sách để hỗ trợ các ngành kinh tế nội địa” sáng6.10 đã chia sẻ: “Tôi lấy làm tiếc vì đến nay, nhiều người làm ở các cơ quan nhà nước chưa có được sự hiểu biết đầy đủ, ngộ nhận về chính sách. Báo chí không ít lần phản ánh khi doanh nghiệp đề xuất vấn đề nọ kia thì được các công chức ở bộ ban ngành trả lờiráo hoảnh “cái này chúng ta đã hội nhập rồi, không được làm vậy, trong khi có phải vậy đâu, là họ hiểu sai, và vẫn còn những khoảng trống để chúng ta làm…” (theo CafeF).
Về lý thuyết, lẽ ra các cơ quan Nhà nước mà điển hình là các bộ ngành phải là người đứng ra tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp cách thức ứng phó phù hợp mà không vi phạm các quy định hội nhập mà chúng ta đã ký kết, chứ không phải là thêm những quy định hội nhập vào danh sách các lý do để từ chối đề xuất của doanh nghiệp và các động thái cải cách, bất kể thực tế có thực sự như thế hay không.
Trong khi đó, lĩnh vực được kỳ vọng nhất sẽ nhờ sức ép hội nhập để thúc đẩy cải cách là doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thì lại hoàn toàn không có động tĩnh gì. Khi mà dự luật hỗ trợ DNNVVđang có khả năng bị bác bỏ vì lo ngại vi phạm quy định của WTO và TPP, thì khu vực DNNN vốn tiềm tàng nhiều nguy cơ nhất trong vấn đề này thì lại không hề được đả động tới. Đếm không xuể số lượng các DNNN vì làm ăn thua lỗ đang tiếp tục ngửa tay xin Chính phủ hỗ trợ trong thời gian qua, vốn là điều vi phạm các cam kết quốc tế mà điển hình là TPP, thì lại không thấy Quốc hội hay bộ ngành nào lên tiếng ngăn cản. Nếu như Việt Nam thực sự lo ngại khả năng bị kiện do vi phạm các cam kết quốc tế, thì điều đầu tiên cần làm là chấn chỉnh lại khu vực DNNN vốn đang có nguy cơ vi phạm lớn nhất mới đúng.
Một thực tế là nhiều cơ quan chức năng hiện nay thiếu nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng các hiệp định và cam kết để chủ động thiết kế các chính sách cần thiết có lợi cho doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất trong nước, dẫn đến ngộ nhận và lo lắng thiếu cơ sở trong việc quản lý và điều hành. Thay vì coi hội nhập như sức ép tích cực để cải tổ và tái cơ cấu nền kinh tế, thì việc thiếu hiểu biết lại khiến cho hội nhập trở thành một gánh nặng nữa đè lên vai kinh tế Việt Nam.
Nhận định về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Tôi nghĩ tuy bị thu hẹp lại nhưng không có quốc gia nào chấp nhận việc mình không còn không gian chính sách. Không gian đó tuy bị thu hẹp đáng kể trong một số lĩnh vực nhưng phần còn lại để phát triển vẫn còn rộng lớn lắm”. Suy cho cùng, sức ép có thể trở thành động lực mà cũng có thể trở thành lực cản đối với phát triển, vấn đề nằm ở chỗ các cơ quan nhà nước muốn coi nó là động lực hay làlực cản mà thôi.
Nhàn Đàm