Nhóm đa số tại Hội đồng thành phố Minneapolis mới đây công bố ý định "giải thể sở cảnh sát" và đầu tư vào mạng lưới an ninh dựa vào cộng đồng sau việc cảnh sát dùng bạo lực quá mức gây ra cái chết thương tâm của George Floyd, một người đàn ông da màu, dẫn đến làn sóng biểu tình trong nước và trên thế giới.
Phát biểu trước một nhóm người biểu tình, tập trung ở công viên Powderhorn phía nam Minneapolis ngày 7.6, các thành viên Hội đồng thành phố cam kết sẽ xây dựng một hệ thống an ninh công cộng mới. "Hội đồng này sẽ giải tán sở cảnh sát", ủy viên Hội đồng thành phố Jeremiah Ellison cho biết.
Chủ tịch Hội đồng, bà Lisa Bender nói với CNN rằng với 9 trong số 13 phiếu của các thành viên trong hội đồng, họ sẽ có đủ đa số để thúc đẩy ý định này. Bà Bender cho biết ngân sách cho lực lượng cảnh sát sẽ được điều chuyển cho mục đích khác và hội đồng thành phố sẽ thảo luận về cách thức thay thế sở cảnh sát hiện nay thông qua hợp tác xin ý kiến từ cộng đồng, rút các bài học kinh nghiệm.
"Không còn bộ phận cảnh sát nữa và đây chắc chắn không phải là ý tưởng nhất thời", bà Bender nhấn mạnh.
Dù Hội đồng thành phố kiểm soát ngân sách của cảnh sát, Thị trưởng Minneapolis Jacob Frey có quyền phủ quyết hành động của hội đồng. Trước đó một tuần, ông Frey đã tuyên bố ông không ủng hộ loại bỏ toàn diện sở cảnh sát thành phố. Tuy nhiên, các thành viên hội đồng cũng tuyên bố họ có đủ phiếu bầu để kháng lại lệnh phủ quyết của ông Frey.
Minneapolis trong gần 2 tuần qua đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận Mỹ và trên thế giới sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu chết hôm 25.5 vì bị cảnh sát ghì cổ trong gần 9 phút. Vụ việc đã làm bùng lên làn sóng biểu tình trên khắp nước Mỹ và cả thế giới nhằm ủng hộ cho quyền lợi của người da màu.
Một số cuộc biểu tình đã diễn ra trong bầu không khí ôn hòa, trong khi một số khác chìm trong bạo lực với một loạt các vụ cướp bóc, phá hoại, đốt phá, tấn công cảnh sát khiến hàng ngàn người đã bị bắt, nhiều tài sản, nhà cửa bị hư hại.
Hoàng Vũ (theo Sputinik, Guardian, Straits Times)