Chỉ một phút lụy tình mà những cuộc tình kết thúc trong bi kịch, người bỏ mạng, kẻ vào tù thậm chí là phải nhận bản án cao nhất: tử hình...

Hội chứng 'cuồng yêu' và những cuộc tình kết thúc trong bi kịch

09/05/2015, 11:00

Chỉ một phút lụy tình mà những cuộc tình kết thúc trong bi kịch, người bỏ mạng, kẻ vào tù thậm chí là phải nhận bản án cao nhất: tử hình...

Gần đây, dư luận liên tiếp chứng kiến hàng loạt vụ án mạng đau lòng xảy ra. Nguyên nhân được xác định bắt đầu từ mâu thuẫn tình ái, mà nạn nhân là những cô gái đáng thương.
Khi yêu thương hóa thành thù hận

Khi tình vỗ cánh bay, khi người trong mộng nói lời ly biệt bởi vô vàn những lý do trong cuộc sống thì kẻ cuồng yêu lại chọn giải pháp tiêu cực đến kinh hoàng, ấy là gây tội ác. Đã có rất nhiều vụ án hãi hùng xung quanh chuyện tình cảm nam nữ này...

Mấy ngày nay, người dân sống trong con hẻm nhỏ số 763 đường Kha Vạn Cân, cạnh trụ sở UBND, Công an phường Linh Tây, quận Thủ Đức, TP.HCM vẫn còn ám ảnh, khiếp sợ về vụ án phóng hỏa cố ý giết người không thành mà nghi can là Nguyễn Văn Thạnh (31 tuổi, ngụ phường Trường Thọ, quận Thủ Đức), kẻ vừa bị Công an quận Thủ Đức bắt giữ.

Sự việc xảy vào những ngày cuối tháng 4 vừa qua, ngay khi tiếp nhận thông tin vụ án nghiêm trọng, ban chỉ huy công an quận Thủ Đức đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đến khám nghiệm hiện trường, ghi lời khai của những người có liên quan.

Chị Lâm Thị Mỹ Thu (31 tuổi, quê tỉnh Bạc Liêu) cho biết, trước đó chị có quan hệ tình cảm với Nguyễn Văn Thành. Tuy nhiên, do thường xuyên bị Thành đánh đập (Công an quận 9 đã 2 lần xử lý đối với Thành) nên chị Thu cương quyết chia tay và trốn về nhà trọ ở cùng mẹ con người bạn là chị Lê Thị Mỹ Nga (31 tuổi) ở địa chỉ nói trên. Tuy nhiên, Thành vẫn tìm ra nơi ở của chị Thu và đêm xảy ra vụ việc, giữa Thu và Thành đã xảy ra mâu thuẫn khá gay gắt. Sau khi Thành về chị Thu đóng cửa lên gác ngủ cùng mẹ con chị Nga. Khi đang thiu thiu ngủ thì bất ngờ mẹ con chị Nga thấy mùi xăng bốc lên nồng nặc. Vùng dậy, họ đã rụng rời khi phát hiện lửa bùng cháy từ dòng xăng chảy bên ngoài vào nhà rồi nhanh chóng lan rộng. “Căn nhà mẹ con tôi ở có một gác lửng và rộng chỉ vài chục mét vuông. Khi xảy ra cháy, chúng tôi đều đang ngủ trên gác trong khi phía dưới chứa nhiều đồ đạc, bếp gas, 2 xe máy... Khi nhà bị đốt, tôi hốt hoảng ôm con cùng bạn tháo chạy nhưng tung cửa thì bị dây kẽm siết chặt bên ngoài nên phải kêu cứu thảm thiết. Rất may đã được mọi người cứu kịp, chị Nga vẫn còn run sợ kể.

Điều đáng nói là dù căn nhà trọ cạnh bên không mâu thuẫn gì nhưng hung thủ vẫn dùng dây kẽm cột chặt cửa bên ngoài mà theo nhận định, đối tượng này quyết giết cho bằng được người tình và mẹ con chị Nga nên không cho hàng xóm phát hiện chạy đến cứu.

Theo các chuyên gia cho rằng, những kẻ gây tội ác kinh hoàng đối với người mình thương yêu mắc hội chứng tiêu cực ấy làcuồng yêu”...

Yêu là chiếm lĩnh

Nói về hung thủ trong những vụ án giết người mình yêu này, ông Nguyên Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng Quốc hội chia sẻ: "Đa số những hung thủ sát hại người yêu bị hội chứng cuồng yêu, tâm thần không bình thường, hoặc bị ảnh hưởng bởi lối sống lệch lạc, học qua mạng Internet. Sự nguy hiểm chính là trong nhận thức của một số trẻ vị thành niên đều phi chuẩn mực đang có vẻ được chấp nhận và suy nghĩ như chuẩn mực”.

Xung quanh vấn đề này, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn – Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Xã hội Việt Nam cũng chia sẻ: "Chứng cuồng yêu, không yêu thì giết càng cho thấy sự manh động, liều lĩnh, không tôn trọng mạng sống của chính mình và người khác của một bộ phận người trẻ.

Hiểu một cách đơn giản theo nghĩa thông thường thì cuồng yêu là hiện tượng một cá nhân mong muốn sở hữu người mình yêu một cách quá mức dù chưa hẳn là người ấy yêu hay chính thức yêu hoặc có những hứa hẹn, cam kết, hẹn thề. Nhu cầu chiếm lĩnh, quản lý, sở hữu và thậm chí là giám sát, giam lỏng người mình yêu trở thành suy nghĩ chính đáng. Khi cảm thấy mệt mỏi và quá bó buộc, người được theo đuổi rút lui, từ chối, bỏ chạy thì người cuồng yêu sẵn sàng làm mọi thứ kể cả vi phạm đạo đức - pháp luật để quyết tâm theo đuổi hay sở hữu. Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này. Ngoài những giả định thuộc về nguyên nhân mang tính bẩm sinh thì kiểu khí chất ưu tư hoặc nóng nảy là một trong những giả định cần quan tâm. Tuy vậy, quan trọng hơn vẫn là những nguyên nhân về tâm lý: Sự hụt hẫng trong đời sống gia đình với những ám ảnh thời thơ ấu; sự mất tự tin về cái tôi tình yêu; sự sang chấn sau một cú sốc về tình cảm hoặc những thất bại hay đổ vỡ không hẳn về tình yêu; sự nhận thức lệch lạc với quan điểm về tình yêu ích kỷ và sự quá đáng,.

PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn cũng đồng ý với nhận định giới trẻ hiện nay đang sống một cách manh động hơn vì dường như mọi chuyện ngày nay được giải quyết theo xu hướng cấp tốc, tức thời, thẳng thắn, mạnh mẽ. Bên cạnh đó, khuynh hướng sử dụng sức mạnh không loại trừ bạo lực cũng là sự lựa chọn của một nhóm khá nhiều bạn trẻ. Việc yêu và dùng vũ lực vì không hài lòng, vìghen tuông, bực tức, tranh cãi, xung đột,... có thể trở thành cách ứng xử của khá nhiều cặp đôi. Đó là biểu hiện của sự vụng về trong cảm xúc, sự lúng túng cùng thái độ bế tắc trong hành vi ứng xử. ở một góc độ nhất định, những bạn trẻ này chưa nhận ra giá trị cao cả của tình yêu là sự dung hòa hay hòa hợp”.

“Bên cạnh đó, việc chưa nhận ra giá trị sống, kỹ năng sống để giải quyết tình cảm hay mối quan hệ tình cảm cũng là vấn đề quan trọng ở đây. Ngoài ra, xã hội càng phức tạp thì chứng cuồng yêu không thể “lây” bằng đường không khí nhưng lại có thể “lây” trên góc nhìn nhận thức, quan điểm nhờ vào “truyền thông” tiêu cực theo mặt trái của nó”, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Hành động của những kẻ thiếu khát vọng, đam mê

Lý giải về hiện tượng này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Giàu - chuyên gia Tâm lý thuộc Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt cho rằng ý nghĩ làm tổn thương, trả thù một ai đó để giải tỏa ức chế, dồn nén của bản thân có ở rất nhiều người. Tuy nhiên, sự hấp thụ giá trị chuẩn mực thông qua giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình sẽ khiến cho mỗi cá nhân có sự khác biệt về số lần xuất hiện của những ý nghĩ xấu, mức độ tồn tại của ý nghĩ xấu trong đầu cũng như việc biến ý nghĩ xấu đó thành hành động thực tế.

“Không yêu thì giết” cũng là một “thuật ngữ” mới xuất hiện trong giới trẻ hiện nay. Những kẻ lấy lý do tình yêu để hủy hoại người yêu là những người yếu đuối về mặt tình cảm. Bên cạnh đó, họ cũng thuộc dạng người có một cuộc sống tầm thường, không có nhiều ý chí, khát vọng trong học tập cũng như những đam mê, sở thích. Họ gần như chỉ biết yêu và bấu víu vào nó để tồn tại. Khi mất đi điểm tựa cuối cùng thì họ như con thú cùng đường, sẽ bột phát dẫn đến những hành động điên cuồng.

Không khó để nhận biết người “cuồng yêu”

Theo PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn, việc nhận biết người cuồng yêu để tránh không khó. Đó là những người chỉ cần một người con gái nhoẻn miệng cười, hoặc quan tâm chút ít đến "kẻ cuồng yêu" hay ngay cả việc bày tỏ thái độ thương cảm vì sự ga lăng hay theo đuổi thành tâm, kiên trì thì ngay lập tức hắn nghĩ rằng cô gái đã yêu mình. Nhu cầu chiếm đoạt, ích kỷ... dễ dàng xuất hiện vì hắn luôn nhìn cuộc sống này theo quan niệm của hắn. “Bên cạnh đó, chúng ta có thể lưu ý tới những biểu hiện rất hình thức sau như lầm lì, ít nói, không biết xấu hổ khi làm quen, chinh phục, tưởng tượng, lãng mạn trong tình yêu thái quá, ích kỷ, luôn nhìn thế giới theo cách của mình và hành động chủ quan, thành kiến, ghen một cách thô bạo, ngay cả khi chia tay vẫn ghen tức, thương yêu quá đáng bằng những hành vi và lời cam kết nhưng có màu sắc hăm dọa. Có những cử chỉ sở hữu và những biểu hiện tức tối kiểm soát dù rằng mang tính bột phát hay kiểm soát...
“Khi biết người đang theo đuổi mình hay một nửa của mình là người cuồng yêu thì bản thân mình cần tỏ rõ thái độ lạnh nhạt. Nhất thiết không nói chuyện hoặc nhìn kẻ cuồng yêu. Nếu giấu được địa chỉ, điện thoại và cắt đứt mối quan hệ nhanh chóng càng tốt. Nếu cần nói chuyện, hãy khẳng định mạnh mẽ rằng những gì người ấy hỏi là sự tưởng tượng hoang đường. Đây là cách “đánh” triệt tiêu các mầm mống man dại hay sự cuồng dại của kẻ có dấu hiệu cuồng yêu. Khi thấy hắn bắt đầu có biểu hiện sự đeo bám, dai dẳng, trơ trẽn, lì lợm, thiếu tế nhị... thì ngay lập tức cần sự “phản kháng” quyết liệt. Đó là thái độ mạnh mẽ, quyết chí từ chối, tỏ ra không sợ sệt thậm chí ương ngạnh sẽ có hiệu quả hơn là sự nhũn nhặn, nhẹ nhàng. Có thể nhờ thêm sự can thiệp của bạn bè, người thân, Không nên dùng nguyên tắc lịch sự hay tế nhị với kiểu người cuồng yêu. cần mạnh mẽ và bản lĩnh với thái độ kiên định từ chối rạch ròi", PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

Tổng hợp / Đời sống và Pháp luật

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội chứng 'cuồng yêu' và những cuộc tình kết thúc trong bi kịch