Khi người hâm mộ Việt Nam gửi gắm niềm tin ngày càng lớn cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức – nơi đóng góp lực lượng xương sống cho Tuyển U.19 Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu vì sao Học viện Thailand Chonburi JMG lại đóng cửa vào năm 2012 sau 7 năm hoạt động.

Học viện HAGL Arsenal JMG sống tốt, Thailand JMG đóng cửa vì đâu?

Một Thế Giới | 05/02/2014, 17:05

Khi người hâm mộ Việt Nam gửi gắm niềm tin ngày càng lớn cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG của bầu Đức – nơi đóng góp lực lượng xương sống cho Tuyển U.19 Việt Nam, có lẽ chúng ta cũng nên tìm hiểu vì sao Học viện Thailand Chonburi JMG lại đóng cửa vào năm 2012 sau 7 năm hoạt động.

Nghĩa cử của bầu Đức khiến dân mạng nể phục

Tài sản khổng lồ của bầu Đức ở Lào

Status của bầu Đức nhận hơn 6000 like sau 35 phút

Lo cho bầu Đức

Bầu Đức và U.19 Việt Nam nhận giải Fair Play 2013

Cái bắt tay "quá đúng" của Lê Hùng Dũng và bầu Đức


Bóng đá Thái Lan đi trước và phát triển hơn bóng đá Việt Nam về mọi mặt. Từ thành tích của ĐTQG, tuyển U.23, giải VĐQG Thai Premier League cho đến công tác đào tạo trẻ và môi trường xã hội-thể thao của xứ sở Chùa Vàng cũng có tính chuyên nghiệp hơn hẳn Việt Nam. Chuyện Học viện Thailand JMG đóng cửa vào năm 2012, giúp chúng ta phải biết bình tĩnh, kiên nhẫn hơn với chu trình đạo tạo trẻ khi Học viện HA.GL Arsenal JMG của bầu Đức đạt được thành công bước đầu.

Học viện JMG đầu tiên ở châu Á

Học viện Thailand JMG ra đời từ ý tưởng của Jean Francois Couet vốn là một nhà đầu tư người Bỉ đã góp vốn cho Học viện JMG Abidjan (Bờ Biển Ngà), vào năm 2004. Ông Couet đã có 20 sinh sống ở Bangkok và đã mời gọi người bạn đồng hương của mình là ông Robert Procureur là một chuyên gia quản lý thể thao ở Thái Lan (ông Procureur sau này làm GĐĐH CLB Muangthong United) để xúc tiến thành lập Học viện JMG đầu tiên ở châu Á với sự hỗ trợ, cố vấn của CLB Arsenal và HLV Arsene Wenger.

Tháng 12 năm 2004, ông Couet và Procureur với đại diện pháp nhân là Global Football Makerting Co. Limited đã ký hợp đồng với JMG Academy để thành lập nên Học viện JMG Thailand, đầu tiên ở châu Á. Phía JMG Academy chịu trách nhiệm về chương trình chuyên môn, kỹ thuật huấn luyện và phía Global Football Marketing Co. Limited lo về vấn đề tài chính, vốn đầu tư.

Tháng 1.2005, Học viện Thailand JMG ra đời, đóng bản doanh tại tỉnh Chonburi (cách Bangkok 200km). Đích thân chủ tịch JMG Academy là ông Jean Marc Guilou và ông Christopher Larrouilh (Giám đốc kỹ thuật của Học viện Thailand JMG 2005-2007) đã tham gia tuyển chọn các thí sinh cho các Học viện tại các tỉnh lớn ở Thái Lan. Chương trình đào tạo của Học viện Thailand JMG ban đầu tuyển chọn 40 cầu thủ nhí và sau đó sẽ gút lại còn 16 thí sinh cuối cùng để đào tạo. Tháng 5.2005, Học viện Thailand JMG chính thức đi vào huấn luyện “gà nòi” với các cầu thủ nhí từ 12-13 tuổi và dự kiến đến năm 2012 sẽ tốt nghiệp.

Giống và khác nhau với Học viện HAGL Arsenal JMG

Từ nguồn gốc ra đời, chúng ta có thể đối chiếu so sánh giữa Học viện Thailand JMG có những điểm khác biệt với Học viện HAGL Arsenal của bầu Đức (ra đời năm 2007) những điểm căn bản sau:

1. Chủ đầu tư: Học viện Thailand JMG do các doanh nhân nước ngoài (người Bỉ và Pháp) đầu tư với mục đích riêng của họ. Trong khi Học viện HAGL Arsenal JMG do doanh nhân trong nước là ông Đoàn Nguyên Đức bỏ vốn đầu tư. Thuận lợi của Học viện HAGL Arsenal JMG là cơ sở vật chất, sân bãi đều của bầu Đức (trung tâm Hàm Rồng-Pleiku-Gia Lai) trong khi Thailand JMG phải đi thuê mướn nên chi phí tốn kém hơn.

2. Thương hiệu: Học viện Thailand JMG nhận có sự ủng hộ về chuyên môn, cố vấn từ CLB Arsenal và HLV Wenger chứ không gắn thương hiệu với Pháo thủ London. Do không được một doanh nghiệp nào bảo trợ nên tên chính thức của Học viện là Thailand JMG Academy hoặc Thailand Chomburi JMG Academy. Trái lại, Học viện HAGL của bầu Đức lại ký kết để gắn liền thương hiệu của Arsenal trong tư cách là “Đối tác chiến lược” (Strategic Partnership). Có thể hiểu ngầm rằng, bầu Đức phải trả một số tiền nào đó cho Arsenal để được gắn tên với Học viện.

3. Đào tạo và thương mại: Phương pháp, mục đích đào tạo của Học viện Thailand JMG và HAGL Arsenal JMG đều giống nhau là do phía JMG Academy chịu trách nhiệm về chuyên môn với nhân lực huấn luyện là HLV người Pháp. Công tác điều hành của Học viện Thailand JMG cũng do người Pháp đảm nhận, trong khi đó điều hành Học viện HAGL Arsenal JMG là do người Việt đảm nhận. Mục đích đào tạo giống nhau là cho ra sản phẩm để mua bán, chuyển nhượng tùy theo trình độ. Học viện Thailand JMG trong quá trình đạo tạo có tiếp nhận 7 cầu thủ người Bờ Biển Ngà, trong khi khóa 1 HAGL Arsenal đều 100% cầu thủ Việt Nam.

­Chất lượng sản phẩm không đáp ứng được kỳ vọng

Năm 2006, tờ The Nation của Thái Lan loan tin CLB Arsenal đã đạt được thỏa thuận với Học viện Thailand JMG sẽ được ưu tiên mua hai cầu thủ với giá hơn 50 triệu bath (khoảng 152.000 USD) khi họ tốt nghiệp vào năm 2012.

Hồ hởi khi ký kết thỏa thuận, GĐĐH Robert Procureur phát biểu: “Thỏa thuận này đánh dấu sự thay đổi lớn khi Thailand JMG Academy sẽ được nhìn nhận trên bản đồ bóng đá thế giới”. Nhà quản lý người Bỉ còn nói thêm: ‘Trong vài năm qua, nhiều công ty Thái Lan đã trả tiền hoặc tài trợ để mang cầu thủ Thái đến các CLB ở châu Âu thi đấu hoặc mời các CLB hàng đầu thế giới đến Thái Lan du đấu nhưng lợi ích lâu dài cho bóng đá Thái Lan là không đáng kể. Đây là lần đầu tiên một CLB lớn của châu Âu sẵn sàng đầu tư vào các tài năng của Thái Lan, điều này hứa hẹn quảng bá lớn cho khóa tiếp theo của Thailand JMG Academy. Rồi các bạn sẽ thấy ngày càng nhiều CLB hàng đầu châu Âu để ý đến cầu thủ Thái Lan’.

Tháng 6.2007, Học viện Thailand JMG tuyển sinh khóa 2. Đến tháng 2.2008, Học viện Thailand JMG thay Giám đốc kỹ thuật mới là ông Eric Decoix từ Pháp sang. Tháng 8.2008, lúc này các cầu thủ đã được 15-16 tuổi, Học viện Thailand JMG bắt đầu những chuyến du đấu đầu tiên ở châu Âu khi đá giao hữu với Học viện JMG ở Bỉ, đội U.16 Anderlecht, U.17 Lierse và thăm CLB Arrsenal. Trong hai năm tiếp theo (2008-2010), Học viện Thailand JMG có nhiều chuyến du đấu khác ở Ai Cập, nơi JMG Academy cũng có một chi nhánh đào tạo.

Năm 2009, CLB Arsenal mời hai học viên của Thailand JMG là Messi Bamba (Bờ Biển Ngà) và Sangsanapong Watyukuthiku (Thái Lan) sang thử việc 12 ngày. Tuy nhiên cả 2 đều không đáp ứng được yêu cầu.

Năm 2009, ông Robert Procureur đầu tư vào CLB Muangthong United ở Thai League nên đầu năm 2010, Muangthong United ký kết thỏa thuận hợp tác với Học viện Thailand JMG. Tháng 9.2010, Muangthong United đã ký kết hợp đồng với tiền vệ Veerawut Kayem của Thailand JMG và ở độ tuổi 17 tuổi 6 tháng, cầu thủ có biệt danh “DON” đã thi đấu trận đầu tiên ở Thai League khi gặp Samut Prakan FC. Năm 2012, Veerawut được gọi vào tuyển Olympic Thái Lan và năm 2012 được gọi vào ĐTQG Thái Lan đá giao hữu gặp Lào  vào ngày 9.12.
Hoc vien HAGL Arsenal JMG song tot, Thailand JMG dong cua vi dau?
Veerawut Kayem (áo đỏ)
Năm 2011, Học viện Thailand JMG du đấu rất nhiều với JMG Ai Cập, Bờ Biển Ngà và Học viện Aspire Qatar. Tuy nhiên, thành quả cuối cùng của Thailand JMG đạt được chỉ là tiền vệ Waranaj Thong-Keoa được Muangthong United mua về vào cuối năm 2011.

Ngày 31.3.2012, Học viện Thailand JMG chính thức đóng cửa mà theo như trang web chính thức của JMG Academy ghi là “với thành quả khiêm tốn và nhiều mạo hiểm”. Các học viên người Bờ Biển Ngà được trả về quê hương để tìm kiếm cơ hội. Bảy học viên khác người Thái khóa 1 và toàn bộ khóa 2 Thailand JMG được đưa về Muangthong United để thử thách ở đội trẻ.

Sau 7 năm hoạt động, Học viện Thailand Chonburi JMG đã đóng cửa, kéo kế hoạch đầy tham vọng đưa tài năng Thái Lan đến trời Âu tan theo mây khói.

Lời kết

Đào tạo trẻ là quy trình lâu dài, khắc nghiệt đòi hỏi rất nhiều yếu tố chủ quan, khách quan để đi đến thành công. Học viện Thailand JMG có đầy đủ công nghệ, phương pháp huấn luyện tiên tiến của châu Âu lẫn chất xám điều hành của các chuyên gia Bỉ, Pháp nhưng rốt cuộc họ vẫn thất bại.

Tài chính không phải là khó khăn của Học viện Thailand JMG bởi những doanh nhân, nhà quản lý nhiều kinh nghiệm như Robert Procureur dư sức tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư. Bằng chứng khi Học viện Thailand JMG ra đời, họ đã được Air France, Coca-Cola, Grand Sport, Nestle tài trợ.

Sau này, GĐĐH Robert Procureur khi sang biến Muangthong United trở thành CLB hùng mạnh nhất Thái Lan chỉ trong vòng 3 năm làm việc ở đây (2009-2011). Thất bại của Học viện Thailand JMG là chất lượng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu, mà cụ thể ở đây là mục tiêu có hai cầu thủ đầu quân cho Arsenal hoặc các CLB hàng đầu châu Âu

Điều đó cho thấy con đường tạo ra những tài năng nổi trội ở khu vực đạt đến đẳng cấp châu Âu, thế giới là cực kỳ khó khăn, bất chấp Học viện Thailand JMG có đến 7 cầu thủ người Bờ Biển Ngà với đầy đủ tố chất thể hình, thể lực vượt trội.

Bài học từ Thailand Chonburi JMG sẽ giúp bầu Đức, những nhà quản lý VFF và cả người hâm mộ Việt Nam có cái nhìn “bình tĩnh” hơn về những gì mà Học viện HAGL Arsenal JMG vừa đạt được.

Người Thái có Học viện Chang-Everton

Bên cạnh Học viện Thailand JMG do những doanh nhân, nhà quản lý thể thao người Bỉ đầu tư, Thái Lan còn có cả Học viện Chang-Everton được thành lập vào năm 2009. Lò đào tạo này được thành lập bởi Thai Beverages là công ty nước giải khát, bia rượu lớn nhất Đông Nam Á, chủ của thương hiệu Chang Beer – nhà tài trợ chính của CLB Everton và kết hợp với Chính quyền đô thị Bangkok (BMA). Phụ trách chuyên môn, kế hoạch huấn luyện là các HLV và chuyên gia đến từ CLB Everton. Mục tiêu của Học viện Chang-Everton theo lời Giám đốc Học viện Everton – ông Ray Hall: “Đào tạo ra cầu thủ chuyên nghiệp đầu tiên của Thái Lan thi đấu cho Everton ở giải Ngoại hạng Anh”.

Đăng Khoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học viện HAGL Arsenal JMG sống tốt, Thailand JMG đóng cửa vì đâu?