Dịch COVID-19 bùng phát khiến người trồng hoa ở Đà Lạt rơi vào cảnh khó khăn chưa từng thấy. Trước tình trạng này, nhiều người dân chuyển sang trồng rau ngắn hạn để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Hoa bán không ai mua, nông dân Đà Lạt nhổ bỏ chuyển sang trồng rau

Hoàng Lan | 09/08/2021, 20:50

Dịch COVID-19 bùng phát khiến người trồng hoa ở Đà Lạt rơi vào cảnh khó khăn chưa từng thấy. Trước tình trạng này, nhiều người dân chuyển sang trồng rau ngắn hạn để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Giá hoa rẻ hơn một nửa vẫn khó bán

Từ đầu tháng 7 đến nay, khi các tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ, miền Tây Nam Bộ lần lượt thực hiện giãn cách xã hội để tập trung toàn lực phòng, chống COVID-19 đã khiến giá các loại hoa ở Đà Lạt và một số vùng phụ cận tiêu thụ rất khó khăn.

Nhu cầu trên thị trường giảm, kéo theo giá hoa Đà Lạt sụt giảm mạnh. Thậm chí, nhiều nhà vườn phải cắt bỏ hoa vì không có người mua.

Điển hình, giá hoa lily trên thị trường bán ra chỉ còn 30.000 đồng/bó 5 cành, giảm đến 50% so với thời điểm chưa xảy ra đợt dịch COVID-19 lần thứ 4. Dù giá đã giảm mạnh song tình trạng dội hàng khiến nhiều hộ nông dân bắt buộc phải đổ bỏ, chấp nhận một vụ mùa thiệt hại không nhỏ.

hoa-o-lam-dong.jpeg
Mỗi bó hoa lily bán ra giảm giá hơn 50% nhưng vẫn không tiêu thụ được - Ảnh: LD

Nhiều nông dân cho biết nguyên nhân khiến giá hoa Lâm Đồng giảm mạnh là do thị trường đầu ra rộng lớn ở TP.HCM bị ách tắc do cần cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để các cơ quan, đơn vị và người dân tập trung chống dịch COVID-19. Để tháo gỡ khó khăn này, nhiều hộ nông dân đã đưa hoa lên bán trên các kênh thương mại điện tử trực tiếp và gián tiếp thông qua các đầu mối bán lẻ ở TP.HCM, thế nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế bước đầu.

Theo Sở Công Thương Lâm Đồng, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã tác động xấu đến việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh. Ước tính hàng triệu cành hoa, hàng trăm tấn hoa quả và rau các loại đến vụ đang cần được hỗ trợ tiêu thụ.

Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng canh tác 100 ha trồng hoa cúc chùm; 158 ha trồng hoa cúc đơn; 208 ha trồng hoa hồng; 68 ha trồng hoa đồng tiền; 82 ha trồng hoa cẩm chướng; 7 ha trồng hoa lily; 22 ha trồng hoa cát tường và 16 ha trồng hoa salem.

Theo ước tính, sản lượng hoa và các loại quả trên địa bàn tỉnh cần được hỗ trợ tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 là hơn 100 triệu cành hoa; 130 tấn bơ và mắc ca. Trong đó, 30 triệu cành hoa cúc với giá bán 6.000 đồng/5 cành; 40 triệu cành cúc đơn có giá 15.000 đồng/10 cành; 14 triệu cành hoa hồng với giá 30.000 đồng/50 cành; 6 triệu cành hoa đồng tiền với giá bán 10.000 đồng/20 cành; 1 triệu cành hoa lily có giá 30.000 đồng/5 cành; 9 triệu cành hoa cẩm chướng giá bán 15.000 đồng/20 cành; 220.000 kg hoa cát tường với giá 30.000 đồng/kg; 9.000kg hoa salem với giá 10.000 đồng/kg.

Ngoài ra, tỉnh này còn có 30 tấn hạt mắc ca đã đóng gói, với giá 260.000 đồng/kg và 100 tấn bơ bút, giá bán 15.000 đồng một kg cũng cần được hỗ trợ tiêu thụ.

Chuyển trồng hoa sang trồng rau

Trước tình trạng nông dân phải nhổ bỏ hoa vì bán không ai mua, ngay trong tháng 7 và tháng 8.2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Lâm Đồng phối hợp với UBND thành phố Đà Lạt và các huyện Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Đam Rông xây dựng và triển khai kế hoạch chuyển đổi một số diện tích hoa cắt cành sang trồng các loại rau ngắn ngày. Đồng thời, tăng cường hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết tiêu thụ theo nhu cầu thị trường.

Tại Đà Lạt, địa phương này cũng vận động hộ nông dân đăng ký chuyển đổi cơ cấu cây trồng một số loại hoa ngắn ngày sang sản xuất gieo trồng rau ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tương tự, các huyện phụ cận cũng chuyển diện tích trồng hoa sang rau.

hoa-da-lat.jpeg
Nhiều diện tích trồng hoa đã được nông dân chuyển sang các loại rau ngắn ngày - Ảnh: LD

Ông Phan Thanh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp hiện nay, người trồng hoa Đà Lạt nên tạm thời chuyển đổi từ 50 - 60% diện tích hoa cắt cành sang trồng hoa chậu, cây trang trí, các loại rau, củ, quả thiết yếu khác… Điều này gắn với việc mở rộng thị trường đến nhiều địa phương trong nước bên cạnh thị trường TP.HCM. Đồng thời, nông dân nên tích cực bán hàng trên kênh thương mại điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng…

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có gần 10.000 ha hoa các loại với sản lượng bình quân 3,6 tỉ cành/năm, xuất khẩu ra nước ngoài 370 triệu cành. Toàn tỉnh có trên 56 doanh nghiệp, làng hoa, hợp tác xã sản xuất hoa với 2.927 ha canh tác hoa ứng dụng công nghệ cao.

Trong đó, 2.463 ha sản xuất hoa trong nhà kính; 170,1 ha nhà lưới; có 51 cơ sở nuôi cấy mô với năng lực sản xuất trên 72,38 triệu cây giống phục vụ sản xuất hoa thương phẩm. TP Đà Lạt là địa phương sản xuất hoa chủ lực, chiếm 66% diện tích và 71% sản lượng toàn tỉnh.

Ngành sản xuất và kinh doanh hoa Đà Lạt là mũi nhọn kinh tế tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng và đã trở thành thương hiệu của cả nước.

Bài liên quan
Bất chấp đại dịch COVID-19, dòng tiền vẫn đổ vào bất động sản
Bất chấp ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19, một lượng lớn tiền rút từ các lĩnh vực, thị trường khác vẫn đổ mạnh vào bất động sản.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa bán không ai mua, nông dân Đà Lạt nhổ bỏ chuyển sang trồng rau