Hồ Tây từ ngày tách khỏi dòng chảy sông Hồng đã biến thành “bể phốt” khổng lồ của Hà Nội với nguồn đầu vào được bổ sung thường xuyên bởi nước mưa, nước cống và đầu thoát ra là nước tinh khiết bốc hơi lên trời.

Hồ Tây - lá phổi xanh đổi màu chết chóc

07/10/2016, 10:55

Hồ Tây từ ngày tách khỏi dòng chảy sông Hồng đã biến thành “bể phốt” khổng lồ của Hà Nội với nguồn đầu vào được bổ sung thường xuyên bởi nước mưa, nước cống và đầu thoát ra là nước tinh khiết bốc hơi lên trời.

Cá chết trắng hồ Tây ngày 2.10 - Ảnh: VOV

Tuổi thơ lứa chúng tôi gắn liền với thời chiến tranh chống Mỹ. Ngày đó Hà Nội nghèo, bé và thưa thớt dân lắm. Cả thành phố gần 1 triệu dân chỉ có 5 cái bể bơi. Trong điều kiện đó lũ trẻ chúng tôi hầu hết trưởng thành trên sông nước thiên nhiên, đầu tiên ở nơi sơ tán tránh bom, sau đó là khúc sông Hồng đỏ quạch phù sa mùa nước cạn và vài cái hồ nội đô, mà hồ Tây là nơi thích nhất.

Tôi rất thích nước, luôn ước được vùng vẫy bơi lặn mỗi ngày. Năm 13 tuổi, lần đầu tôi theo đám bạn cùng phố ra sông Hồng. Nhìn dòng nước mênh mông, trong nỗi niềm thích thú lũ trẻ biết mỗi kiểu “bơi chó” dám bơi một mạch từ bờ Phúc Xá dưới chân cầu Long Biên sang bãi giữa sông. Lúc bơi về một số đứa đuối sức, rất may không có ai chìm. Sau lần đó, do biết sợ chúng tôi không liều lĩnh bơi trên khúc sông hung hãn đó nữa.

Tuổi dậy thì thích thể hiện chí trai, tôi trải qua những ngày đam mê bơi lội trong cái bể bơi khổng lồ hồ Tây rộng tương đương 4 quận nội thành lúc đó.

Vào các ngày nghỉ thảnh thơi, tôi đạp xe lên hồ Quảng Bá vốn là một phần hồ Tây được quây lại thành bể bơi thiên nhiên, có nhà vệ sinh, có giếng nước tắm, có phòng thay quần áo. Còn các ngày trong tuần, sau giờ học tôi và mấy đứa bạn cùng lớp hôm thì đến cổng chùa Trấn Quốc đối diện với nhà thuyền hồ Tây, hôm thì đến bãi đất trống sau trường Chu Văn An. Trên các bãi tắm thiên nhiên đó của hồ Tây, bọn trẻ chúng tôi cởi quần áo vun thành đống, nhảy ùm xuống nước ngụp lặn.

Bao bọc xung quanh hồ Tây ngày đó là các làng quê yên ả và những cánh đồng hoa ngát hương Nghi Tàm, Nhật Tân, Xuân La, Xuân Đỉnh… Làn nước hồ Tây thời ấy, dù ở Quảng Bá hay trước cổng chùa, cổng trường luôn trong xanh, sạch sẽ, không mùi, không vị. Mỗi khi dẫm xuống bùn, chân tôi đạp phải lúc thì con ốc, lúc thì con trai, cái hến… Trên mặt nước hiếm khi tôi thấy một con cá chết, chỉ lác đác trên bờ vài bóng người câu trộm.

Cảnh quan thiên nhiên và nước hồ Tây vẫn xanh, sạch, đẹp và bình lặng vậy cho đến khi Hà Nội cùng cả nước bước vào cơn lốc chuyển đổi sang kinh tế thị trường.

Từ đầu thập niên 90, người người nhà nhà “bung ra làm giàu”, giá đất leo thang từng ngày.Vườn cây, đồng lúa, ruộng hoa biến thành khách sạn, dãy phố, khu đô thị với nhà cao tầng, biệt thự, quán ăn… Mặt nước dần thu hẹp nhường chỗ cho đất lấn chiếm tăng dần giá trị chuyển đổi thành vàng từ chỉ lên cây (lượng), thành tiền từ triệu lên tỉ. Từng là lá phổi xanh của thành phố, hồ Tây nhuốm dần màu đen của nhựa đường, nước cống, rác thải, bùn đọng…

Hồ Tây từ ngày tách khỏi dòng chảy sông Hồng đã biến thành “bể phốt” khổng lồ của Hà Nội với nguồn đầu vào được bổ sung thường xuyên bởi nước mưa, nước cống và đầu thoát ra là nước tinh khiết bốc hơi lên trời. Qua bao nhiêu năm tích tụ trong lòng hồ, rác không phân hủy thì chìm xuống đáy, bám vào bờ; chất hữu cơ và hóa chất độc hại thì tan vào nước, ngấm xuống bùn. Hậu quả là hồ càng ngày càng nhỏ, nước càng ngày đen, mùi càng ngày càng nặng, cá chết càng ngày càng nhiều.

Theo báo cáo của lực lượng chức năng, đến ngày 3.10 lượng cá chết ở hồ Tây đã lên đến hơn 200 tấn. Nguyên nhân bước đầu được xác định là lượng khí oxy vùng mặt nước bằng 0 và lượng khí ammoniac vùng đáy gấp 25 lần mức cho phép, chưa kể lượng chì và kim loại nặng chưa đo được chính xác.

Để cứu hồ Tây, cách đây 15 năm các nhà khoa học môi trường của nước Cộng hòa Áo, quốc gia rất có kinh nghiệm xử lý nước hồ đã đề xuất dự án “Nâng cao chất lượng nước hồ Tây” trị giá 32 triệu USD, lãi suất 2,9%/năm. Nội dung tóm tắt của dự án là: “Xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải của các lưu vực xung quanh hồ Tây và xây dựng hệ thống xử lý nước lấy từ sông Hồng bơm vào hồ Tây. Thay toàn bộ nước hồ 3 lần trong một năm, đảm bảo nước hồ Tây đạt tiêu chuẩn của một hồ bơi thể thao…”.

Đón nhận ý tưởng này, ngày 16.5.2001, tại Hội liên hiệp Khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhiều nhà khoa học đã phản đối. Lý do của các ý kiến trái chiều không phải bởi dự án “động” đến hồ Tây, một “địa linh” nhạy cảm nhất của Hà Nội, mà chủ yếu vì giải pháp thay nước hồ Tây bằng nước sông Hồng, với câu hỏi vu vơ “nước sông Hồng liệu có sạch hơn nước hồ Tây?”.

Nhà “rùa học” Hà Đình Đức nhận định: “Mục tiêu của dự án là cải tạo chất lượng nước hồ đạt tiêu chuẩn nước hồ bơi. Vậy liệu các sinh vật sống lâu năm trong hồ có còn tồn tại khi dự án này thực hiện? Bởi vì hồ bơi không phải là nơi gìn giữ đa dạng sinh học”. Ông Đức còn cho rằng “nước hồ Tây không ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe của dân cư quanh khu vực như trong hồ sơ giải trình bổ sung của dự án. Và có lẽ chủ dự án không biết và không đọc các kết luận về chất lượng nước hồ Tây ở các báo cáo khoa học khác?”.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, đại biểu quốc hội đưa ra nhận xét: “Hồ Tây chưa ô nhiễm đến mức nghiêm trọng, vẫn còn là một trong những hồ sạch nhất Hà Nội. Trong khi đó, nguồn nước dự định thay thế là nước sông Hồng lại chưa được nghiên cứu kỹ. Nếu theo kết luận của dự án là chất lượng nước sông Hồng dường như tốt hơn hồ Tây, vậy tại sao không đổ thẳng vào, cần gì phải qua xử lý?”. Chỉ ra sự bất hợp lý và không kinh tế của dự án này khi sử dụng giải pháp dồn nước thải ở hồ đã qua xử lý ra sông, rồi lại lấy nước sông đã được xử lý đổ vào hồ…, ông Quốc hoài nghi “vấn đề không chỉ là công nghệ mà có lẽ chủ yếu là giải pháp để giải ngân?”.

Bàn đi bàn lại, mãi đến tận bây giờ, sau 15 năm dự án xử lý nước hồ Tây vẫn nằm trên giấy. Hậu quả của thói ưa phủ định, thích tranh cãi, hay hoài nghi là 3 ngày qua hơn 200 tấn cá chết nổi trắng hồ, mùi hôi thối nồng nặc khiến cư dân và những người làm việc quanh đấy không chịu nổi.

Môi trường hồ Tây ô nhiễm đến bao giờ mới được xử lý dứt điểm, và phương án nào sẽ được chọn lựa để làm sạch nước hồ Tây? Phải chăng sự ách tắc trong việc giải quyết ô nhiễm nước hồ Tây một phần cũng do không ít người trong chúng ta đã mất lòng tin vào mục đích triển khai các đại dự án?

Trần Quốc Quân

(Tác giả là nhà văn, nhà doanh nghiệp, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hiện sống tại Ba Lan)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hồ Tây - lá phổi xanh đổi màu chết chóc