Vừa qua, báo chí phản ánh vụ học sinh Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị gãy chân trong giờ ra chơi tại khuôn viên trường do chính taxi chở hiệu trưởng va phải. Vụ này đã dấy lên làn sóng phản đối từ phụ huynh.
Ngay sau khi sự việc được phát hiện, trong cuộc họp với các sở ngành vào sáng6.2.2017, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp nhắc và chỉ đạo Sở GD-ĐT xem xét đình chỉ, chuyển công tác đối với bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, bởi vì đã “lái xe gây tai nạn nhưng lại bưng bít thông tin, từ chối gia đình”.
Sự chỉ đạo quyết liệt, thẳng thắn của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thể hiện sự quan tâm, lắng nghe những vấn đề dư luận, báo chí phản ánh. Nếu trong trường hợp này Hiệu trưởng mà lái xe trong trường, gây tai nạn cho học sinh mà còn bỏ bê trách nhiệm, bưng bít thông tin, thì việc đình chỉ công tác, điều chuyển là quá nhẹ.
Trao đổi với phóng viên về quan điểm của mình, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: "Một nhà sư phạm giáo dục đứng đầu một trường học, khi có sự việc xảy ra thì bất luận thế nào cũng phải có trách nhiệm cụ thể của mình. Huống gì cô hiệu trưởng nhà trường lại còn chối bỏ trách nhiệm. Sự thờ ơ trong chính môi trường giáo dục khiến con người ta rùng mình ghê sợ cho một nhân cách giáo dục đã bị nhuốm bẩn. Thái độ của cô hiệu trưởng trong việc xử lý tình huống cho thấy cô quá kém trong cách giao tiếp, hay nói cách khác cô quá lộng quyền của mình trong nhà trường,là hiệu trưởng màkhông có tâm, không dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình. Điều này thể hiện trong những lần tường trình mâu thuẫn nhau, thể hiện sự nói dối quanh co, hòng đổ tội cho người khác khi sự việc bị phát giác. Đặc biệt là hành vi phát phiếu khảo sát cho cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường làm cơ sở chứng minh mình vô tội một lần nữa lại dấy lên nghi ngờ về những hành vi không lành mạnh, một sự giáo dục lừa dối. Từ những câu chuyện này, càng thấy rõ nghề giáo là một nghề đặc biệt, mà những người có mong muốn trở thành nhà giáo không chỉ cần năng lực, kinh nghiệm sư phạm mà quan trọng hơn là cái tâm với học sinh, với trẻ nhỏ".
Sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra, tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới vào ngày 15.2, bà Tạ Thị Bích Ngọc đã cho biết vào ngày1.12.2016, cháu Trần Chí Kiên, học sinh đang học lớp 2A4, Trường tiểu họcNam Trung Yên bị ngã trong giờ ra chơi. Ngay sau khi sự việc cháu Kiên bị ngã, nhà trường đã kịp thời phân công giáo viên chủ nhiệm chính là cô Trần Thị Thu Nhung cùng với nhân viên y tế của trường đưa cháu vào bệnh viện cấp cứu và báo tin cho gia đình biết.
Bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, Q.Cầu Giấy, Hà Nội
“Tuy nhiên, sau 12 ngày đầu cháu điều trị, chúng tôi không biết sau này sự việc lại trở nên phức tạp và có nhiều thông tin trái chiều khiến cho chúng tôi thật sự mệt mỏi. Ban đầu chính giáo viên chủ nhiệm báo cáo lên Ban Giám hiệu là cháu bị ngã, vì quá tin tưởng nên chúng tôi đã chủ quan không hỏi lại cụ thể. Có thể lúc lái xe taxi cho xe lùi vào trong sân trường thì va phải cháu Kiên.Trong khi ngồi trên xe, tôi khẳng định là không có sự va chạm nào, chỉ khi tôi lên tầng 2 để cất đồ thì taxi quay về, lúc đó mới xảy ra sự việc" - cô Ngọc phân trần.
Chia sẻ về việc phát giấy khảo sát cho các thầy cô giáo và giáo viên, bà Ngọc cũng thừa nhận mình vội vàng vì lúc đó chưa nghĩ được cáchnào hayhơn để gửi báo cáo cho Sở. Do cách làm chưa đúng nên việc khảo sát đã gây nên sự hiểu lầm là trốn tránh trách nhiệm. "Sự thật là chúng tôi không có nghiệp vụ trong việc điều tra sự việc nên chúng tôi nghĩ đơn giản khảo sát là phát phiếu tới tận tay từng học sinh và giáo viên mới đảm bảo sự khách quan".
Trước đó, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thanh Tịnh - Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy cho biết Phòng đã làm việc với nhà trường, Phòng Nội vụ quận cũng như các cơ quan liên quan để phối hợp xử lý vụ việc. Phòng đang xem xét hình thức xử lý và sẽ có kết luận trong tuần này đối với Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên như chỉ đạo của cấp trên. Quan điểm của Phòng GD-ĐT là không bao che. Tuy nhiên, Phòng GD-ĐT chỉ phụ trách công tác chuyên môn, còn sự việc này cần sự vào cuộc của cơ quan công an và đang trong quá trình điều tra. “Hiện chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin tiếp theo từ cơ quan điều tra; đồng thời ổn định tâm lý cán bộ giáo viên trong trường, chăm sóc cháu bé bị tai nạn” - bà Nguyễn Thanh Tịnh cho biết thêm.
Được biếtcơ quan công an đã tiến hành thực nghiệm hiện trường và triệu tập người láitaxi được cho là đã chở bà Tạ Thị Bích Ngọc vào hôm xảy ra sự việc để điều tra, làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ tai nạn khiến học sinh Trần Chí Kiên bị gãy chân ở phía cổng phụ của trường.
Dạ Thảo