Bộ KH-ĐT vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên minh châu Âu (IPA).
Hiệp định này có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của nhà đầu tư như đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho nhà đầu tư nước ngoài; cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của nhà đầu tư và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; Cam kết bồi thường cho nhà đầu tư trong trường hợp tài sản của nhà đầu tư bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; Cam kết cho phép nhà đầu tư tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài...
Giúp thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU
Theo đó, kết quả đánh giá tác động cho thấy thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách nhà nước có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn.
Riêng với IPA, Bộ KH-ĐT đánh giá hiệp định này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam.
Việc này giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU.
IPA cũng thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.
“Trong trung và dài hạn, dòng vốn FDI vào Việt Nam là nhân tố khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh nhất, tiếp đến là tác động của việc cắt giảm thuế và giảm các hàng rào phi thuế quan, và sự cải thiện năng suất”, Bộ KH-ĐT nhận định.
Bên cạnh đó, IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.
IPA cũng giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.
Chuyển hướng sang thu hút FDI chất lượng cao
Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng, việc ký kết IPA với những cam kết toàn diện và cân bằng hơn về bảo hộ đầu tư, cùng với những cam kết quan trọng về mở cửa thị trường hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, mua sắm của chính phủ, sở hữu trí tuệ... theo quy định của EVFTA.
Điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài nói chung cũng như nhà đầu tư EU nói riêng về tính hấp dẫn, an toàn, thân thiện và cạnh tranh cao hơn của môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Đồng thời, doanh nghiệp, người dân Việt Nam sẽ có cơ hội được tiếp cận, tiêu dùng và hưởng lợi các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ tiêu chuẩn châu Âu với chất lượng cao, giá cả cạnh tranh từ các nền kinh tế của Liên minh châu Âu.
Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước; đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.
Theo Bộ KH-ĐT, để tận dụng các cơ hội do EVFTA/IPA mang lại, Việt Nam cần đẩy mạnh công tác thông tin dự báo về các thị trường xuất nhập khẩu, thị trường trong nước; tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi hiệp định; tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh…
Đồng thời, Chính phủ cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải chủ động đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm để gia nhập thị trường châu Âu một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Rủi ro về việc bị nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện
IPA có quy định riêng ghi nhận quyền điều tiết chính sách của nước tiếp nhận đầu tư. Theo đó các bên khẳng định quyền quản lý trong lãnh thổ của mình để đạt được mục tiêu chính sách như bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn, môi trường hoặc đạo đức công cộng, bảo vệ xã hội hoặc người tiêu dùng, hoặc xúc tiến và bảo vệ đa dạng văn hóa.
Việc giải quyết tranh chấp của Hiệp định IPA cũng được quy định một cách chi tiết, rõ ràng, với quy trình thủ tục chặt chẽ, có nhiều cơ chế góp phần hạn chế và ngăn ngừa tranh chấp như cơ chế thương lượng bắt buộc trước khi khởi kiện, cơ chế hòa giải và thi hành thỏa thuận hòa giải, không thụ lý đơn kiện của các nhà đầu tư thực hiện đầu tư thông qua hành vi gian dối, vi phạm pháp luật được; cơ chế xử lý các khiếu kiện vô căn cứ…
Cơ quan giải quyết tranh chấp theo IPA là cơ quan thường trực với 2 cấp xét xử sẽ giúp các tranh chấp được giải quyết một cách công bằng hơn, độc lập, nhất quán, hạn chế sai sót. Do đó, so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký với các quốc gia thành viên EU, Hiệp định IPA có bước tiến đáng kể trong việc hạn chế, ngăn ngừa và giải quyết một cách hiệu quả các tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư.
Lam Thanh