Trước hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày càng nhiều qua từng năm, các chuyên gia đã tìm hiểu nguyên nhân và nhận định, lượng cá tại khu vực này hiện đang vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên, cần phải tỉa bớt cho cân bằng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là số cá dư đó được phép khai thác.

Hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc: Do không đủ nguồn thức ăn

Kim Vân | 29/10/2016, 05:43

Trước hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè ngày càng nhiều qua từng năm, các chuyên gia đã tìm hiểu nguyên nhân và nhận định, lượng cá tại khu vực này hiện đang vượt ngưỡng sức tải về cơ sở thức ăn tự nhiên, cần phải tỉa bớt cho cân bằng. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là số cá dư đó được phép khai thác.

Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT cùng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM tổ chức buổi hội thảo với đề tài: “Cơ sở khoa học về sức tải thủy vực và chiến lược quản lý đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè”. Sự kiện được tổ chức trong bối cảnh cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chết ngày càng nhiều.

Vì đâu cá chết?

Theo số liệu từ Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 công trình cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, thành phố lần đầu tiên đã thả 205.000 con cá giống xuống dòng kênh vào năm 2013. Năm 2014, lượng cá chết là 10 tấn, sau đó đã tăng lên gấp đôi vào năm 2015. Lượng cá chết tăng vọt trong năm 2016 với hơn 70 tấn. Quan sát của Chi cục cũng cho thấy cá chết nhiều nhất vào thời điểm giao giữa mùa mùa khô và mùa mưa, tức là giai đoạn từ tháng 1 – 15.4 hàng năm. Nhưng thời gian gần đây, cá không chỉ chết vào thời điểm giao mùa mà cứ hễ mưa lớn là chết. Hiện tượng này cũng đặt thêm nhiều mối lo ngại cho các nhà quản lý.

Lượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè tăng mạnh sau mỗi năm

Theo ông Trần Văn Sơn, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM, nguyên nhân là do hiện tượng thời tiết giao mùa gây xáo trộn môi trường sống của đàn cá. Bên cạnh đó, mức độ ô nhiễm nguồn nước tăng do người dân xả rác xuống kênh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết.

Tuy nhiên, lượng cá chết mỗi năm càng nhiều cũng cho thấy đàn cá trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đang sinh sôi nảy nở rất dồi dào. Bởi kể từ lần đầu tiên thả cá xuống kênh vào năm 2013 đến nay không có thêm đợt thả cá nào khác, ngoại trừ việc người dân phóng sinh vào các dịp lễ tết. Theo nghiên cứu của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, lượng cá trên kênh hiện đã vượt ngưỡng sức tải về nguồn thức ăn tự nhiên, dẫn đến tình trạng không đủ thức ăn gây ra hiện tượng cá chết. Cụ thể, cá rô phi chiếm đến 84,2% tổng số cá, trong khi về nguyên tắc, tỉ lệ cá dữ không nên vượt quá 1/3 sinh khối cá mồi.

PGS.TS Vũ Cẩm Lương của trường ĐH Nông Lâm nhận định, cần có biện pháp tỉa bớt đàn cá rô phi để đưa tỉ lệ nguồn cá trên kênh trở về mức cân bằng.

Khai thác cá trên kênh liệu có khả thi?

Trước nhận định lượng cá trên kênh Nhiêu Lộc- Thị Nghè đang dôi dư, cần phải tỉa bớt, tại Hội thảo có nhiều ý kiến đặt ra về việc liệu có đưa vào khai thác lượng cá này hay không. TS Vũ Cẩm Lương cho biết, hàm lượng kim loại nặng của cá trên kênh đều nằm trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, ông khuyến cáo không nên ăn cá này do môi trường nước là nguồn nước ô nhiễm nên có thể còn nhiều yếu tố khác tác động đến chất lượng cá.

Trong khi đó, bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó giám đốc Sở NN và PTNT nhận định, đàn cá được thả xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè không nhằm mục đích phục vụ đánh bắt, khai thác. Việc thả cá xuống chỉ nhằm chứng tỏ mức độ xanh, sạch của dòng kênh. “Đàn cá giờ đây không còn là cá để ăn thịt, mà giống như con cưng của người dân thành phố vậy”, bà Cúc nói.

Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân không ăn cá từ các dòng kênh

Sư cô đại diện chùa Vạn Thọ có mặt tại buổi hội thảo cũng chia sẻ quan điểm không nên đánh bắt, khai thác cá trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, ngay cả khi lượng cá đang trở nên quá tải. Bà cho rằng sẽ là một hình ảnh phản cảm nếu một bên người dân thả cá xuống kênh phóng sinh, bên kia lại cho phép đánh bắt, khai thác nguồn cá này.

Để khắc phục hiện tượng cá chết, ngoài việc tỉa lại cơ cấu đàn cá, các chuyên gia còn đề xuất một số biện pháp như tăng cường lắp đặt trạm quan trắc để đo chất lượng nước, điều tiết lưu lượng nước hợp lý, xử lý ô nhiễm nước bằng các chế phẩm sinh học, vớt rác và cá chết lập tức để tránh tình trạng ngăn dòng chảy và bị phân hủy.

Về lâu dài, cơ quan quản lý kêu gọi sự chung tay của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường cho dòng kênh, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của truyền thông nhằm nâng cao ý thức cho người dân; Tăng cường nạo vét, thông cống và cải tạo các trạm bơm để nước thoát nhanh; Gắn thiết bị cung cấp ô xy trong nước; Xử phạt nghiêm việc đánh bắt cá theo kiểu hủy hoại môi trường…

Kim Vân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiện tượng cá chết trên kênh Nhiêu Lộc: Do không đủ nguồn thức ăn