Các nước Đông Nam Á là đích đến để Nga mở rộng quan hệ thương mại và xuất khẩu vũ khí, nhưng các nước này vẫn thận trọng từ việc Nga ưu tiên quan hệ thân cận với Trung Quốc, theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.10.
Trong 20 năm qua, Nga kết thân với từng quốc gia Đông Nam Á và dự các diễn đàn như Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Việc Nga chú trọng Đông Nam Á đã có vài kết quả:
Quan hệ thương mại giữa Nga với các nước Đông Nam Á đã tăng, từ 18 tỉ USD hồi năm 2017 lên 19 tỉ USD hồi năm 2018 và trong nửa đầu năm 2019 đã đạt gần 10 tỉ USD, tức tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái, theo các số liệu chính thức. Đa phần là nhờ bán vũ khí. Nga hiện là nhà xuất khẩu vũ khí lớn hàng thứ hai thế giới (sau Mỹ) và Đông Nam Á chiếm hơn 12% trong mảng xuất khẩu vũ khí Nga từ năm 2013 đến 2017, tức tăng gần gấp đôi so với 10 năm trước đây.
Nga “học” bài không can thiệp chuyện nội bộ nước khác của Trung Quốc
Đối với các nước ASEAN, một phần sức hút của Nga là quan điểm giống của Trung Quốc: không can thiệp vào chuyện nội bộ của quốc gia đối tác, và hứa quan hệ thương mại, đầu tư và bán vũ khí mà không kèm theo ràng buộc điều kiện chính trị.
Ông Chris Cheang, một cựu quan chức ngoại giao Singapore ở Moscow và nay là nghiên cứu ở Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) thuộc Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, nói: “Hiện quan hệ thương mại và chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc đang căng thẳng, các nước ASEAN sẽ trông vào các cường quốc khác để tăng quan hệ kinh tế và chính trị. Dĩ nhiên họ hướng về các thế lực nào không can thiệp vào chuyện nội bộ của họ”.
Vấn đề là Mỹ có bộ luật thông qua năm 2017 cho phép Mỹ trừng phạt bất kỳ quốc gia đối tác hoặc bạn bè nào mua vũ khí của công ty xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport (Nga) hoặc mua sản phẩm của các công ty có có liên quan quân đội hoặc cơ quan tình báo Nga.
Mỹ sẽ càng khó chịu hơn khi trong chuyến thăm Nga tuần trước, Tổng thống Rodrigo Duterte nói Philippines sẵn sàng hợp tác chống khủng bố với Nga, trong khi các thỏa thuận được ký giữa hai nước cho phép các doanh nghiệp Nga-Philippines chia sẻ thông tin.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte viếng Tượng đài Chiến sĩ vô danh ở Moscow - Ảnh: Reuters
Các nhà phân tích cảnh báo lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ buộc các nước ASEAN phải chú ý khi muốn quan hệ thân cận với Nga. Ông Cheang của RSIS ở Singapore nói: “Quan hệ Nga-Mỹ hiện nay chắc chắn sẽ là một yếu tố khiến bất kỳ các nước ASEAN nào cũng phải tính đến, khi xem xét chuyện xây dựng quan hệ với Nga”.
Các chuyên gia nói các nước ASEAN sẽ tiếp tục thực tiễn trong cách quan hệ với Nga: sẵn sàng tăng cường quan hệ kinh tế và mua vũ khí Nga, nhưng cảnh giác trong việc tin tưởng Moscow như một thế lực đối trọng với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.
Họ còn nói các nước Đông Nam Á có thể không dựa cậy Nga làm đối tác an ninh, vì nghi ngờ khả năng Nga đối đầu với Trung Quốc ở các vấn đề đáng quan tâm của cả Moscow lẫn Bắc Kinh, ví dụ chuyện Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông.
Các nhà phân tích nói quyền lợi của Nga ở châu Á chú trọng trước tiên vào Trung Quốc, khiến Moscow sẽ không có bất kỳ quan điểm nào về Đông Nam Á có thể làm Bắc Kinh mếch lòng. Họ còn nói Nga đang vấp phải những thách thức về kinh tế và quốc phòng cũng như lập quan hệ thân cận với Trung Quốc, nên Nga thiếu nguồn lực, ý chí chính trị và không hoàn toàn quan tâm tranh tầm ảnh hưởng trên ASEAN.
Ông Cheang của RSIS nói: “Tài nguyên năng lượng của Nga cùng việc bán vũ khí không thể thay thế hoặc cạnh tranh với hàng loạt hàng hóa và dịch vụ cùng các sản phẩm khác mà Trung Quốc, Mỹ và các nước phương Tây, Nhật, Hàn Quốc và Ấn Độ cung cấp cho các nước ASEAN”.
Giáo sư Dmitry Gorenburg của Trung tâm Davis (thuộc Đại học Harvard) nói sự nghi ngờ khả năng Nga ủng hộ các nước ASEAN có nghĩa các nước này không sẵn lòng chấp nhận việc quá lệ thuộc Moscow: “Các nước đó có sự lo ngại chính đáng là họ sẽ không thể dựa cậy Nga ủng hộ họ khi phải đối mặt với Trung Quốc”.
Đông Nam Á tăng cường quan hệ với Nga vì lo ngại thương chiến Mỹ-Trung
Theo SCMP, các nước ASEAN còn có những động cơ khác để tăng cường quan hệ, nhất là khi họ cảm thấy bất ổn vì cuộc chiến tranh thuế Mỹ-Trung và cuộc tranh chấp chủ quyền Biển Đông.
Chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Putin đến Singapore hồi tháng 11.2018 chính là tín hiệu rõ ràng Moscow chú ý đến Đông Nam Á. Lần đầu tiên ông Putin dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á lần thứ 31 (là cuộc gặp lãnh đạo các nước ASEAN và 8 đối tác đối thoại) mà sau đó, ASEAN ký một văn kiện ghi nhớ kích cầu thương mại với ban chấp hành của Hiệp hội Kinh tế Âu-Á do Nga dẫn đầu.
Tháng 10.2019, Singapore ký 3 thỏa thuận thương mại tự do với Hiệp hội Kinh tế Âu-Á, và hồi tháng 5, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thăm Moscow nhân dịp kỷ niệm 70 ngày lập quan hệ ngoại giao.
Tháng 9, Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đến Vladivostok (Nga) dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông, một diễn đàn để Nga kêu gọi đầu tư vào việc phát triển vùng Viễn Đông Nga và vùng Bắc cực. Lãnh đạo các nước châu Á như Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc luôn được chào đón ở diễn đàn này.
Khi đào sâu quan hệ với Malaysia, Nga không chỉ đề xuất tăng cường quan hệ kinh tế, mà còn đề nghị chia sẻ tri thức và công nghệ không gian. Thủ tướng Malaysia mời Nga đầu tư vào mảng giáo dục, và hồi tháng 9, Diễn đàn Kinh tế phương Đông nhiệt liệt hoan nghênh một đề nghị của Nga: lập một trường đại học không gian ở Malaysia.
Ông Putin “xoay trục” để nhắc khéo Trung Quốc chớ xem nhẹ Nga
Rosneft cũng đang trong giai đoạn đàm phán các dự án khai thác dầu khí với Philippines. Tuần trước, Tổng thống Duterte có chuyến thăm Nga 5 ngày, và ông cùng Tổng thống Putin đã đồng ý tăng cường quan hệ thương mại và quốc phòng. Ông Duterte cũng đề nghị các công ty Nga đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và đường sắt Philippines, như một phần của chương trình “Xây, Xây và Xây” của ông nhằm phát triển Philippines.
Đó là chuyến thăm Nga lần thứ hai của ông Duterte, người đã tách khỏi các đối tác truyền thống (như Mỹ) để chú ý quan hệ tốt hơn với các nước khác gồm Trung Quốc và Nga. Sự thay đổi chính sách này khiến ông Putin mừng vì đang muốn lôi kéo các đồng minh của Mỹ.
Tổng thống Putin đã khởi xướng chương trình “Xoay trục về phương Đông” từ năm 2010, qua đó tăng cường làm thân với châu Á. Các nhà phân tích nói Nga nỗ lực lập quan hệ khắp vùng là một phần trong chính sách đa dạng hóa, để kích cầu thương mại và phát triển nền kinh tế Nga vốn được xếp hạng 12 thế giới với 1,6 ngàn tỉ USD (so với 21 ngàn tỉ USD của Mỹ và 14 ngàn tỉ USD của Trung Quốc), theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Ngoài ra, Nga cũng cần chống lại việc phương Tây kiềm chế Nga bằng các lệnh cấm vận và cô lập ngoại giao. Ông Cheang của RSIS nói: “Diễn đàn Kinh tế phương Đông được lập nhằm nêu bật các nỗ lực cô lập Nga của phương Tây đã bị thất bại”.
Dù Nga không còn là siêu cường như Mỹ hoặc mới đây là Trung Quốc, Nga vẫn duy trì các tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng địa-chính trị. Chính sách “Xoay trục về phương Đông” xuất phát từ mục tiêu tăng trưởng kinh tế khi Nga bị phương Tây cấm vận, và cũng là cách tiếp tục hợp tác với Trung Quốc, chứ không tranh đua với nước này. Quan hệ Nga-Trung là “đại diện cho thành tựu vĩ đại nhất trong chính sách đối ngoại của Putin”, theo Bobo Lo của tổ chức nghiên cứu Lowy (Úc), người nói thêm rằng “cấp độ hợp tác đó hiện là chưa từng có”.
Lo lưu ý hai ông Putin-Tập thường gặp nhau và dẫn lời Tổng thống Nga cho biết đã gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc gần 30 lần trong 6 năm qua, khi quan hệ thương mại Nga-Trung vượt qua cột mốc 100 tỉ USD, và quan hệ hợp tác quân sự lên tầm cao mới.
Nhưng Lo nói thêm rằng dù Điện Kremlin tiếp tục quan hệ thân cận với Bắc Kinh, Nga cũng tránh không bị rớt vào một “lịch trình Bắc Kinh trên hết”, từ đó Nga nỗ lực lập quan hệ với toàn châu Á. Moscow tiếp tục đàm phán với Nhật Bản về quần đảo Kuril tranh chấp, làm thân với cả Hàn Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên, tăng cường quan hệ với các nước cộng hòa Trung Á và củng cố quan hệ kinh tế với Ấn Độ.
Lo nói: “Điện Kremlin không ngây thơ nghĩ quan hệ hữu hảo với Nhật hoặc với Ấn sẽ kiềm chế được sự trỗi dậy của Trung Quốc, và họ cần đặc biệt cẩn trọng tránh để Bắc Kinh có ấn tượng đó. Tuy nhiên, Nga hiểu tầm quan trọng của việc mở rộng các lựa chọn, đồng thời nhẹ nhàng nhắc Bắc Kinh chớ xem nhẹ Nga”.
Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)