Chính phủ Trung Quốc muốn giảm rủi ro trong hệ thống ngân hàng, nhưng các ngân hàng lại đang làm ngược lại. Tốc độ tăng trưởng các khoản cho vay mới nhanh hơn tăng trưởng GDP, các khoản vay thiếu hiệu quả vẫn có xu hướng gia tăng.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi rắc rối

Nhàn Đàm | 09/04/2017, 16:02

Chính phủ Trung Quốc muốn giảm rủi ro trong hệ thống ngân hàng, nhưng các ngân hàng lại đang làm ngược lại. Tốc độ tăng trưởng các khoản cho vay mới nhanh hơn tăng trưởng GDP, các khoản vay thiếu hiệu quả vẫn có xu hướng gia tăng.

Các ngân hàng đang tăng lợi nhuận bằng cách giảm mức dự phòng để trang trải các khoản nợ xấu.

Tình hình hệ thống ngân hàng của Trung Quốc có vẻ như đã được cải thiện đáng kể sau khi kết quả kinh doanh mới nhất của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất ở nước này đã được công bố vào tuần trước. Theo đó, tăng trưởng lợi nhuận đã trở nên cao hơn trong khi tỷ lệ các khoản cho vay không hiệu quả đã giảm đi đáng kể. Nó được xem là dấu hiệu của việc các ngân hàng đã thực hiện các quy định và tiêu chuẩn thanh toán được cải thiện đáng kể từ phía Chính phủ và ngân hàng trung ương trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn các số liệu cơ bảnthì có vẻ như nguyên nhân dẫn đến kết quả khả quan mang tính tức thời này chỉ là một thủ thuật điều hành hơn là từ một sự cải cách triệt để.

Điều đáng nói nhất về báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng Trung Quốc công bố trong tuần qua, đó là gần như không có sự sụt giảm về tổng dư nợ. Tổng dư nợ của các ngân hàng Trung Quốc đã tăng tổng cộng khoảng 10,2% trong năm 2016, đạt mức khoảng 12.000 tỉ USD. Điều này đồng nghĩa với việc tốc độ và quy mô cho vay của các ngân hàng vẫn tăng nhanh hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP. Đáng lo ngại hơn, là các khoản nợ khó đòi lại tăng thêm 15%, nhanh hơn đáng kể so với mức tăng trưởng vốn vay. Nó đang cho thấy các khoản nợ khó đòi tiếp tục gia tăng mạnh, thậm chí có thể trở thành căn bệnh kinh niên của hệ thống ngân hàng Trung Quốc. Các cam kết về giảm nợ xấu, nợ khó đòi của các ngân hàng Trung Quốc đến thời điểm hiện tại vẫn chỉ dừng lại ở mức cam kết mà thôi.

Ngoài ra, hai điểm được xem là tích cực nhất trong báo cáo kết quả kinh doanh của các ngân hàng Trung Quốc tuần qua là tăng lợi nhuận và giảm các khoản vay không hiệu quả, trên thực tế chỉ mang tính tương đối, và có dấu hiệu bị suy giảm bởi các dữ liệu cơ bản.

Tỷ lệ các khoản vay không hiệu quả đúng là đã có mức giảm nhẹ ở hai trong số bốn ngân hàng nhà nước lớn nhất, ở hai ngân hàng còn lại không giảm nhưng tốc độ tăng của các khoản vay thiếu hiệu quả đã chậm hơn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính cho những tiến bộ ít ỏi này lại chủ yếu đến từ việc các ngân hàng được phép tăng mức huy động vốn để mua các khoản nợ xấu, với sự ngầm chấp thuận của chính phủ Trung Quốc, chứ không phải là từ việc tăng hiệu quả điều hành.

Ví dụ điển hình cho cách làm gần giống với sự đảo nợ này là Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, khi ngân hàng này đã công bố xử lý các khoản nợ xấu lên tới 73 tỉ nhân dân tệ theo cách làm này. Đây được xem là một phương pháp không giải quyết được tận gốc vấn đề, mà chỉ là một cách đảo nợ và che giấu khoản nợ xấu thực sự mà thôi. Một điều đáng nói khác là bất chấp phương pháp nói trên, tổng nợ xấu của các ngân hàng Trung Quốc chỉ giảm khoảng 2% mà thôi.

Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi các ngân hàng Trung Quốc đang có xu hướng giảm mức dự phòng vốn dùng để xử lý các khoản nợ xấu. Mức tăng trưởng dự phòng vốn để giải quyết nợ xấu của 4 ngân hàng nhà nước lớn nhất chỉ tăng thêm khoảng 5,4% mà thôi. Trong đó, ngoại trừ Ngân hàng trung ương Trung Quốc, thì mức tăng dự phòng vốn của 3 ngân hàng còn lại chỉ là 2,6%, chậm hơn hẳn mức tăng trưởng của các khoản cho vay truyền thống, và thậm chí còn thấp hơn mức tăng trưởng các khoản vay có mức độ rủi ro lớn nhất của các ngân hàng. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm.

Điều này vì thế đang ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của các ngân hàng. Ngoại trừ Ngân hàng trung ương Trung Quốc, hầu hết các ngân hàng khác đều tăng lợi nhuận bằng cách để dành ít vốn dự trữ hơn và kiếm lời bằng cách cho vay các khoản vốn lẽ ra phải dùng để dự trữ này. Theo thống kê, nếu các ngân hàng đảm bảo đúng mức dự trữ vốn, thì lợi nhuận của họ không những không tăng mà còn giảm khoảng 2%. Ngoài ra, sự tăng trưởng lợi nhuận một cách khiêm tốn cũng cho thấy sự giảm mạnh về thuế và phụ thu. Các ngân hàng cho biết số lợi nhuận mà họ trả cho chính phủ Trung Quốc đã giảm xuống còn từ 52-63%.

Chính phủ Trung Quốc đã cam kết sẽ tìm giải pháp làm giảm rủi ro tài chính trong hệ thống ngân hàng ở nước này, giảm nợ xấu, đồng thời áp dụng các biện pháp mang tính thị trường tự do nhiều hơn. Tuy nhiên, thực tế là các ngân hàng lại đang làm ngược lại: tốc độ tăng trưởng các khoản cho vay mới nhanh hơn tăng trưởng GDP, các khoản vay thiếu hiệu quả vẫn có xu hướng gia tăng, các ngân hàng đang tăng lợi nhuận bằng cách giảm mức dự phòng để trang trải các khoản nợ xấu và dựa vào trợ cấp từ phía chính phủ. Tăng trưởng lợi nhuận có thể khiến các ngân hàng hài lòng, nhưng đó lại không phải là một giải pháp lâu dài, triệt để và bền vững cho chính các ngân hàng cũng như nền kinh tế Trung Quốc.

Thực tế, các ngân hàng Trung Quốc đều hiểu rõ điều này, và họ thường có xu hướng đổ lỗi cho các yêu cầu từ phía chính phủ theo hướng khuyến khích gia tăng lợi nhuận. Do chính phủ Trung Quốc là cổ đông lớn nhất tại các ngân hàng nhà nướcnên có xu hướng ít quan tâm hơn đến việc quản lý rủi ro miễn là tiếp tục được chi trả cổ tức.

Ở khía cạnh ngược lại, chính phủ Trung Quốc lại sử dụng chính các ngân hàng nhà nước để tài trợ vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng ở nước này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phần lớn trong số đó là thuộc diện không hiệu quả. Đó là một vòng lặp nguy hiểm và nó làm xói mòn hiệu quả của các ngân hàng Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang bắt đầu nói nhiều hơn về việc giảm rủi ro cho hệ thống tài chính của mình kể từ sau hội nghị trung ương vào cuối năm ngoái, nhưng nếu muốn giải quyết hiệu quả thì họ cần phải làm chậm lại sự tăng trưởng các khoản vay mới cũng như giảm việc mua vào nợ xấu bằng cách giảm vốn dự phòng. Nếu Trung Quốc tiếp tục chú trọng vào mức lợi nhuận để đánh giá hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thì kết quả sẽ là các ngân hàng nước này sẽ làm mọi cách cần thiết để tăng lợi nhuận bất chấp những biện pháp mạo hiểm đem lại hậu quả lâu dài về sau.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hệ thống ngân hàng Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi rắc rối