Chương trình lớp tiếng Trung hè Học viện Harvard Bắc Kinh từ năm sau sẽ đổi tên thành Học viện Harvard Đài Bắc.
Thông tin trên vừa được Jennifer Liu là giám đốc chương trình đưa ra. Bà cho biết chính thái độ thiếu thân thiện từ đơn vị chủ quản - Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh (BLCU) - khiến Đại học Harvard quyết định thay đổi đối tác.
Giám đốc Liu cho biết chương trình gặp khó khăn lớn trong việc tiếp cận phòng học lẫn ký túc xá, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo mà họ muốn mang lại cho học viên. Thậm chí vào năm 2019, chương trình còn nhận yêu cầu không được tổ chức hoạt động kỷ niệm Quốc khánh Mỹ 4.7 (thông thường mọi năm có một bữa tiệc nhỏ với bánh pizza và hát quốc ca Mỹ).
Theo giám đốc Liu, hiện có lo ngại rằng tình hình hiện tại xuất phát từ việc chính phủ Trung Quốc dần thay đổi thái độ với các tổ chức Mỹ. Tuy nhiên Giáo sư William Kirby - người đứng đầu Trung tâm Harvard Thượng Hải - khẳng định thay đổi của chương trình lớp tiếng Trung hè nêu trên hoàn toàn xuất phát từ lý do hậu cần, hoạt động hợp tác giữa Harvard với các đại học Trung Quốc vẫn duy trì. Phía BLCU chưa đưa ra bình luận gì.
Ra đời vào năm 2005, Học viện Harvard Bắc Kinh là chương trình kéo dài 9 tuần do Harvard cùng BLCU đồng điều hành, thu hút học viên từ khắp các đại học Mỹ. Chương trình ngoài dạy tiếng Trung còn tổ chức giao lưu với gia đình người Trung Quốc. Theo thông tin trên trang web BLCU, tính đến năm 2019 đã có khoảng 1.300 người tham gia.
Một nguồn tin tại BLCU cho biết vì COVID-19, chương trình đã bị đình chỉ kể từ năm ngoái. Một giáo viên dạy tiếng Trung tại đây cũng nói rằng đại dịch khiến việc xin thị thực trở nên khó khăn hơn.
Trung Quốc đóng cửa biên giới và ngừng cấp thị thực cho sinh viên quốc tế để chống dịch kể từ tháng 3.2020. Nước này dường như sẽ không sớm nới lỏng hạn chế, trong khi đó sinh viên nước ngoài có thể nhập cảnh Đài Loan.
Thay thế Học viện Harvard Bắc Kinh, Học viện Harvard Đài Bắc dự kiến đón khoảng 60 học viên đầu tiên vào mùa hè năm 2022. Đơn vị chủ quản mới là trường đại học quốc lập của Đài Loan, người tham gia chương trình được toàn quyền sử dụng nhà ăn, thư viện cùng nhiều hạ tầng khác.
Động thái mới nhất của Harvard diễn ra trong bối cảnh giữa hai bờ eo biển Đài Loan đang diễn ra cạnh tranh gay gắt. Hòn đảo tự trị hiện nỗ lực tăng cường vị thế quốc tế nhằm nhận được sự công nhận rộng rãi, Bắc Kinh quyết ngăn chặn bằng hàng loạt hành động quân sự và ngoại giao tạo sức ép.
Năm ngoái khi Trung Quốc trục xuất hàng loạt phóng viên thường trú của nhiều tờ báo Mỹ, thì Đài Loan lập tức lên tiếng mời gọi họ.