Cả 2 sinh ra cùng làng cùng xóm rồi lớn lên ở Quảng Trị. Sau năm tháng, họ đã “cưa” đổ nhau và lên xe hoa rồi vào Bình Phước tìm hạnh phúc. Hơn 30 năm dắt nhau qua bao gian truân sóng gió cuộc đời. Nay ở cái tuổi ngũ lục, nhìn lại quãng đời đã qua cả 2 thấy tự hào với mối tình viên mãn và một cơ ngơi vững chắc, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, thành đạt.

Hạnh phúc là hãy biết chấp nhận con người của nhau

Bùi Thanh Liêm | 28/06/2023, 09:47

Cả 2 sinh ra cùng làng cùng xóm rồi lớn lên ở Quảng Trị. Sau năm tháng, họ đã “cưa” đổ nhau và lên xe hoa rồi vào Bình Phước tìm hạnh phúc. Hơn 30 năm dắt nhau qua bao gian truân sóng gió cuộc đời. Nay ở cái tuổi ngũ lục, nhìn lại quãng đời đã qua cả 2 thấy tự hào với mối tình viên mãn và một cơ ngơi vững chắc, con cái ngoan ngoãn, hiếu thảo, thành đạt.

Đó là vợ chồng anh Nguyễn Hữu Bốn và chị Nguyễn Thị Nhung ở tổ 5, khu phố Phú Tân, phường An Lộc, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước.

Trong căn nhà xây kiên cố, khang trang rộng rãi, mát mẻ, lọt thỏm trong khu vườn với cây trái sum suê, trĩu quả bên con suối thuộc tổ 5, khu phố Phú Tân, phường An Lộc, anh Bốn, nay ngoài 60 tuổi, chị Nhung, nay 51 tuổi, kể về cuộc sống gia đình hơn 30 năm qua như những thước phim quay chậm với đầy niềm vui, nỗi buồn và hạnh phúc vỡ òa. Anh chị nhớ lại, cả hai sinh ra ở một ngôi làng quê thuộc huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Gia đình 2 người sống cách nhau 3 căn nhà, cỡ vài trăm mét.

z4469372337914_8d286c0c954de6717f0349f1eb8fdd39.jpg
Gia đình anh Nguyễn Hữu Bốn mở tiệc mừng nhân dịp sinh nhật chị Nguyễn Thị Nhung (anh Bốn chị Nhung đứng giữa)

Cuộc sống cơ cực nên anh học hết lớp 10 còn chị hết lớp 9 thì phải nghỉ học để phụ giúp gia đình công việc đồng áng. Cả tuổi thơ của 2 người sống trong ngôi làng, rồi khi lớn lên họ thường “va chạm” nhau trên nương rẫy của 2 gia đình nằm giáp ranh nên tình yêu nảy sinh lúc nào không hay biết. Qua những đêm trăng cùng dạo chơi trên ruộng lúa, họ đã “cưa” đổ nhau và lên xe hoa năm 1992. Một năm sau, vợ chồng có đứa con trai đầu lòng và 3 năm sau đón thêm đứa trai út.

“Cưới nhau về, chúng tôi được gia đình bên chồng cất cho căn nhà gỗ nhỏ, rồi cho thêm nửa mẫu (0,5ha) rẫy làm ăn khi ra riêng sống. Lúc này vợ chồng tôi sớm tối lao vào cày cuốc. Nhưng làm lúa riết cũng chỉ đủ ăn, cuộc sống lặng lẽ trôi qua nơi thôn quê nghèo khó. Chẳng lẽ cứ sống nghèo vầy mãi? Rồi con cái sau này sẽ ra sao (?)… Đặt ra những câu hỏi đó nên chồng bàn với tôi “vào Nam sống”. Với hy vọng đổi đời, năm 1997, nhân chuyến vào Bình Phước dự cám cưới người thân, thấy nơi đây hấp dẫn nên ông xã đã ở lại luôn. Còn tôi sau khi giải quyết xong chuyện nhà, cuối năm đó, nách mang 2 đứa con thơ lên xe đò với vài bánh mì không, vài lon sữa, mất 2 ngày 2 đêm để đến đây và sống cho đến nay” – chị Nhung nhớ về lúc mới nên duyên vợ chồng và cuộc “hành quân” đến quê hương thứ hai Bình Phước lập nghiệp.

z4469372324370_491dbce99d3217528bbcb06521a62914.jpg
Gia đình anh Nguyễn Hữu Bốn hạnh phúc bên nhau

Tích cóp được ít vốn, ngay khi đến Bình Phước, anh chị mua mảnh đất rộng hơn 1,2ha, dựng căn nhà gỗ đơn sơ sinh sống rồi bắt tay vào làm lụng. Lúc đầu anh chị trồng đủ các loại rau màu, đi làm thuê, ai thuê gì làm nấy để có cái ăn trước mắt. Khi cuộc sống tạm ổn, anh chị bước vào trồng các loại cây công nghiệp với ước mơ làm giàu. Từ đây quá trình “trồng chặt – chặt trồng” bắt đầu. Năm 2000, anh chị trồng tiêu, được hơn 2 năm, vườn tiêu đang tốt tươi xanh dờn, chuẩn bị cho trái bói thì “dính” bệnh chết sạch chỉ sau 1 tháng. Phá vườn tiêu vợ chồng anh chị chuyển sang trồng điều xen cao su. Điều cho thu được hai, ba năm thì lại phá vì thấy điều hay mất mùa, mất giá, chỉ giữ lại hơn 500 gốc cây cao su. Nhưng rồi khi cao su cho khai thác giá lại rẻ bèo bọt, nên cạo được vài năm, lại phá cao su chuyển sang trồng các loại cây ăn trái như sầu riêng, ổi, chôm chôm, măng cụt. “Vậy mà lại hay, những năm qua khu vườn cho thu nhập khá tốt, mỗi năm vài trăm triệu đồng” – anh chị nói, thêm rằng khi con cái lớn khôn biết phụ giúp cha mẹ thì anh thường xuyên đi làm xa nhà để kiếm thêm thu nhập.

Anh Bốn có hàng chục năm đi khắp nơi, cả các nước châu Phi làm quản lý cho các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều. “Khoảng 8, 9 năm nay tôi mới ở hẳn nhà làm vườn, còn trước đó cứ đi đi về về suốt. Nếu tôi và vợ không cố gắng nắm chặt tay nhau vượt qua mọi thử thách thì chắc sẽ không thể hạnh phúc ngồi đây nhâm nhi nước trà, đùa giỡn với cháu như hôm nay” – anh Bốn chia sẻ. “Hơn 30 đã qua, chúng tôi đã trải qua mọi “vui buồn sướng khổ”, nếm đủ mọi hương vị của cuộc đời. Nếu không biết gắn bó, đùm bọc, che chở, nâng niu, vun đắp, dìu nhau qua khó khăn thì không thể có được niềm hạnh phúc tuyệt vời của hôm nay” – chị Nhung đế thêm.

z4469372349478_3e0e4420f77fba32cf4cc25605667841.jpg
Gia đình anh Nguyễn Hữu Bốn hạnh phúc bên nhau

Theo anh chị, hãy biết chấp nhận con người của nhau, kể cả ưu điểm lẫn khuyến điểm. “Sự thật là tình cảm vợ chồng sau một thời gian sẽ phai nhạt dần, không còn ở giai đoạn nồng nàn, lúc nào cũng nghĩ đến nhau như thủa ban đầu. Khi đó, nghĩa tình gắn bó nhiều năm sẽ là cái níu chân nhau trước những cám dỗ của cuộc sống. Nếu nói rằng vợ chồng sống bên nhau hơn 30 năm mà không có xích mích, cãi vã nhau thì không đúng nhưng khi thấy căng thẳng dâng cao thì chồng phải biết nhịn vợ và ngược lại thì mới giữ được hạnh phúc bền lâu” – anh chị chia sẻ bí kiếp giữ hạnh phúc gia đình.

Nhắc đến gia đình anh chị Bốn, nhiều người thường nhắc đến cách thức giáo dục con cái nên người. Trước đây, dù kinh tế gia đình không khá giả nhưng anh chị luôn giành hết tình thương cho 2 con, bằng mọi cách để cho con được “ăn ngon, mặc đẹp”. Việc đến trường của 2 con lúc nhỏ thì vợ chồng thay nhau đưa đón, mãi cuối cấp ba mới để tự chạy xe đi học. “Nghĩ lại tội cho 2 đứa lúc còn nhỏ, nhà thì heo hút nơi đồng hoang mông quạnh, xa trung tâm nên ăn cơm xong tối đến là cả 2 lao đầu vào học rồi lăn ra ngủ tít, ngoài giờ lên lớp hầu như chẳng được vui chơi gì như chúng bạn nơi phố thị. Mặc dù vậy, chúng không ham chơi, đua đòi mà học hành chăm ngoan, luôn đạt thành tích khá giỏi. Thương bố mẹ cực khổ nên ngoài giờ lên lớp, về nhà là anh em xúm vào phụ bố mẹ mọi việc trong gia đình. Mỗi lúc anh đi làm xa thì anh em nó làm thay việc cho bố” – chị Nhung nói.

Còn dạy con về cách hòa hợp nhau, chị Nhung chia sẻ: “Ví dụ lúc còn nhỏ, 2 anh em cũng có khi giành đồ chơi của nhau, hơn thua nhau chuyện này chuyện kia, thậm chí cãi nhau. Những lúc ấy tôi nói với tụi nó “bố mẹ chẳng có bà con máu mủ ruột thịt gì mà bố mẹ có cãi vã nhau đâu, vậy chúng con là anh em ruột mà tại sao lại cãi nhau, thấy có được không? Nói vậy là chúng hòa thuận anh em với nhau ngay”. Hai người con của anh chị thì nay người con út, nay 27 tuổi, đã có vợ và 1 con. Còn người con lớn, nay 30 tuổi, đã cưới vợ và chuẩn bị sinh con đầu lòng. Cả hai người con sau khi tốt nghiệp cao đẳng ra trường đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định và mỗi người đều có tài sản riêng hàng tỉ đồng.

Xuất thân từ nghèo khó nên khi có cuộc sống ổn định, anh chị cũng không quên giúp đỡ những hoàn cảnh không may mắn. Ngoài việc thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện ở địa phương, thời cao điểm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, anh chị còn mua hàng trăm kg gạo mang tặng nhiều gia đình khó khăn trong vùng. Ngoài việc nhà, với nhiệt huyết của mình, hàng chục năm qua chị Nhung còn tham gia rất nhiều công việc ngoài xã hội. Là đại biểu nhiệm kỳ II, HĐND phường An Lộc. Ở khu phố Phú Tân, chị làm Chi hội trưởng Chi Hội Phụ nữ khu phố; Chi hội trưởng Chi Hội Chữ thập đỏ khu phố; tổ trưởng tổ thu hồi vốn ngân hàng chính sách xã hội khu phố; cán bộ y tế thôn bản khu phố… Chị Nhung chia sẻ: “Tôi chỉ muốn góp một chút công sức của mình để chị em phụ nữ trong vùng không bị thiệt thòi, có cuộc sống tốt hơn”.

Nói đến chị Nhung, người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, “giỏi việc nước, đảm việc nhà” ấy cũng đã có 22 lần hiến máu tình nguyện cứu người. “Trước sự sống và cái chết, người bệnh đang rất cần máu để truyền, giành lại sự sống nên tôi thấy rằng việc hiến máu rất đáng quý. Mình hiến tặng đi chút máu thì mình cũng không sao mà lại cứu được sự sống cho ai đó đang cần” – chị Nhung nói.

Với những việc làm tốt đẹp cho gia đình, cho xã hội hơn 30 năm qua, gia đình anh chị đã được các cấp ngành, cơ quan, tổ chức, địa phương nhiều lần tuyên dương, khen thưởng vì đạt thành tích gia đình hạnh phúc tiêu biểu.

Ngoài ra, những năm qua trong các cuộc thi, anh chị đã đạt giải Ba Ngày hội gia đình Việt Nam 28.6 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước tổ chức dành cho các gia đình tiêu biểu trong tỉnh; giải Nhất Ngày hội gia đình Việt Nam 28.6 do thị xã Bình Long tổ chức dành cho các gia đình tiêu biểu trong thị xã.

Bài liên quan
Các thầy cô hào hứng học cách xây dựng 'tiết học hạnh phúc'
Ngày thứ 2 (vào ngày 24.11) của hội thảo "Hạnh phúc trong giáo dục - 2024" thu hút sự quan tâm đặc biệt của giáo viên và những người trong ngành giáo dục nói chung. “Tôi đã thu nhận được những kỹ năng và phương pháp thực sự hữu ích, như cách giao tiếp với học sinh ra sao để khơi dậy năng lực tư duy của các em” - cô Nguyễn Thị Hồng Nhung, giáo viên Trường Marie Curie (Hà Nội) hào hứng cho biết ngay sau khi tham gia các chia sẻ chuyên đề trong buổi sáng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạnh phúc là hãy biết chấp nhận con người của nhau