Hiện tại, sau một thời gian dài triển khai cầm chừng hoặc dừng hoạt động, một số dự án, công trình trọng điểm vẫn trong tình cảnh hết sức bi đát, loay hoay mãi không thấy lối ra. Những vướng víu, trói buộc về cơ chế đang khiến cho hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đổ vào các dự án bị "đóng băng", gây lãng phí, thiệt hại rất lớn. Nền kinh tế đất nước đang thiếu vắng các dự án trụ cột, làm bệ đỡ, động lực tăng trưởng trong tương lai. Tình trạng này đã ở mức báo động đỏ, rất cần được xem xét, cấp bách thá

Hàng trăm nghìn tỉ đồng đang bị 'đóng băng, bào mòn' (Kỳ 1)

nhandan | 23/12/2019, 20:46

Hiện tại, sau một thời gian dài triển khai cầm chừng hoặc dừng hoạt động, một số dự án, công trình trọng điểm vẫn trong tình cảnh hết sức bi đát, loay hoay mãi không thấy lối ra. Những vướng víu, trói buộc về cơ chế đang khiến cho hàng trăm nghìn tỷ đồng đã đổ vào các dự án bị "đóng băng", gây lãng phí, thiệt hại rất lớn. Nền kinh tế đất nước đang thiếu vắng các dự án trụ cột, làm bệ đỡ, động lực tăng trưởng trong tương lai. Tình trạng này đã ở mức báo động đỏ, rất cần được xem xét, cấp bách thá

Bài 1: Những công trình ngổn ngang, dang dở

Chúng tôi vừa có cuộc khảo sát thực tế tại ba dự án, công trình trọng điểm, gồm dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (Tisco-II), Nhiệt điện Thái Bình 2 và Nhiệt điện Sông Hậu 1. Ðây có thể coi là bức tranh điển hình của những công trình trọng điểm đang vấp phải khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, chìm trong cảnh ngổn ngang, dang dở, tương lai mù mịt, không hẹn ngày về đích.

Thiệt đơn, thiệt kép

Nhận định về dự án Tisco-II, một chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là dự án sở hữu nhiều "cái nhất": tốn thời gian xử lý nhất, mâu thuẫn về phương thức tháo gỡ nhất, lãng phí một cách khó hiểu nhất v.v. Và đến giờ, sau gần bảy năm đình trệ, việc tìm kiếm lối ra khả dĩ cho Tisco-II vẫn còn là dấu hỏi.

Khởi động từ năm 2005, hai năm sau, Tisco-II chính thức khởi công với tổng mức đầu tư (TMÐT) 3.843 tỉ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC với Tổng thầu là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC). Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, dự toán ban đầu của dự án đã bị "nhấn chìm" bởi cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng đột biến khiến phương án ban đầu của dự án bị trượt rất xa so thực tế. Ðơn cử, giá phôi thép khi xây dựng dự toán chỉ 320 USD/tấn, nhưng tại thời điểm năm 2008 đã đội lên hơn 900 USD/tấn, dầu thô từ 80 USD/thùng vọt lên 140 USD/thùng, tỉ giá ngoại tệ từ 15.800 đồng/USD, tăng lên 21.000 đồng/USD, lãi suất tín dụng neo ở mức 21,5%/năm, khiến việc duy trì hợp đồng như cũ không khả thi. Những vấn đề này nằm ngoài tầm kiểm soát của Tisco và MCC, khiến quá trình thi công bị ngừng trệ 18 tháng.

Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đã cử nhiều đoàn công tác về các địa phương khảo sát, nhằm tìm giải pháp tháo gỡ cho hàng loạt dự án đang "sống dở, chết dở" vì đội vốn. Ngay sau khi Bộ Kế hoạch và Ðầu tư báo cáo về tình trạng này, Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng khẩn trương ban hành Thông tư 09/2008/TT-BXD hướng dẫn điều chỉnh TMÐT. Dự án Tisco-II lúc đó đặt trước tình huống: nếu bỏ dở sẽ lãng phí khoản đầu tư, còn nếu tăng vốn, dự án có thật sự đạt hiệu quả? Ðể có câu trả lời, Tổng công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) đã tiến hành đánh giá, rà soát lại hai lần và kết luận dự án đạt hiệu quả với tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) đạt 16%, được các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Ðầu tư, Xây dựng,… ủng hộ phương án tăng vốn. Do vậy, sau khi có Nghị quyết 64/NQ-CP của Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Công thương tăng vốn cho Tisco-II, Tổng công ty Thép Việt Nam được giao trách nhiệm tự quyết định điều chỉnh TMÐT theo quy định hiện hành.

Tuy nhiên, sau khi tăng TMÐT lên hơn 8.100 tỉđồng, khó khăn trong việc thu xếp vốn cùng nhiều nguyên nhân khác đã khiến dự án dừng triển khai từ năm 2012 đến nay và cũng từ đó, Tisco rơi vào khủng hoảng triền miên khi phải gánh "núi nợ" từ dự án này. Theo phương án ban đầu, khi đi vào hoạt động, mỗi năm Tisco-II sẽ sản xuất ra 500 nghìn tấn phôi thép bằng công nghệ lò thổi, đưa tổng sản lượng phôi thép của công ty lên 1 triệu tấn/năm từ nguyên liệu trong nước. Dự án được kết nối đồng bộ, cung cấp phôi nóng cho Nhà máy cán thép Thái Trung, giúp tăng quy mô sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khi đó, công nghệ sản xuất của Tisco được khép kín từ A đến Z, đạt hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 4.000 lao động công ty.

Hiện tại, Nhà máy cán thép Thái Trung do không được cấp phôi nóng từ dự án Tisco-II, đang phải mua phôi thép từ các DN khác với giá đắt đỏ, cộng thêm chi phí gia nhiệt để cán phôi, mỗi năm mất khoảng 240 tỷ đến 280 tỷ đồng. Từ năm 2011 đến hết năm 2018, Tisco đã phải sử dụng nguồn vốn ngắn hạn trả gốc và lãi cho các ngân hàng gần 1.333 tỷ đồng. Theo hợp đồng vay vốn cho dự án, bắt đầu từ tháng 1-2017, mỗi tháng dự án phải trả ngân hàng 47 tỷ đồng. Một cán bộ của Tisco ví von chua chát: Mỗi sáng thức giấc, Tisco bị "bốc hơi" một chiếc ô-tô Camry (!?).

"Chảy máu" nhân lực

Nếu như nợ gốc và lãi làm "bốc hơi" của Tisco mỗi ngày một chiếc Camry thì tại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, tính sơ sơ là năm chiếc. Ðể bạn đọc dễ hình dung về quy mô TMÐT của dự án này, đem cộng gộp cả 12 "đại dự án" ngành Công thương bị thua lỗ, mới bằng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2. Công trình điện trọng điểm quốc gia này gồm hai tổ máy, tổng công suất 1.200 MW, khi vận hành sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,2 tỉkW giờ điện mỗi năm. Dự án do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) làm Tổng thầu EPC, với TMÐT 41.399 tỉ đồng, cơ cấu 70% vốn vay, 30% vốn chủ sở hữu.

Trưởng Ban quản lý dự án Ðiện lực dầu khí Thái Bình 2 Nguyễn Ngọc Hải cho biết, nhà máy khởi công cuối năm 2011, dự kiến năm 2014 hoàn thành, phát điện tổ máy số 1, đầu năm 2015 phát điện tổ máy số 2. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, PVC đã để xảy ra một số sai phạm (đã được các cơ quan chức năng xem xét, xử lý), khiến dự án bị chậm tiến độ. Hiện tại, tiến độ tổng thể dự án đạt 84,31%, giá trị giải ngân sau thuế đạt hơn 996,9 triệu USD và 11.639 tỉ đồng (tương đương 33.243,26 tỉ đồng, bằng 79,53% giá trị TMÐT sau thuế). Ðến nay, khi những trục trặc về pháp lý đã cơ bản được giải quyết ổn thỏa, các ngân hàng quốc tế chấp thuận giải ngân trở lại phần vốn vay nước ngoài 326 triệu USD, nhưng do hết hạn giải ngân từ ngày 28-9-2018, dự án hiện vẫn bế tắc vì chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận gia hạn. Trong khi đó, nguồn vốn vay trong nước lại chưa được các ngân hàng trong nước xem xét cấp tín dụng do vượt hạn mức và dự án chưa được đưa vào danh sách cấp tín dụng.

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi trăn trở: "Chính vì sai phạm trong quá trình đầu tư trước đây cho nên dự án nhiệt điện Thái Bình 2 bị đẩy vào tình cảnh chậm tiến độ. Ai gây ra sai phạm đã xử lý rồi nhưng vấn đề lại không giải quyết triệt để khiến dự án kẹt vốn. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhưng không cầm tiền, Bộ Công thương là cơ quan quản lý cũng không có quyền giải ngân, còn DN thu xếp được vốn lại không có quyền quyết định. Cơ chế vòng vèo, lúc cần đột phá không được đột phá, cuối cùng DN phải gánh lấy hậu quả, không đổ cho ai được". Tổng thầu PVC và các nhà thầu phụ không còn đủ tài chính để tiếp tục triển khai dự án.

Do tiến độ kéo dài, có nhiều khó khăn và rủi ro phát sinh như máy móc thiết bị hết thời hạn bảo hành, không vay thêm được vốn,... gây sức ép rất lớn đối với chủ đầu tư và Tổng thầu. Một vấn đề đáng lo ngại là hiện nay, một số cán bộ có năng lực, kinh nghiệm của cả chủ đầu tư cũng như Tổng thầu có tâm lý hoang mang nản chí, lo sợ, không dám đảm đương nhiệm vụ, thậm chí nhiều người xin chuyển công tác, việc điều hành, quản lý dự án vốn đã khó khăn sẽ ngày càng khó khăn hơn trong thời gian tới. Một lãnh đạo Ban Quản lý dự án thổ lộ: Phía Tổng thầu PVC, các cán bộ dạng nhân lực chủ chốt hầu hết đã nghỉ việc. Ngay Ban Quản lý dự án cũng có nhiều người xin đi, ở Phòng Công nghệ - thiết bị cả bốn phó phòng đều xin chuyển công tác, tại Phòng Quản lý chất lượng, cả ba trưởng, phó phòng đều xin nghỉ, phải đưa một nhân viên lên phụ trách,...

Trước đây, lực lượng lao động tại công trường luôn duy trì từ 800 đến 1.000 lao động, đến nay chỉ còn chưa đến 400 người. Công trình bị chậm tiến độ, không có vốn giải ngân khiến các hạng mục thi công hầu như tê liệt. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, cùng với thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, không có nguồn tiền thanh toán tối thiểu để trả lương người lao động, sẽ là "giọt nước tràn ly" khiến những công nhân lao động trên công trường bị nợ lương nhiều tháng nay không còn đủ niềm tin để ở lại.

Tương tự, dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 được khởi công từ năm 2015, TMÐT hơn 43 nghìn tỉ đồng, dự kiến phát điện thương mại tổ máy số 1 và 2 vào năm 2019. Thế nhưng, tổng tiến độ dự án hiện nay mới đạt khoảng 82%, chậm gần hai năm. Ðiều đáng bàn, mặc dù đây là một trong những dự án đầu tiên triển khai được áp dụng cơ chế đặc thù theo Quyết định 2414/QÐ-TTg về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách giai đoạn 2013 - 2020, nhưng trong quá trình tổ chức, thực hiện phát sinh nhiều vướng mắc khiến tiến độ dự án bị "lỗi nhịp". Năm 2019, nhà máy được giải ngân vốn đầu tư gần 3.074 tỉ đồng, bằng 60,5%; ước thực hiện đầu tư đạt 3.378,20 tỉ đồng, bằng 66,48% kế hoạch năm.

Hiện nay, việc thanh toán phần xây dựng, lắp đặt vẫn là thanh toán tạm để giải quyết khó khăn về vốn cho nhà thầu thi công. Dù không phải dự án nhiệt điện than đầu tiên trên cả nước, nhưng nhiều khâu, công đoạn của nhà máy vẫn chưa được cập nhật vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến vướng mắc trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu, thanh toán. Ðiều này vô hình trung gây khó khăn trong xác định đơn giá xây dựng đối với các hạng mục trong hệ thống tiêu chuẩn hoặc phải điều chỉnh, thậm chí có những gói thầu sau ba năm vẫn chưa thể thanh toán hết.

(Còn nữa)

Lẽ ra, việc xây dựng hệ thống định mức, đơn giá xây dựng nói chung, cũng như phần xây lắp tại các công trình đặc thù như nhiệt điện, năng lượng tái tạo phải được hoàn thành từ lâu. Khi chưa hoàn chỉnh hệ thống định mức, cần có cơ chế đặc thù cho các công trình trọng điểm nhằm thúc đẩy tiến độ, nếu quá cứng nhắc, thiếu quyết đoán sẽ làm giảm hiệu quả đầu tư của dự án. Nhà nước cần mạnh dạn giao cho các DN lớn trong nước làm tổng thầu EPC dự án, thực tế thời gian qua, việc này đã đạt được nhiều thành công. Ðơn cử, dự án thủy điện Sơn La và Lai Châu do các nhà thầu trong nước đảm nhiệm, tiến độ vượt trước hàng năm, làm lợi cho đất nước hàng chục nghìn tỉ đồng.

ÐÀO PHAN LONG

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI)

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN KINH TẾ/NhânDân
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng trăm nghìn tỉ đồng đang bị 'đóng băng, bào mòn' (Kỳ 1)