Năm 2019, qua rà soát, TP.HCM nhận thấy có sự trùng lắp về đối tượng thanh tra, kiểm tra giữa 8 sở và 15 quận, huyện với tổng số 437 doanh nghiệp.

Hàng trăm doanh nghiệp ở TP.HCM bị kiểm tra, thanh tra trùng lắp

Phan Thị Diệu | 24/12/2019, 21:01

Năm 2019, qua rà soát, TP.HCM nhận thấy có sự trùng lắp về đối tượng thanh tra, kiểm tra giữa 8 sở và 15 quận, huyện với tổng số 437 doanh nghiệp.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.

Theo UBND TP.HCM, trong 2 năm thực hiện chỉ thị 20/2017 của Thủ tướng Chính phủ, TP.HCM thực hiện 62 cuộc thanh tra và 55.842 cuộc kiểm tra đối với 61.989 doanh nghiệp. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, cơ quan chức năng đã thu nộp ngân sách nhà nước hơn 238 tỉ đồng.

Việc triển khai thực hiện hiệu quả chỉ thị số 20 đã góp phần giảm thiểu sự trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, vừa tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hoạt động. Tuy nhiên, thành phố vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc.

Đó là việc chưa thể khắc phục 100% việc trùng lắp đối tượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra hàng năm. Cụ thể, năm 2019, qua rà soát, có sự trùng lắp về đối tượng thanh tra, kiểm tra giữa 8 sở và 15 quận, huyện với tổng số 437 doanh nghiệp. Chưa kể, việc xử lý trùng lắp về đối tượng doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra chưa đảm bảo theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại chỉ thị 20.

Về nguyên nhân dẫn đến trùng lắp khi thanh tra doanh nghiệp, TP.HCM đưa ra nhiều lý do như số doanh nghiệp lớn, không có cơ sở rà soát việc thanh tra, kiểm tra của các ngành đặc thù gồm: thuế, bảo hiểm xã hội, quản lý thị trường và phòng cháy, chữa cháy. Đồng thời, các cơ quan thanh tra thiếu sự phối hợp, thời điểm phê duyệt kế hoạch mỗi ngành lại khác nhau.

Cạnh đó, số lượng doanh nghiệp thường xuyên biến động, tình trạng doanh nghiệp liên tục thay đổi (tạm ngưng hoạt động, ngừng hoạt động, thay đổi loại hình…), nhưng thiếu kênh trao đổi… đã gây khó khăn nhất định trong công tác quản lý nhà nước nói chung, công tác thanh tra, kiểm tra nói riêng.

Từ thực tế nêu trên, UBND TP.HCM kiến nghị khi xây dựng, phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 1 lần/năm đối với doanh nghiệp. Trường hợp kế hoạch kiểm tra chuyên ngành, cần cân nhắc những lĩnh vực phải thực hiện kiểm tra thường xuyên hoặc đột xuất theo thực tiễn phát sinh.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực văn hóa xã hội, nhất là các doanh nghiệp tiềm ẩn tệ nạn về khiêu dâm, kích dục, mại dâm, ma túy, cờ bạc làm bức xúc trong nhân dân thì không nên lập danh sách đối tượng kiểm tra cụ thể từ đầu năm, công khai để các lực lượng kiểm tra xử lý chồng chéo, trùng lắp nhằm đảm bảo hiệu quả trong công tác đấu tranh, triệt phá, ngăn chặn vi phạm.

Đồng thời, cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của Tổng cục Thuế, Tổng cục Quản lý thị trường, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Công an và hệ thống các cơ quan ở địa phương trong việc phối hợp rà soát, xử lý trùng lắp, chồng chéo trong quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra và quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra.

Phan Diệu
Bài liên quan
Tổng Bí thư Tô Lâm kiểm tra tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ
Ngày 14.11, trong chuyến công tác tại Hải Phòng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã kiểm tra công tác của tàu tuần tra do Cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ cho Bộ Công an Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng trăm doanh nghiệp ở TP.HCM bị kiểm tra, thanh tra trùng lắp