Ningbo Semiconductor International Corporation (NSIC), công ty con của Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), cho biết sẽ không khoan nhượng với hai cựu lãnh đạo, gồm cả người sáng lập và cựu chủ tịch Herb Huang He, người bị kết án 4 năm tù vì biển thủ công quỹ.
Thế giới số

Hãng thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc nói không khoan nhượng với nhà sáng lập bị kết án 4 năm tù

Sơn Vân 21/02/2024 11:19

Ningbo Semiconductor International Corporation (NSIC), công ty con của Semiconductor Manufacturing International Corporation (SMIC), cho biết sẽ không khoan nhượng với hai cựu lãnh đạo, gồm cả người sáng lập và cựu chủ tịch Herb Huang He, người bị kết án 4 năm tù vì biển thủ công quỹ.

Trong một trong những cuộc chiến nội bộ đầy kịch tính và bí ẩn nhất, Herb Huang He đã bị NSIC tước quyền vào mùa hè năm ngoái vì biển thủ công quỹ, sau đó bị tòa án địa phương kết án 4 năm tù hồi tháng 11.2023.

Herb Huang He có bằng tiến sĩ về khoa học và kỹ thuật vật liệu và bằng MBA của Đại học Minnesota (Mỹ), từng được coi là người hùng trong ngành bán dẫn Trung Quốc. Việc ông bị NSIC phế truất rồi ngồi tù sau đó là câu chuyện cảnh báo về những lợi ích phức tạp trong ngành công nghiệp bán dẫn ở Trung Quốc.

Thông qua tuyên bố hôm 20.2, NSIC tiết lộ thông tin về việc Herb Huang He và Wang Ying (cựu giám đốc tài chính của công ty) bị kết án 4 năm tù trong phán quyết sơ thẩm về các cáo buộc gồm cả nhận hối lộ.

NSIC cho biết đã “liên tục đưa ra tuyên bố với các bên liên quan rằng công ty sẽ không tham gia bất kỳ thỏa thuận hay thỏa hiệp nào với Herb Huang He và Wang Ying” vì họ “không khoan nhượng” với hoạt động phạm tội.

Hầu hết chi tiết về vụ án và việc số tiền bị chiếm dụng như thế nào vẫn chưa được tiết lộ, vì Tòa án Ningbo (Ninh Ba) chưa công bố hồ sơ vụ án. Tờ SCMP không thể liên lạc được với Herb Huang He để có thêm bình luận.

Theo trang LinkedIn của Herb Huang He, doanh nhân này làm việc ba năm tại nhà sản xuất ổ cứng Seagate Technology (Mỹ) trước khi gia nhập SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) vào năm 2002. Ông tập trung vào cảm biến hệ thống vi cơ điện tử (MEMS), bộ nhớ CMOS và mạch tích hợp 3D trong 14 năm tại SMIC trước khi thành lập NSIC vào năm 2016.

NSIC là nhà thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc, tập trung vào chất bán dẫn quy trình đặc biệt. Theo trang web chính thức của NSIC, công ty chủ yếu tham gia vào lĩnh vực truyền thông và thiết bị đầu cuối di động 5G, thiết bị gia dụng thông minh và điều khiển công nghiệp, internet vạn vật công nghiệp và điện tử y tế.

SMIC đã cắt giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần trong NSIC xuống còn khoảng 16%. Các nhà đầu tư khác vào NSIC gồm China IC Capital (quỹ đầu tư thuộc sở hữu hoàn toàn của SMIC), quỹ công nghiệp Ningbo Senson Electronics và Hua Capital.

Ngoài ra, NSIC còn nhận được khoản đầu tư 500 triệu nhân dân tệ (69 triệu USD) từ quỹ National Integrated Circuit Industry Investment, hay còn gọi là Quỹ lớn (Big Fund) của Trung Quốc.

hang-thiet-ke-chip-hang-dau-trung-quoc-noi-khong-khoan-nhuong-voi-nha-sang-lap-bi-ket-an-4-nam-tu.jpg
Bên ngoài văn phòng của NSIC - Ảnh: SCMP

SMIC và Huawei nằm trong danh sách nhận tài trợ từ chính quyền địa phương nhiều nhất năm 2024

Theo các tài liệu của chính quyền Trung Quốc được công bố, SMIC và Huawei nằm trong số những công ty nhận tài trợ từ chính quyền địa phương nhiều nhất năm 2024. SMIC và Huawei là hai nhân tố chủ chốt trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm vượt qua các lệnh trừng phạt từ Mỹ với chip tiên tiến.

Tại Thượng Hải, 16 trong số 191 dự án lớn được chính quyền địa phương trợ cấp đều liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, theo dữ liệu do chính quyền thành phố này công bố. SMIC có hai dây chuyền sản xuất 300 mm (cả hai đều đang được xây dựng) nằm trong danh sách. Một trung tâm nghiên cứu của Huawei ở quận Thanh Phố thuộc Thượng Hải cũng nằm trong số 16 dự án.

Cơ sở của Huawei ở Thanh Phố tập trung vào nghiên cứu và phát triển chất bán dẫn, mạng không dây và internet vạn vật, với kế hoạch thuê 35.000 nhà nghiên cứu sau khi khai trương vào tháng 6.2024. Các dự án khác nhận được tài trợ từ Thượng Hải có nhà máy sản xuất của Advanced Micro-Fabrication Equipment.

Huawei và SMIC bị Mỹ đưa vào danh sách đen vì lý do an ninh quốc gia, nên không thể tiếp cận các công nghệ bán dẫn nước ngoài nếu không có sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, Huawei vào năm ngoái đã gây bất ngờ cho ngành công nghiệp chip toàn cầu khi trình làng dòng smartphone Mate 60 tích hợp chip Kirin 9000s, được SMIC sản xuất theo quy trình 7 nanomet bằng cách sử dụng hệ thống in thạch bản thế hệ cũ của ASML (Hà Lan).

Ở một diễn biến riêng biệt, chính quyền tỉnh An Huy cho biết sẽ hỗ trợ nhiều hơn để đạt được những đột phá về công nghệ trong lĩnh vực bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động (DRAM) vào năm 2024. Đây là lĩnh vực mà Trung Quốc đang bắt kịp các hãng dẫn đầu toàn cầu như Samsung Electronics, SK Hynix (đều của Hàn Quốc) và Micron Technology (Mỹ).

Hợp Phì, thủ phủ của tỉnh An Huy ở phía đông Trung Quốc, là quê hương của nhà sản xuất DRAM hàng đầu ChangXin Memory Technologies. Công ty này đã sản xuất chip RAM LPDDR5 công suất thấp đầu tiên của Trung Quốc, thu hẹp khoảng cách với các công ty nước ngoài hàng đầu.

Các công ty bán dẫn hàng đầu Trung Quốc đã được hỗ trợ rất nhiều bởi khoản trợ cấp từ chính phủ những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Mỹ nhắm mục tiêu vào lĩnh vực này vì lo ngại nó có thể giúp hiện đại hóa quân đội Trung Quốc. Vào năm 2022, chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp hơn 12,1 tỉ nhân dân tệ (1,75 tỉ USD) cho 190 công ty bán dẫn niêm yết trong nước. SMIC là đơn vị nhận trợ cấp lớn nhất trong năm đó, với 1,95 tỉ nhân dân tệ.

Theo hãng tin Bloomberg, Huawei đã nhận được khoảng 30 tỉ USD tài trợ từ chính phủ Trung Quốc để giúp xây dựng các cơ sở sản xuất chip trong nước. Huawei vừa giành lại vị trí số 1 trên thị trường smartphone Trung Quốc vào đầu năm 2024.

Sau sự sụt giảm kéo dài một năm của ngành công nghiệp chip toàn cầu, SMIC hồi đầu tháng 2 đã báo cáo chi phí vốn cho năm 2024 sẽ là 7,47 tỉ USD, bằng mức của năm trước.

Nhập khẩu thiết bị sản xuất chip của Trung Quốc đã tăng 14% trong năm 2023 lên mức gần 40 tỉ USD, con số lớn thứ hai về giá trị kể từ khi có dữ liệu chính thức vào 2015, theo hãng tin Bloomberg dựa trên dữ liệu hải quan chính thức.

Sự gia tăng này diễn ra bất chấp tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc giảm 5,5% trong năm 2023, cho thấy tầm quan trọng mà chính phủ và ngành công nghiệp chip nước này đặt lên việc tự chủ sản xuất chip.

Các công ty chip Trung Quốc đang nhanh chóng đầu tư vào nhà máy bán dẫn mới để cố gắng nâng cao năng lực sản xuất của quốc gia và cố gắng vượt qua biện pháp kiểm soát xuất khẩu do Mỹ cùng các đồng minh áp đặt.

Những hạn chế này khiến các công ty Trung Quốc khó tiếp cận máy cần thiết để sản xuất chip mạnh nhất, đồng thời kìm hãm sự phát triển ngành công nghệ cao của quốc gia châu Á này.

Năm 2023, nhập khẩu thiết bị sản xuất chip từ Hà Lan của Trung Quốc tăng vọt trước khi có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, vốn sẽ hạn chế hơn nữa khả năng của SMIC và các công ty cùng ngành trong việc mua sắm máy móc tiên tiến.

Hồi tháng 12.2023, nhập khẩu thiết bị quang khắc từ Hà Lan của Trung Quốc đã tăng gần 1.000% so với cùng kỳ năm 2022 lên mức 1,1 tỉ USD do các công ty đổ xô mua máy trước khi Hà Lan bắt đầu áp dụng các hạn chế trong tháng 1.2024.

Theo Bloomberg, ngay cả trước khi những hạn chế đó có hiệu lực, ASML đã hủy bỏ việc giao một số máy quang khắc cực tím sâu (DUV) của họ sang Trung Quốc theo yêu cầu từ chính phủ Mỹ. Việc này diễn ra vài tuần trước khi lệnh cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip cao cấp có hiệu lực.

ASML thống trị thị trường toàn cầu về hệ thống in thạch bản, sử dụng tia laser để giúp tạo ra mạch điện tử. Công ty Hà Lan độc quyền về các hệ thống in thạch bản cực tím (EUV) tiên tiến - không thể thiếu để sản xuất những chip cao cấp nhất, đồng thời cung cấp những máy DUV cần thiết để tạo ra chất bán dẫn hoàn thiện hơn.

Đầu năm 2024, ASML cho biết chính phủ Hà Lan đã thu hồi giấy phép xuất khẩu một số thiết bị của họ sang Trung Quốc: “Giấy phép vận chuyển hệ thống in thạch bản NXT:2050i và NXT:2100i vào năm 2023 gần đây đã bị chính phủ Hà Lan thu hồi một phần, ảnh hưởng đến một số ít khách hàng ở Trung Quốc”.

Hệ thống NXT:2050i và NXT:2100i có giá hàng chục triệu euro mỗi máy. Khách hàng Trung Quốc của ASML đã được thông báo không nên mong đợi nhận được giấy phép cho các hệ thống này kể từ ngày 1.1.2024.

Khách hàng của ASML tại Trung Quốc có SMIC và những công ty khác như Hua Hong, Nexchip Semiconductor, Wuhan Xinxin Integration Dianlu Manufacture, United Nova Technology.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất của ASML trong quý 3/2023, chiếm 46% doanh thu của công ty. ASML đã đặt mục tiêu đạt doanh thu 6,7 tỉ - 7,1 tỉ euro (7,39 tỉ - 7,83 tỉ USD) vào quý 4/2023, trong đó khách hàng Trung Quốc dự kiến sẽ chiếm gần một nửa doanh thu của hãng trong nửa cuối năm.

Những cỗ máy sản xuất chip tinh vi nhất của ASML là EUV đã bị Mỹ hạn chế xuất khẩu từ lâu và chưa bao giờ được chuyển đến Trung Quốc.

Bài liên quan
Bị Bộ Quốc phòng Mỹ đưa vào danh sách đen, hãng chip nhớ số 1 Trung Quốc phủ nhận quan hệ với quân đội
YMTC (hãng sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) phủ nhận có quan hệ với quân đội nước này. YMTC cho biết đang đàm phán với chính quyền Biden để giải quyết cáo buộc sau khi bị Bộ Quốc phòng Mỹ nêu tên trong danh sách các công ty gây rủi ro an ninh quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ ở Trung Bộ
6 giờ trước Theo dòng thời sự
Chủ động chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với gió mạnh trên biển, mưa lũ, ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống bảo đảm kịp thời, hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Yêu cầu trên được Thủ tướng Chính phủ đặt ra với Bộ trưởng các bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tại Công điện số 120/CĐ-TTg, ngày 25.11.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng thiết kế chip hàng đầu Trung Quốc nói không khoan nhượng với nhà sáng lập bị kết án 4 năm tù