Khi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu đưa vào khai thác, nhiều trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 51 rơi vào cảnh ế ẩm vì mất một lượng khách không nhỏ từ TP. HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu.

Hàng loạt trạm dừng chân tuyến TPHCM-Vũng Tàu đóng cửa vì...cao tốc

Một Thế Giới | 27/01/2015, 15:59

Khi đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây bắt đầu đưa vào khai thác, nhiều trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 51 rơi vào cảnh ế ẩm vì mất một lượng khách không nhỏ từ TP. HCM đi Bà Rịa - Vũng Tàu.

Để tồn tại, một số chủ đầu tư mở thêm các trạm dừng chân mới đón luồng khách đi theo tuyến đường cao tốc, các điểm kinh doanh cũ thì chăm chút hơn trong khâu dịch vụ, đa dạng thêm sản phẩm để tồn tại trong giai đoạn ngành dịch vụ phục vụ khách du lịch này cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Ế ẩm, đóng cửa tiệm

Chị Nguyễn Thị Út, tiểu thương thuê sạp bán trái cây tại Trạm dừng chân Bò sữa An Phước (quốc lộ 51, huyện Long Thành), cho biết: “Ngày chủ nhật mà ở đây chỉ có lác đác vài chiếc xe khách, bãi xe hầu như để trống chứ không chật kín như trước đây.

Tiểu thương cũng chỉ tập trung bán 2 ngày cuối tuần, ngày thường nhiều sạp đóng cửa vì hầu như không có khách. Khi chưa có đường cao tốc, ngày cuối tuần tôi bán được hơn 1 triệu đồng thì nay chỉ còn được vài trăm ngàn”.

Theo những tiểu thương nhiều năm gắn bó với hoạt động của các trạm dừng chân trên tuyến quốc lộ 51, chưa bao giờ tình hình buôn bán lại ảm đạm như hiện nay vì lượng xe khách du lịch đi qua tuyến đường này ngày càng vắng.

Bà Lý Thị Chi, tiểu thương bán các loại đặc sản khô nai, khô bò, nem, trái cây tại Trạm dừng chân Bò sữa Long Thành (quốc lộ 51, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa), chia sẻ:“Thời gian trước, ở đây có 50 sạp bán trái cây thì giờ còn 9 sạp. Các tiệm bán đồ ăn, thức uống, bánh kẹo cũng đóng cửa rất nhiều. Tuy còn ít người bán nhưng vẫn ế vì vắng khách”.
 Chưa bao giờ tình hình buôn bán lại ảm đạm như hiện nay vì lượng xe khách du lịch đi qua tuyến đường này ngày càng vắng.

Chị Nguyễn Thị Thu Trang, chủ cửa hàng bán cơm và đặc sản tại Trạm dừng chân Bò sữa Long Thành, so sánh: “Lượng khách mua giảm từ 50-60% so với trước. Giờ ở đây chủ yếu đón đối tượng khách đi xe máy hoặc đi các tuyến từ Bình Dương và một số tỉnh miền Tây lên.

Thời còn đông khách, mùa cao điểm tôi phải thuê gần 30 nhân viên phục vụ ở cửa hàng bán đặc sản và khu vực ăn, thì nay chỉ còn lại 4 người.

Trước đây, dọc tuyến quốc lộ 51 gần khu vực này, tôi còn mở mấy quán cơm phục vụ khách. Nhưng giờ kinh doanh khó khăn nên tôi đều cho thuê lại, trong khu vực trạm dừng tôi cũng thu lại, chỉ còn 1 khu kinh doanh chứ không mở 3-4 cửa hàng như trước”.

Tìm cách giữ khách

Trong giai đoạn khó khăn, không chỉ các chủ đầu tư trạm dừng chân mới quan tâm tìm các giải pháp thu hút khách, mỗi tiểu thương cũng chăm chút hơn trong khâu dịch vụ để hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi.

Chị Trang cho biết thêm, để giữ khách trong giai đoạn khó khăn, chị thêm nhiều thực đơn, các món ăn cũng được điều chỉnh với giá mềm hơn để thu hút cả đối tượng khách vãng lai và dân địa phương chứ không chỉ tập trung vào nhóm khách du lịch.

Nhiều trạm dừng chân chọn cách cạnh tranh không lành mạnh là chi hoa hồng đậm cho tài xế để họ đưa khách về.

Ông Nguyễn Tử Mục, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần sữa Lothamilk, cho biết trước tình hình khó khăn hiện nay, phía công ty đã giảm giá thuê mặt bằng cho tiểu thương từ 30-40%, những tháng vắng khách có thể giảm đến 50%.

“Nhiều trạm dừng chân chọn cách cạnh tranh không lành mạnh là chi hoa hồng đậm cho tài xế để họ đưa khách về. Riêng chúng tôi chọn cách chăm chút vào khâu dịch vụ, chất lượng sản phẩm. Chúng tôi đầu tư, cải tạo lại để khu vực trạm dừng chân khang trang, sạch đẹp hơn.

Mục đích chính là để quảng bá, giới thiệu cho sản phẩm của Lothamilk và các đặc sản bánh, kẹo làm từ sữa tươi Long Thành” - ông Mục nói.
tram dung chanTrạm dừng chân Bò sữa Long Thành vắng khách.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Phó quản lý Trạm dừng chân Mekong Long Thành (quốc lộ 51, xã Tam Phước, TP.Biên Hòa): “Chúng tôi theo hướng đa dạng sản phẩm và dịch vụ nên trạm dừng chân không bị ảnh hưởng quá nhiều vì lượng khách giảm.

Cụ thể, tại đây còn tổ chức thêm nhiều dịch vụ, như: tổ chức hội nghị, sự kiện; dịch vụ tiệc cưới, khu vui chơi, chụp hình ngoại cảnh; siêu thị, cà phê sân vườn…”

Theo một số chủ đầu tư trạm dừng chân, chưa bao giờ tình hình cạnh tranh về dịch vụ trạm dừng chân lại cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Thực tế, đã có trạm dừng chân trên quốc lộ 51 phải đóng cửa vì kinh doanh không hiệu quả.

Nhưng vài trạm dừng chân mới vẫn tiếp tục được đầu tư để đón luồng khách đi theo tuyến đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
Theo một số chủ đầu tư trạm dừng chân, chưa bao giờ tình hình cạnh tranh về dịch vụ trạm dừng chân lại cạnh tranh gay gắt như hiện nay.
Ông Trịnh Hoàng, Giám đốc Công ty cổ phần thương mại, vận tải Liên Kết, chủ đầu tư Trạm dừng chân Bò sữa An Phước nói: “Kinh doanh trong ngành này không phải “dễ ăn”, nhưng phải tìm cách cứu vãn.
Đơn vị vừa đầu tư thêm 2 trạm dừng chân tại xã Long An (huyện Long Thành) và dự định khai trương thêm 1 điểm mới ở cùng khu vực này.

Chúng tôi chọn địa điểm là điểm nối từ đường cao tốc xuống quốc lộ 51, thuộc ấp Xóm Gốc, xã Long An để tiếp tục đón lượng khách từ đường cao tốc xuống”.

Theo Bình Nguyên (ĐNO)

Bài liên quan
Sau 1 năm thi công, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu qua Đồng Nai hiện ra sao?
Sau hơn 1 năm thi công, dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đoạn qua tỉnh Đồng Nai vẫn gặp khó khăn do vướng công tác giải phóng mặt bằng và vật liệu đất lắp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt trạm dừng chân tuyến TPHCM-Vũng Tàu đóng cửa vì...cao tốc