Nhiều rào cản trong nước lẫn thế giới hiện đang tác động tiêu cực tới việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Hàng loạt rào cản 'đánh' vào cá, tôm Việt trên thị trường quốc tế

tuyetnhung | 11/01/2017, 22:02

Nhiều rào cản trong nước lẫn thế giới hiện đang tác động tiêu cực tới việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam.

Năm 2016, giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam dự báo đạt khoảng 7,1 tỉ USD, tăng 8% so với năm 2015. Năm qua chứng kiến nhiều khó khăn như: hạn hán, xâm ngập mặn, ô nhiễm môi trường... đã làm giảm nguồn cung nguyên liệu của nước ta. Đáng chú ý, sự cố môi trường dẫn đến cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung từ cuối tháng 4.2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thương mại của thủy sản Việt Nam trên các thị trường nhập khẩu, phần nào làm hạn chế xuất khẩu thủy sản trong 6 tháng cuối năm.

Song, do sức mua tại các thị trường vẫn ở mức cao ngất ngưởng nên đã giảm bớt những khó khăn của ngành xuất khẩu thủy sản nước ta, thậm chí xuất khẩu thủy sản năm nay đã vượt ngoài mong đợi khi tăng 8% về giá trị so với năm ngoái.

Sang năm 2017, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dẫn lờicác chuyên gia đầu ngành dự báo sẽ có 7 thách thức và khó khăn chính hướng vào ngành thủy sản Việt Nam. 7 tác động đó cụ thể là:

Hạn hán và xâm nhập mặn: Tình hình hạn hán, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn diễn biến phức tạp trong 2016 được dự báo sẽ tiếp tục có những ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất thủy sản, nhất là các loài nuôi nước ngọt. Trong 2017, yếu tố này được dự báo sẽ tác động không nhỏ đến diện tích và sản lượng nguyên liệu thủy sản nói chung.

Rào cản kỹ thuật và bảo hộ thương mại từ các thị trường nhập khẩu: Với việc tự do hóa thương mại, thủy sản Việt Nam sẽ có lợi về thuế quan, nhưng sẽ là đối tượng để các thị trường áp dụng các rào cản phi thuế quan nhằm bảo hộ ngành sản xuất nội địa hoặc hạn chế nhập khẩu. Những rào cản như thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, các quy định kiểm tra hóa chất, kháng sinh, bảo vệ nguồn lợi hay chương trình thanh tra riêng biệt (chẳng hạn như: chương trình thanh tra cá da trơn của Mỹ…) đang và sẽ được tăng cường áp dụng.

Các quy định kiểm soát chất lượng của thị trường nhập khẩu: Nhật Bản duy trì tần suất kiểm tra 100% các chỉ tiêu Furazolidone, Enrofloxacin và Sulfadiazine đối với các lô hàng tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Vệ sinh thực phẩm của Nhật Bản, từ tháng 10.2016, Nhật Bản sẽ loại bỏ ra khỏi danh sách giám sát các chất Sulfamethoxazole, Sulfadiazine và Chloramphenicol trong tôm nuôi Việt Nam.

Trong khi đó, Úc cũng tăng cường kiểm tra về độc tố sinh học và vi sinh. Từ tháng 1 đến tháng 9.2016, có 11 lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào EU bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với cả năm 2015.

Theo đó, Chính phủ Úcđã ban hành lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín kể từ ngày 9.1.2017 do phát hiện virus đốm trắng có trong tôm bán tại các cửa hàng và nghi ngờ đây là nguyên nhân của việc bùng phát dịch đốm trắng tại Queensland. Lệnh cấm nhập khẩu này có hiệu lực từ ngày 9.1.2016 và kéo dài 6 tháng. Theo đó, tất cả những lô hàng đến Úc từ ngày 9.1.2017 trở đi sẽ được yêu cầu tái xuất hoặc tiêu hủy. Các lô hàng hiện đang làm thủ tục nhập khẩu vào Úc sẽ bị kiểm tra 100%.

Việt Nam hiện mới chỉ xuất khẩu được tôm đã luộc chín hoặc tôm chế biến sâu như tôm tẩm bột, gia vị sang Úc. Như vậy, lệnh cấm của Úc sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu tôm tẩm bột, tẩm gia vị của Việt Nam sang quốc gia này.

Thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn: Thuế chống bán phá giá và chương trình thanh tra cá da trơn vẫn là rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật lớn cho cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ. Với mức thuế chống bán phá giá quá cao, hiện nay, số lượng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đi Mỹ chỉ còn 2-3 doanh nghiệp lớn bám trụ được thị trường này.

Giá thành sản xuất nguyên liệu của Việt Nam còn cao: Ngành nuôi tôm và một số sản phẩm thủy sản chủ lực của Việt Nam đã được nhìn nhận và so sánh với các ngành tương tự tại Ấn Độ, Thái Lan cho thấy giá thành sản xuất của Việt Nam đang cao hơn từ 10-30%. Có nhiều yếu tố tác động tạo ra giá thành sản phẩm cao (từ giống, thức ăn, các vật tư đầu vào, tổn thất sau thu hoạch, điện-nước, các chi phí hành chính...). Đây cũng là yếu tố quan trọng tác động lên hệ số cạnh tranh của thủy sản Việt Nam trong năm 2017 mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.

Thiếu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu: Với uy tín nguồn cung có chất lượng cho thị trường thế giới và năng lực/công nghệ cao cho chế biến thủy sản, Việt Nam là điểm đến của nhiều nhà nhập khẩu thủy sản trên thế giới. Tình hình thiếu nguyên liệu cho CBXK ở một số nhóm hàng hoặc tại một số thời điểm trong năm ngày càng rõ rệt. Nhiều DN đã duy trì việc nhập khẩu các nguồn nguyên liệu (tôm, cá ngừ, mực-bạch tuộc, một số loài cá biển...) để tạo ra sự ổn định và năng lực cạnh tranh trong thời gian qua. Việc thiếu nguyên liệu thủy sản trong nước phục vụ nhu cầu XK sẽ tiếp tục là một vấn đề nhiều DN thủy sản quan ngại trong năm 2017.

Truyền thông bôi nhọ tại một số thị trường tiêu thụ thủy sản: Trong 10 năm qua, mặt hàng thủy sản của Việt Nam đã xuất hiện ở gần 10 quốc gia (Úc, Italia, Tây Ban Nha, Đức, Ai Cập, Pháp...). Tuy nhiên, việc truyền thông đưatin bôi nhọ, không khách quan khiến sản phẩm thủy sản của Việt Nam gặp nhiều thách thức trong việc tiêu thụ (ô nhiễm, bẩn, kim loại nặng…).

Ngay mới đây, ngày 5.1.2017, có một video clip trên truyền hình Tây Ban Nha đưa thông tin sai và xấu về hình ảnh cá tra Việt Nam, có nguy cơ ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ.Tác hại của truyền thông bôi nhọ là không thể đo đếm và ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sức tiêu thụ và hình ảnh sản phẩm thủy sản của Việt Nam tại các thị trường cụ thể. Những dòng thông tin không tích cực này, dưới sức lan tỏa của Internet và mạng xã hội, đã có những tác động dai dẳng và được nhận định tiếp tục có tác động đến tiêu thụ thủy sản Việt Nam trong 2017.

Tuyết Nhung

Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàng loạt rào cản 'đánh' vào cá, tôm Việt trên thị trường quốc tế