Lontium Semiconductor Corp không phải là một cái tên quen thuộc như Intel hay Texas Instruments, nhưng kế hoạch niêm yết ở Trung Quốc có thể thử nghiệm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới khiến số phận nhiều giám đốc điều hành Mỹ tại các công ty chip Trung Quốc rơi vào tình trạng lấp lửng.
Thành lập vào năm 2006 bởi Chen Feng (cựu kỹ sư Intel), Lontium Semiconductor Corp đã được chấp thuận cho đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên hội đồng công nghệ của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải (Star Market) theo bản cáo bạch vào ngày 25.10.
Khi Trung Quốc đã đầu tư một khoản tiền lớn để hỗ trợ sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, việc các công ty chip trong nước niêm yết cổ phiếu đã trở thành chuyện thường xuyên. Thế nhưng, Chen Feng là công dân Mỹ, điều này có thể khiến Lontium Semiconductor Corp bị đưa ra danh sách những hãng đầu tiên thử nghiệm các quy tắc mới của chính quyền Biden “hạn chế khả năng của người Mỹ trong việc hỗ trợ phát triển hoặc sản xuất chip tại các công ty bán dẫn Trung Quốc”.
Lontium Semiconductor Corp đã không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên.
Chen Feng (57 tuổi, quê ở tỉnh An Huy, Trung Quốc) là một trong số những doanh nhân gốc Hoa đã nhập quốc tịch Mỹ sau khi học tập và làm việc tại nước này, trước khi trở về Trung Quốc vào đầu những năm 2000 để bắt đầu kinh doanh liên quan đến chip.
Hàng chục giám đốc điều hành của Mỹ tại các công ty chip Trung Quốc được niêm yết, bao gồm Advanced Micro-Fabrication Equipment of China (AMEC), AmLogic, 3Peak, Starpower Semiconductor, ACM Research và Halo Microelectronics, đã bị mắc kẹt giữa cuộc chiến công nghệ giữa hai nước sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố vòng hạn chế xuất khẩu mới nhất vào ngày 7.10.
Không ai trong số các công ty Trung Quốc này đã công khai bình luận về việc liệu các lãnh đạo người Mỹ của họ có phải xin phép chính phủ Mỹ để tiếp tục công việc hay không.
Tuy nhiên, một số người đã có động thái tách mình khỏi công ty của họ ngay trước khi các lệnh trừng phạt sâu rộng được công bố.
Từng theo học tại Đại học California (thành phố Los Angeles, Mỹ) và làm việc tại Intel cùng Applied Materials, Gerald Yin Zhiyao đã bán số cổ phiếu trị giá 74,4 triệu nhân dân tệ (10,3 triệu USD) trong công ty AMEC của mình từ giữa tháng 8 đến tháng 9.
Gerald Yin Zhiyao (78 tuổi) thành lập AMEC vào năm 2004, nói rằng bán cổ phiếu vì “nhu cầu cá nhân cần tiền mặt”.
Simon Yang, cựu Giám đốc điều hành YMTC (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc), đã từ bỏ vai trò đó vào tháng 9. Simon Yang từng học ở Mỹ nhưng chưa công khai xác nhận tình trạng công dân của mình. Tờ Financial Times cho biết ông có hộ chiếu Mỹ, trích dẫn những người thân cận với công ty.
Với Lontium Semiconductor Corp, việc mất Chen Feng có thể là một đòn giáng mạnh vào công ty. Ông được coi là nhân vật chủ chốt trong động lực tự cung tự cấp chất bán dẫn của Trung Quốc.
Chen Feng lấy bằng thạc sĩ năm 1988 tại Học viện Khoa học Trung Quốc, sau đólàm việc ba năm tại China Electronics Technology Co thuộc sở hữu nhà nước.
Năm 1991, ông đến Mỹ để lấy bằng tiến sĩ tại Viện Khoa học & Công nghệ thuộc Đại học Oregon (Mỹ). Tiếp đó, ông làm việc tại Intel trong gần một thập kỷ và có hai năm làm việc cho công ty thiết kế vi mạch (IC) Accelerant Networks có trụ sở tại thành phố Portland (bang Oregon, Mỹ).
Chen Feng trở lại Trung Quốc vào năm 2006 và thành lập Lontium Semiconductor Corp ở thành phố Hợp Phì, thủ phủ tỉnh An Huy. Công ty tập trung vào việc thiết kế và bán các mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông vào năm 2015, Chen Feng giải thích rằng ông đã quay trở lại Trung Quốc: “Bạn có biết rằng ở Trung Quốc, chip phụ thuộc nhiều hơn vào thị trường quốc tế hơn là dầu mỏ và quặng sắt? Ngành công nghiệp chip không chỉ tiêu thụ nhiều nhất ngoại hối ở Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến ngành sản xuất điện tử của nước này”.
Năm 2008, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ập đến ngành, Chen Feng cho biết ông phải vay mượn tiền mua nhà và vay tiền từ bạn bè, gia đình để duy trì hoạt động của công ty. “Ít nhất hai lần, có rất nhiều người làm việc ngoài giờ trong văn phòng, nhưng tôi lo lắng không biết tiền lương tháng tới của họ sẽ đến từ đâu”, Chen Feng kể.
Quyết tâm của Chen Feng cuối cùng đã giúp Lontium Semiconductor Corp giành được sự ủng hộ từ chính phủ Trung Quốc.
Vào năm 2008, chính quyền trung ương Trung Quốc đã khởi động một dự án có tên Kế hoạch Ngàn nhân tài nhằm tuyển dụng các chuyên gia trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, chủ yếu từ các cộng đồng người Hoa ở nước ngoài. Chen Feng là một trong hơn 100 nhà khoa học Trung Quốc trong đợt đầu tiên được chọn cho chương trình. Tất cả cá nhân được chọn đều nhận các ưu đãi hào phóng, bao gồm các học vị danh giá, lương cao và các đặc quyền về thị thực, để khuyến khích họ đóng góp vào sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc.
Hai năm sau, Lontium Semiconductor Corp nhận được 5 triệu nhân dân tệ từ chính quyền tỉnh An Huy. Những khoản trợ cấp này đã giúp công ty vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trước khi thu hút vốn đầu tư mạo hiểm, Chen Feng nói với truyền thông nhà nước.
Năm 2011, các sản phẩm của họ bắt đầu có mặt trong chuỗi cung ứng một số nhà sản xuất smartphone và máy tính hàng đầu thế giới, bao gồm Apple, Dell, Asus và Lenovo. Từ năm 2019 đến 2021, doanh thu Lontium Semiconductor Corp đã tăng hơn gấp đôi lên 234,8 triệu nhân dân tệ từ 104,5 triệu nhân dân tệ.
Tuy nhiên, Lontium Semiconductor Corp vẫn còn kém xa đối thủ lớn nhất là Texas Instruments, công ty Mỹ đang thống trị thị trường mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp.
Theo công ty nghiên cứu CINNO Research, vào năm 2020, Lontium Semiconductor Corp chỉ chiếm 4,2% thị trường toàn cầu về chip cầu video độ nét cao, một loại mạch tích hợp tín hiệu hỗn hợp. Trong khi Texas Instruments chiếm tới 41%.
Yuan Bo, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Kandong có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh, cho biết: “Ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc có đặc điểm là nhu cầu vốn lớn và thu hồi vốn chậm ở giai đoạn đầu. Đó là một trong những cách hiệu quả để giải quyết những khó khăn về tài chính của các công ty bán dẫn phát triển tốt để được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải”.
Lontium Semiconductor Corp vẫn phụ thuộc nhiều vào trợ cấp của chính phủ Trung Quốc, gây ra rủi ro cho sự bền vững của công ty. Trong năm 2019 và 2020, Lontium Semiconductor Corp nhận được lần lượt 17,9 triệu nhân dân tệ và 25,2 triệu nhân dân tệ, chiếm 50% và 67,8% tổng lợi nhuận của nó hai năm đó.
Nghiêm trọng hơn, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc đã phủ bóng đen lên tương lai của công ty. Nếu Chen Feng buộc phải lựa chọn giữa hộ chiếu và nghề nghiệp của mình, đó có thể là trở ngại lớn cho cả sự phát triển kinh doanh và định giá cổ phiếu Lontium Semiconductor Corp.
Lontium Semiconductor Corp có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề về doanh thu bán hàng sau các hạn chế mới nhất của Mỹ vì nó vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường nước ngoài về cả cung và cầu.
Trong nửa đầu năm 2022, phần lớn thiết bị chế tạo, đóng gói và thử nghiệm đĩa bán dẫn của Lontium Semiconductor Corp được mua từ thị trường nước ngoài, chiếm tới 91% chi phí mua hàng. Trong cùng kỳ, gần một nửa doanh số bán hàng của công ty đến từ các khách hàng bên ngoài Trung Quốc đại lục, chủ yếu ở Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, theo bản cáo bạch.
Zheng Lei, giáo sư trợ giảng tại Viện Tài chính Thâm Quyến của Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), nói: “Hầu hết công ty chip trong nước không có lợi thế về công nghệ hoặc sản phẩm, vì vậy họ có thể khó tự duy trì khi bị nước ngoài bao vây”.
“Nếu mâu thuẫn thương mại toàn cầu gia tăng và các quốc gia hoặc khu vực liên quan áp dụng các chính sách hạn chế thương mại, khách hàng ở nước ngoài có thể thực hiện các biện pháp như giảm đơn đặt hàng… Các nhà cung cấp ở nước ngoài có thể bị hạn chế hoặc bị cấm cung cấp cho công ty”, Lontium Semiconductor Corp đề cập trong bản cáo bạch.