Công ty bán dẫn Marvell Technology (Mỹ) sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển của mình tại Trung Quốc, khoảng 5 tháng sau khi bắt đầu cắt giảm việc làm để thu hẹp quy mô hoạt động tại thị trường chip lớn nhất thế giới.

Hãng chip Marvell Technology sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc

Sơn Vân | 22/03/2023, 18:15

Công ty bán dẫn Marvell Technology (Mỹ) sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển của mình tại Trung Quốc, khoảng 5 tháng sau khi bắt đầu cắt giảm việc làm để thu hẹp quy mô hoạt động tại thị trường chip lớn nhất thế giới.

Theo trang SCMP, Marvell Technology (có trụ sở tại thành phố Santa Clara, bang California, Mỹ) cho biết đang loại bỏ khoảng 320 việc làm, tương đương 4% lực lượng lao động toàn cầu, để đối phó với những gì công ty mô tả là sự suy thoái của ngành, theo một tuyên bố từ công ty hôm 22.3.

Bà Stacey Keegan, Phó chủ tịch tiếp thị doanh nghiệp của Marvell Technology, nói: “Chúng tôi đang tinh giản tổ chức để đảm bảo rằng lực lượng lao động được định vị để tận dụng các cơ hội hứa hẹn nhất, cả hiện tại và khi chúng tôi thoát khỏi chu kỳ suy thoái của ngành hiện tại”.

Dù Trung Quốc vẫn là một thị trường lớn và quan trọng với Marvell Technology, Stacey Keegan cho biết công ty đã quyết định “tập trung các nguồn lực tại Trung Quốc vào các đội làm việc với khách hàng để hỗ trợ tốt nhất cho người địa phương và các cơ hội kinh doanh tại đây”. Tuy nhiên, bà nói thêm rằng động thái này “dẫn đến việc loại bỏ một số vai trò nghiên cứu và phát triển (R&D)”.

Hầu hết các lần Marvell Technology cắt giảm nhân sự mới nhất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ hoạt động nghiên cứu và phát triển của công ty ở Trung Quốc. Trong khi chỉ khoảng 5% vị trí nghiên cứu và phát triển của Marvell Technology ở Mỹ bị sa thải, theo Ijiwei - cổng thông tin công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, trích dẫn các nguồn quen thuộc với vấn đề này.

Marvell Technology dự kiến sẽ ngay lập tức thông báo cho các nhân viên Trung Quốc bị ảnh hưởng của mình và đưa ra gói trợ cấp thôi việc tương tự như trong đợt sa thải vào tháng 10.2022, Ijiwei cho biết.

Nhiều bộ phận tại các văn phòng của Marvell Technology ở thành phố Thượng Hải và Thành Đô (thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên phía tây nam Trung Quốc), đã bị thu hẹp hoặc cắt giảm hoàn toàn vào tháng 10.2022.

Trước khi sa thải, Marvell Technology có gần 1.000 nhân viên tại Trung Quốc vào thời kỳ đỉnh cao. Khoảng 800 nhân viên trong số này làm việc tại Thượng Hải, nơi có đội ngũ nghiên cứu và phát triển lớn thứ ba của công ty sau các hoạt động ở Mỹ và Israel.

Đợt cắt giảm việc làm mới nhất của Marvell Technology phản ánh áp lực gia tăng với các công ty bán dẫn lớn trên thế giới do sự mất cân đối lớn giữa cung và cầu trên thị trường toàn cầu, khi tồn kho chip đã tăng lên mức kỷ lục.

ARM China, liên doanh ở Trung Quốc của hãng viễn thông SoftBank Group Corp (chủ sở hữu ARM, công ty thiết chip nổi tiếng của Anh), tháng trước đã sa thải hơn 100 người ở ba bộ phận, sau năm 2022 khó khăn với lợi nhuận giảm đến 96%.

Vào tháng 12.2022, Micron Technology (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Mỹ) thông báo rằng sẽ sa thải 10% lực lượng lao động sau khi báo cáo thu nhập thấp hơn dự kiến trong quý tài chính đầu tiên của năm 2023. Micron Technology đã đóng cửa hoạt động thiết kế DRAM tại Thượng Hải vào cuối năm 2022, với khoảng 150 kỹ sư Trung Quốc được yêu cầu chuyển đến Mỹ hoặc Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington.

Marvell Technology thiết kế chip tiên tiến cho điện toán đám mây, ô tô, truyền thông di động 5G và ứng dụng mạng doanh nghiệp. 

Hồi đầu tháng 3, Marvell Technology đã báo cáo doanh thu kỷ lục 5,92 tỉ USD cho năm tài chính kết thúc vào ngày 28.1, tăng 33% so với một năm trước, nhờ vào sự tăng trưởng từ các mảng kinh doanh nêu trên. Công ty cũng đã công bố khoản lỗ ròng 164 triệu USD trong năm tài chính vừa qua.

marvell-technology-sa-thai-toan-bo-doi-nghien-cuu-va-phat-trien-o-trung-quoc.jpg
Dù Trung Quốc vẫn là thị trường lớn và quan trọng, Marvell Technology cho biết đợt cắt giảm việc làm mới nhất sẽ loại bỏ các vai trò nghiên cứu và phát triển của họ ở quốc gia này - Ảnh: Shutterstock

Thời gian qua, một số hãng chip Trung Quốc cũng cắt giảm lực lượng lao động sau khi hứng chịu lệnh trừng phạt từ Mỹ, gồm cả YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 nước này).

Cuối tháng 1, trang SCMP đưa tin YMTC sa thải tới 10% lực lượng lao động sau chưa đầy hai tháng bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ. Những nhân viên bị sa thải (chiếm khoảng 10% tổng số) được xác định làm việc kém hiệu quả trong đánh giá hiệu suất năm 2022. Số lượng nhân viên mất việc lên tới vài trăm vì YMTC sử dụng gần 6.000 người, theo cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp Qichacha.

Rắc rối xảy ra khi YMTC đang gặp khó khăn trong bối cảnh Mỹ hạn chế nghiêm ngặt việc xuất khẩu công nghệ bán dẫn hàng đầu sang Trung Quốc và sau khi bị thêm vào danh sách đen thương mại vào tháng 12.2022.

Cục Công nghiệp và An ninh thuộc Bộ Thương mại Mỹ đã đưa YMTC cùng với 35 thực thể Trung Quốc khác vào danh sách đen hạn chế mua sắm các sản phẩm và dịch vụ Mỹ mà không có sự chấp thuận của chính quyền ông Biden.

Mỹ cáo buộc rằng YMTC cung cấp sản phẩm cho các công ty đã nằm dưới sự kiểm soát xuất khẩu của họ, bao gồm hãng viễn thông Huawei và nhà sản xuất camera giám sát Hangzhou Hikvision Digital Technology Co. Theo trang SCMP, YMTC thậm chí có thể hoãn việc xây dựng nhà máy bán dẫn thứ hai ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) do chuỗi cung ứng mua sắm của họ bị gián đoạn.

Các nhà phân tích trong ngành cho biết YMTC sẽ rất khó tiếp tục phát triển công nghệ 3D NAND flash mới nhất của mình, được gọi là Xtacking 3.0, vì bị từ chối tiếp cận thiết bị sản xuất chất bán dẫn tiên tiến.

Kiến trúc Xtacking 3.0 đại diện cho phiên bản mới nhất của cấu trúc Xtacking do YMTC tự phát triển, sẽ cung cấp năng lượng cho chip 3D NAND thế hệ thứ 4 của công ty Trung Quốc. Xtacking 1.0 lần đầu tiên được công bố vào năm 2018, nhưng đã được thay thế bằng phiên bản 2.0 vào tháng 9.2019.

YMTC đã giới thiệu chip 3D NAND đầu tiên của mình, X3-9070 dựa trên kiến trúc Xtacking 3.0, vào tháng 8.2022. Theo một tuyên bố của YMTC, kiến trúc 3.0 đã cải thiện hiệu suất lên 50% so với các phiên bản trước đó, tăng mật độ lưu trữ lên 1 BT/s (tỉ lần trên giây) trong khi giảm 25% mức tiêu thụ điện năng.

Ba tháng sau, TechInsights, nhà cung cấp chất bán dẫn và vi điện tử thông minh của Canada, đã tìm thấy chip 3D NAND 232 lớp do YMTC sản xuất có tính năng Xtacking 3.0 trong ổ cứng thể rắn Hikvision, chip mà TechInsights kết luận là đi trước các nhà sản xuất bộ nhớ hàng đầu trong ngành như Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology.

YMTC là công ty tư nhân nên không có nghĩa vụ tiết lộ kết quả tài chính và hoạt động, nhưng đang bị theo dõi chặt chẽ như một ví dụ về cách Trung Quốc có thể kiểm tra các giới hạn của đổi mới trong nước dưới các hạn chế từ Mỹ.

Vào giữa tháng 10.2022, một tuần sau khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ được áp dụng, YMTC vẫn đang tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, cung cấp các gói lương hậu hĩnh, bao gồm ít nhất 15 ngày nghỉ phép hàng năm và quyền mua nhà mới trong một khu dân cư cụ thể ở Vũ Hán bằng giá thấp hơn 40% so với giá trị thị trường.

Bài liên quan
Trung Quốc đặt hy vọng vào SMIC, Huawei, Hua Hong, Naura, AMEC để vực dậy ngành chip
Dưới áp lực của Mỹ, Trung Quốc đang thay đổi chiến lược và dựa vào một nhóm công ty được chọn lọc để định hình ngành chip trong nước.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hãng chip Marvell Technology sa thải toàn bộ đội nghiên cứu và phát triển ở Trung Quốc