Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án này đã tạo ra các hệ lụy hiện hữu về sự gia tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư, tạo áp lực quá tải lên hạ tầng đô thị, thiếu hụt nghiêm trọng các công trình tiện ích xã hội…

Hancorp tự ý điều chỉnh quy hoạch, cư dân kiến nghị lên Thủ tướng

Trí Lâm | 10/12/2017, 13:44

Cư dân Khu đô thị Ngoại giao đoàn cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án này đã tạo ra các hệ lụy hiện hữu về sự gia tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư, tạo áp lực quá tải lên hạ tầng đô thị, thiếu hụt nghiêm trọng các công trình tiện ích xã hội…

Theo đơn thư,Khu đô thị Ngoại giao đoàn (chủ đầu tư là Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - CTCP (Hancorp)) nằm phíatây hồ Tây, có quy mô 62,8ha, được UBND TP.Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 (Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22.1.2010) bao gồm văn phòng đại sứ quán các nước, nhà công vụ và khoảng 23 tòa nhà cao tầng là nơi sinh sống của 9.700 cư dân.

Tuy nhiên, ngày 22.5.2017, UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2905/QĐ-QHKT điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết Khu đô thị Ngoại giao đoàn. Trong đó, toàn bộ các lô đất dành cho chức năng công cộng như bể bơi, sân thể thao và quan trọng nhất là các trường học được chuyển đổi thành chung cư cao tầng.

Cụ thể, lô CC3-4 tăng số tầng từ 5 tầng lên 15 tầng nổi + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 20,5% lên 35%. Lô CC5 tăng từ 7 tầng lên 27 tầng + 3 tầng hầm, mật độ xây dựng tăng từ 30 lên 41%, dân số tăng thêm 1.505 người. Lô ĐMKT1 chuyển từ đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây Bệnh viện Ung bướu 12 tầng + 2 tầng hầm, mật độ xây dựng 40%.

Đáng nói, việc điều chỉnh quy hoạch này đã được thực hiện mà không có sự tham vấn ý kiến của các cư dân sinh sống tại dự án Ngoại giao đoàn như quy định của Luật Xây dựng.

Theo các cư dân, ngay khu đất tiếp giáp với dự án Ngoại giao đoàn còn có một số tòa chung cư có quy mô lớn, như: tổ hợp chung cư 789-Thành An gồm 2 tòa 27 tầng, với khoảng 800 căn hộ, quy mô dân số 2.400 người; tổ hợp dự án Kosmo gồm 3 tòa chung cư có chiều cao từ 21-35 tầng với khoảng 648 căn hộ, quy mô dân số 2.000 người.Điều này làm cho dự án Ngoại giao đoàn có mật độ tăng cao so với Quy hoạch, gây ảnh hưởng đến các văn phòng đại sứ quán và cộng đồng cư dân.

“Quy mô dân số hiện nay đã tăng từ 9.700 cư dân (theo Quyết định số 368/QĐ-UBND) lên hơn 20.000 cư dân (theo Quyết định 2905/QĐ-QHKT), chưa kể 4.400 người của 2 dự án tiếp giáp dẫn tới mật độ bình quân đầu người khoảng 34.000 người/km2. Đây là một con số đáng báo động và vi phạm Quy chuẩn Xây dựng Việt Nam về Quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXD”, cư dân cho biết.

Bên cạnh đó, 2 tháng trước khi Quyết định số 2905/QĐ-QHKT về việc điều chỉnh quy hoạch được duyệt, Bệnh viện Ung bướu đã tổ chức lễ khởi công trên khu đất vốn được quy hoạch là đầu mối kỹ thuật. Điều này tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn, vệ sinh cho chính bệnh viện cũng như nguồn nước sau xử lý của toàn khu, gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo giữa bệnh viện, nguồn nước ngầm của toàn thành phố, hệ thống hồ điều hòa của dự án Ngoại giao đoàn.

“Việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án Ngoại giao đoàn đã tạo ra các hệ lụy hiện hữu về sự gia tăng mật độ xây dựng, mật độ dân cư, tạo áp lực quá tải lên hạ tầng đô thị, thiếu hụt nghiêm trọng các công trình tiện ích xã hội như nhà trẻ, trường học, khu vui chơi giải trí, khó đáp ứng điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội cho toàn khu dự án và sự phát triển lâu dài của người dân”, đơn thư viết.

Cũng theo cư dân Ngoại giao đoàn, hợp đồng mua bán căn hộ với các điều khoản, giá trị mua bán mà các chủ sở hữu ký kết với các chủ đầu tư hiện tại đều được căn cứ theo Quyết định 368/QĐ-UBND ngày 22.1.2010 của UBND TP.Hà Nội về việc điều chỉnh Quy hoạch chi tiết 1/500.

Nay Hancorp đơn phương điều chỉnh quy hoạch mà không tham khảo ý kiến của cư dân/chủ sở hữu, đại sứ quán các nước, văn phòng của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu ở cho người nước ngoài nằm trong dự án là có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và sẽ kéo theo các nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện giữa các chủ thể tham gia ký kết hợp đồng.

Cùng với việc các chủ đầu tư thứ cấp đã bàn giao nhà, cư dân đã đến sinh sống nhưng đến nay chưa được kết nối các tuyến đường chính, hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm vốn cũng đã gây bức xúc trong cộng đồng cư dân, tiềm ẩn gây mất niềm tin vào chính quyền địa phương và gây bất ổn xã hội.

Do vậy, cư dân Ngoại giao đoàn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giữ nguyên quy hoạch kèm theo Quyết định số 368/QĐ-UBND ngày 22.1.2010, không tiến hành điều chỉnh khi không có ý kiến của cộng đồng cư dân.

Đồng thời, yêu cầu Hancorp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho cư dân Ngoại giao đoàn, bao gồm việc hoàn tất hệ thống đường kết nối giao thông ra Xuân La và Võ Chí Công, xây dựng đồng bộ trường học, công viên, cảnh quan, cây xanh theo đúng quy hoạch, thời gian đã được duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-UBND nêu trên; tôn trọng các hợp đồng đã ký với các chủ đầu tư thứ cấp, người mua nhà trong việc đảm bảo cơ sở hạ tầng, quy hoạch được duyệt.

Ngày 4.12.2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 12946 gửi UBND TP.Hà Nội, đề nghị thành phố kiểm tra, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo kết quả giải quyết cho Văn phòng Chính phủ.

Hoài Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hancorp tự ý điều chỉnh quy hoạch, cư dân kiến nghị lên Thủ tướng