Tờ The New York Times đánh giá Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang rất mong muốn người đồng cấp Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đạt đồng thuận về cách thức phi hạt nhân hóa khi gặp lại nhau tại Việt Nam.

Hàn Quốc kỳ vọng ở thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai

24/02/2019, 06:55

Tờ The New York Times đánh giá Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang rất mong muốn người đồng cấp Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đạt đồng thuận về cách thức phi hạt nhân hóa khi gặp lại nhau tại Việt Nam.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in - Ảnh: Yonhap News

Trong lúc chưa thể giải quyết những vấn đề kinh tế dai dẳng của đất nước, cơ hội tốt nhất để Tổng thống Moon cứu vãn tỷ lệ tín nhiệm chính là thực thi chính sách thúc đẩy giải trừ hạt nhân Bình Nhưỡng cũng như cải thiện quan hệ liên Triều.

Nhưng mọi chuyện lại phụ thuộc vào thỏa thuận giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ- Triều sau hai ngày 27- 28.2 tới – yếu tố đủ quan trọng để Washington lẫn Liên Hợp Quốc quyết định nới lỏng trừng phạt, tạo điều kiện cho ông Moon triển khai kế hoạch hợp tác kinh tế cùng quốc gia láng giềng.

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2017, Tổng thống Moon đã tận tâm đóng vai trò trung gian giữa Wasington và Bình Nhưỡng. Ông đặt cược vào khả năng Tổng thống Trump- nhà lãnh đạo Kim đạt thỏa thuận phi hạt nhân hóa lớn đến nỗi ngày càng gắn chặt vận mạng chính trị bản thân với hai nhân vật này.

Tổng thống Moon vào mùa xuân năm ngoái có tỷ lệ tín nhiệm cao hơn 80%, sau hai lần hội kiến nhà lãnh đạo Kim nhằm giúp xoa dịu nguy cơ đối đầu quân sự Mỹ- Triều. Hoạt động này tạo tiền đề cho hội nghị thượng đỉnh lịch sử tại Singapore – sự kiện đem lại cam kết cùng làm việc hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn cũng như xây dựng nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.

Lúc các cuộc đàm phán cụ thể hóa cam kết trên giữa Washington với Bình Nhưỡng rơi vào tình trạng đình trệ thì tỷ lệ tín nhiệm dành cho Tổng thống Moon giảm xuống dưới 50%, buộc ông gặp nhà lãnh đạo Kim lần nữa vào tháng 9 hòng phá vỡ thế bế tắc.

Hai nhà lãnh đạo Hàn- Triều gặp nhau tháng 9.2018 - Ảnh: The New York Times

Tuy nhiên bế tắc vẫn tồn tại, làm dấy lên nghi vấn Tổng thống Hàn Quốc đánh giá không đúng về láng giềng.

Chuyện nội bộ chống lại Tổng thống Moon. Đảng Dân chủ cầm quyền mất ủng hộ do nhiều thành viên dính bê bối trong đó có quấy rối tình dục, tình trạng việc làm ảm đạm khiến nhóm người dân ở độ tuổi 20 không còn tin tưởng chính quyền, trong khi đối tượng lớn tuổi bảo thủ hơn phản đối chính sách kinh tế lẫn nỗ lực cải thiện quan hệ liên Triều.

Ông vẫn tin rằng người đồng cấp Trump rất muốn kết thúc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên – thành tựu mà nhiều nhân vật tiền nhiệm không đạt được, và nhà lãnh đạo Kim khao khát phát triển kinh tế đất nước. Tổng thống Moon tháng trước kêu gọi: “Chưa hề có một cơ hội như thế này kể khi đạt hiệp định đình chiến năm 1953, chúng ta không nên bỏ lỡ vì nó sẽ không trở lại”.

Giới quan sát nhận định thế khó khăn hiện tại bắt nguồn từ việc hai ông Trump- Kim không làm rõ các chi tiết quan trọng, đặc biệt là định nghĩa “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”. Bình Nhưỡng trong quá khứ từng sử dụng thuật ngữ này khi lập luận rằng họ chỉ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Washington dừng mọi hoạt động khiêu khích, bao gồm cả đóng quân trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Tổng thống Moon từng khẳng định Mỹ - Triều thống nhất về định nghĩa nêu trên, đó chính là Bình Nhưỡng phá hủy mọi vũ khí hạt nhân, cơ sở sản xuất vật liệu hạt nhân lẫn sản phẩm.

Hội nghị thượng đỉnh còn chưa đầy một tuần nữa sẽ diễn ra, một số quan chức Hàn Quốc tiết lộ các bên vẫn đang nỗ lực giải quyết phần khó nhất trong đàm phán: cần thực hiện hành động cụ thể gì hướng đến giải trừ hạt nhân. Điều này khiến cho lần gặp gỡ tại Hà Nội giữa hai ông Trump- Kim là “canh bạc” với Tổng thống Moon.

Không giống nhà lãnh đạo Triều Tiên vừa đàm phán cùng Mỹ vừa cải thiện với Trung Quốc, ông Moon dồn mọi nguồn lực vào người đồng cấp Trump. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kim Sung-han đánh giá: “Hiện hai Tổng thống Mỹ- Hàn đều ngồi trên một con thuyền”.

Cẩm Bình (theo The New York Times)

Bài liên quan
Toan tính của Mỹ khi điều ‘pháo đài bay’ B-52 gần biên giới Nga
Việc Mỹ triển khai máy bay ném bom chiến lược B-52 Stratofortress gần biên giới Nga đã gây chú ý đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa NATO và Moscow.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc kỳ vọng ở thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai