Không còn tin yêu nhau, các cặp vợ chồng Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối (polygraph) để "kiểm định" nguy cơ bạn đời ngoại tình.

Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối để “kiểm định” ngoại tình

Một Thế Giới | 10/02/2016, 12:00

Không còn tin yêu nhau, các cặp vợ chồng Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối (polygraph) để "kiểm định" nguy cơ bạn đời ngoại tình.

Thiết bị này thường chỉ sử dụng trong việc điều tra hình sự hoặc thẩm tra kẻ bị nghi ngờ là điệp viên, tuy nhiên chưa chắc đảm bảo kết quả nếu người trải qua polygraph có thần kinh vững vàng. Thiết bị này chỉ đo được nhịp tim, huyết áp cùng sự kích động của da, khi người được kiểm tra trả lời các câu hỏi được đặt ra. Nhưng nay dân Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối để “đo” sự chung thủy của vợ (hoặc chồng).

Ông chồng "vô tội", sau khi bị vợ nghi "ăn phở"

Theo báo JoongAng Ilbo, giám đốc của một công ty cỡ vừa (56 tuổi, xin giấu tên) đang "lục đục" với vợ. Người vợ nghi ngờ chồng “ăn phở” nên liên tục “chất vấn” ông. Chẳng có cách nào chứng minh, ông lên internet tìm cách và biết được Trung tâm khoa học pháp y quốc tế ở quận Seocho (nam Seoul, gọi tắt là Trung tâm của Choi) có khả năng phân tích dấu vân tay của khách hàng cùng máy phát hiện nói dối.

Vị giám đốc này đã trải qua biện pháp polygraph và có vợ “giám sát”.  Người thực hiện là Choi Hyo-taek, đã có 30 năm làm việc cho Phòng pháp y quốc gia (NFS), chuyên thực hiện polygraph cho cảnh sát và các cuộc điều tra công khác. Cuộc kiểm tra này tốn từ 600.000 won (525,23 USD) đến 1,5 triệu won (1.313 USD). Cuộc kiểm tra đã kéo dài 3 giờ và cho kết quả là ông giám đốc không hề “ăn phở” với bồ già, đào nhí nào.

Ông này tâm sự: “Sự ghen tuông của vợ tôi nặng đến độ cô ấy được chẩn đoán bị suy nhược thần kinh, nhưng cô ấy ngưng tra tấn tôi từ khi máy phát hiện nói dối kết luận tôi vô tội”.

Trên lý thuyết, người bị kiểm tra bằng máy này sẽ căng thẳng, do muốn che giấu hoặc nói láo để làm “nhiễu thông tin” và sự căng thẳng này được thể hiện rõ qua nét mặt, cử động…

Các câu hỏi luôn ở dạng trung tính (ví dụ hỏi tên, địa chỉ, tuổi) nhằm lấy được câu trả lời không bị căng thẳng tâm lý.

Các câu hỏi như: “Ông có dối vợ hay không?” được lặp đi lặp lại nhằm tìm xem người bị hỏi có phản ứng, biểu hiện stress nào hay không.  Người hỏi sẽ kết luận đương sự có nói dối hay không dựa vào câu trả lời trước các câu hỏi lập đi lập lại càng lúc càng mạnh hơn.

Chuyên gia Choi nói: “Độ tin cậy tùy thuộc người kiểm tra hỏi các câu hỏi liên quan và so sánh chúng một cách chính xác”.

Kết luận của máy phát hiện nói dối chỉ là "chắp vá"

Vấn đề là việc sử dụng máy phát hiện nói dối ở các cơ quan bảo vệ pháp luật Hàn ngày càng tăng. Số người chịu biện pháp này trong các cuộc điều tra của cảnh sát đã tăng lên 5.794 ca hồi năm ngoái, so với 3.747 ca năm 2008, theo Cảnh sát quốc gia Hàn.

Trung tâm của Choi đi vào hoạt động từ năm 2011, đến nay đã thực hiện 110 ca. Dịch vụ này có 5 nhân viên gồm 3 người “có nghề” xuất thân từ NFS. Trong số khách hàng của họ có 43% là các cặp vợ chồng muốn biết người bạn đời có ngoại tình với ai hay không. Khoảng 80% các cặp vợ chồng được polygraph “minh oan”.
Nhóm thứ hai là 29% những người liên quan các vụ án dân sự muốn chứng minh họ đúng. Kết quả của một cuộc trải nghiệm polygraph hiếm khi được tòa án xem đó là chứng cứ, nhưng chúng có thể là chứng cứ phụ khi cả hai bên đều đồng ý. Đôi lúc, chúng tác động đến sự phán quyết của tòa án.
Nhóm thứ ba (19%) là những nhân viên các công ty muốn “thanh danh” trước các cáo buộc sai như “do thám để tranh đua”, theo Trung tâm của Choi.
Không như ở Mỹ, rất hiếm các công ty Hàn sử dụng polygraph để kỷ luật hoặc tuyển dụng một nhân viên. Nhưng các xét nghiệm polygraph đáng tin cậy đến đâu? NFS nói nó đạt 97% độ chính xác và cũng có những phản biện, nghi ngờ, đặc biệt từ phương Tây. Tại Mỹ, nhiều bang cho phép chứng cứ từ máy phát hiện nói dối có thể áp dụng tại tòa, nhưng các bang khác lại không.

Năm 1998, trong vụ “Tòa án tối cao liên bang chống lại Scheffer, ý kiến chung là “Đơn giản không thể nhất trí chứng cứ polygraph là đáng tin cậy”. Viện Hàn lâm khoa học Mỹ năm 2003 cũng gợi ý rằng đa số các nghiên cứu polygraph “không đáng tin cậy, phi khoa học và có tính thiên vị”.

Bên cạnh đó, trừ khi người điều tra có đầy đủ thông tin về vụ phạm pháp để có thể soạn câu hỏi cẩn thận, thì nguy cơ họ có những kết luận vội vàng, dựa trên một, hai câu trả lời “cài bẫy” là rất cao.

Dù đã có những chỉ trích rằng chứng cứ từ máy phát hiện nói dối là “chắp vá”, công nghệ này vẫn tiến hóa để cung cấp các loại máy hiện đại hơn gồm thiết bị phát hiện cú chớp mắt, máy quét não... nên người ta vẫn cho rằng chúng có ích và duy trì các cuộc tranh cãi để chúng vẫn được sử dụng…

“Hãy cứ là tình nhân”…

Luật pháp Hàn cũng rất nghiêm trong vu cáo hiếp dâm. Hồi tháng 6.2013, cô Yoon (31 tuổi) bị tuyên án 10 tháng tù, do vu cáo ông Kim hiếp dâm cô. Yoon làm “tiếp viên” ở một quán bar, quen Kim hồi tháng 9.2012. Họ thường gặp nhau sau giờ làm của cô.

Một ngày nọ, khi nằm bên nhau trên giường, Yoon hỏi Kim có tính cưới cô làm vợ hay không. Trái với mong ước của cô, Kim đáp: “Anh chỉ muốn là tình nhân, không thích là vợ chồng”.

Buồn vì người tình không xem trọng mối quan hệ, Yoon lập tức tố Kim ở đồn cảnh sát tại Seoul rằng cô bị Kim hiếp hai lần. Kim cũng tố Yoon với cảnh sát là khai man, nhấn mạnh mối quan hệ xác thịt của họ là “tình cho không biếu không”.

Yoon hủy đơn kiện chống Kim sau vụ bị phản công này nhưng Kim tiếp tục kiện. Tòa án tuyên Yoon “báo cáo láo” với cảnh sát do các lời khai bị hiếp của cô không khớp nhau.

Tòa tuyên: “Người bị buộc tội hiếp dâm thường bị căng thẳng về tâm - sinh lý cho đến khi xử xong án, nhất là từ khi các cấp tòa quốc gia nhấn mạnh tăng cường trừng phạt tội phạm tình dục do tội phạm này xảy ra trong thời gian gần đây. Rõ ràng Yoon đã làm Kim căng thẳng và gây rối cho công tác bảo vệ trị an”. Kim cho biết: “Đời tôi bị tan nát vì Yoon. Tôi đang phải chịu trị liệu tâm lý, tôi trở nên sợ mọi người và không còn có thể tập trung làm việc”.

Gần đây, một nữ sinh viên bị kết án 1 năm tù vì cùng tội danh. Cô cặp với một người đàn ông nhưng khi ông không trả lời điện thoại của cô, cô vu cáo với cảnh sát rằng bị ông hiếp.

Theo luật, người bị tội vu khống phải chịu án từ 6 tháng đến 2 năm tù, nhưng nhiều tòa giảm nhẹ, chỉ xử quản thúc tại gia hoặc bắt người phạm tội này nộp tiền phạt. Nhưng người vu cáo các vụ tội phạm tình dục thì tòa ban án nặng hơn từ năm 2012. Theo Tòa án tối cao Hàn, tổng cộng 111 quý bà, quý cô bị buộc tội vu cáo về tội phạm tình dục từ đầu năm 2012 đến tháng 6.2013. Trong đó, 65 người bị quản thúc tại gia, 25 người bị tuyên án tù, 20 người phải nộp tiền phạt và 1 người bị tuyên án tù treo.

Tội “hiếp vợ có vũ trang”

Hồi năm 2013, Tòa án tối cao Hàn bảo lưu một phán quyết một người đàn ông có 3 tội hiếp dâm vợ, bằng cách dùng dao đe dọa vợ để thỏa mãn sinh lý. Tòa án tối cao cũng giữ nguyên phán quyết của cấp tòa phúc thẩm là người chồng họ Kang 46 tuổi phải bị ở tù 3 năm 6 tháng vì tội hiếp dâm vợ. Thông tin cá nhân của ông ta cũng được công bố trong 7 năm và ông ta phải đeo vòng điện tử ở chân trong 10 năm sau khi mãn án tù.

Phán quyết này là vụ cưỡng hiếp trong hôn nhân đầu tiên (buộc tội chồng hiếp dâm vợ) ở Hàn, khi thủ phạm và nạn nhân vẫn là vợ chồng. Tòa án tối cao tuyên bản án có ý nghĩa vì tập trung vào quyền tự chủ của người vợ và phản ánh sự thay đổi những quan niệm về hôn nhân và tình dục.

Theo cáo trạng, Kang cưới vợ năm 2001 và có 2 đứa con. Năm 2011, ông ta dùng dao làm bếp dọa vợ rồi cưỡng dâm vợ sau một cuộc cãi nhau. Sau lần đó, Kang còn “hiếp có vũ trang” hai lần nữa và người vợ kiện chồng ra tòa hồi cuối năm 2011.

Kang bị điều tra và bị bắt giam vào tháng 11 năm đó. Ở tòa sơ thẩm, ông ta bị kết tội hiếp dâm vợ và phải ở tù 6 năm. Trong đơn kháng án đầu tiên, Kang vẫn bị tuyên có tội nhưng tòa phúc thẩm Seoul giảm án còn 3 năm 6 tháng tù.

Kang kháng án lên Tòa án tối cao, rằng một người vợ không thể bị chồng hiếp, theo luật hình sự Hàn. Nhận thấy vụ kiện này có tính chất nhạy cảm, Tòa án tối cao quyết định lắng nghe ý kiến của Kang và vợ.

Phán quyết của Tòa án tối cao cũng lập tiền lệ rằng một người vợ phải được tính đến trong định nghĩa “một phụ nữ” trong một vụ hiếp dâm. Điều khoản 297 của luật hình sự Hàn có ghi: “Một người dùng bạo lực để dọa nạt, giao cấu với một phụ nữ phải bị bỏ tù một thời gian không quá 3 năm”.

Các nước phương Tây gồm Mỹ, Anh, Đức và Pháp từ hàng chục năm nay công nhận những vụ hiếp dâm vợ là tội hình sự đáng bị trừng phạt. Nhưng Hàn Quốc xem chuyện hiếp dâm vợ là một “trường hợp ngoại lệ”, cho đến khi có tiền lệ trên.

Từng có hai vụ kiện vợ tố cáo bị chồng hiếp dâm trình Tòa án tối cao Hàn, nhưng cấp tòa này xử trắng án đối với nghi can trong vụ đầu tiên năm 1970 với lý do “trường hợp ngoại lệ”. Vụ thứ hai là vào năm 2009, người chồng bị buộc tội nhưng vì cặp này đã đồng ý ly dị nên tòa không xem đó là vụ cưỡng dâm trong hôn nhân.

LHQ năm 2006 nêu rõ cưỡng hiếp trong hôn nhân là tội đáng bị truy tố tại 104 quốc gia.

Bích Ngọc

Bài liên quan
Chủ tịch nước Lương Cường hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol
Nhân dịp dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2024 tại Lima (Peru), ngày 16.11 (giờ địa phương), Chủ tịch nước Lương Cường đã hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàn Quốc dùng máy phát hiện nói dối để “kiểm định” ngoại tình