CNN dẫn lời giới chức Israel cho biết, đợt tập kích mà Hamas thực hiện ngày 7.10 làm dấy lên làn sóng tháo chạy của lao động nước ngoài – lực lượng lao động rất quan trọng của ngành nông nghiệp nước này.

Hamas khiến lao động nông nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Israel

Cẩm Bình | 27/11/2023, 14:05

CNN dẫn lời giới chức Israel cho biết, đợt tập kích mà Hamas thực hiện ngày 7.10 làm dấy lên làn sóng tháo chạy của lao động nước ngoài – lực lượng lao động rất quan trọng của ngành nông nghiệp nước này.

Vào buổi sáng định mệnh ngày 7.10, chiến binh Hamas tập kích vùng đất tái định cư Alumim. Hầu hết nạn nhân không phải người Israel, thậm chí không phải người Do Thái mà là lao động Thái Lan và Nepal làm việc cho nông trại. Ký túc xá nơi họ ở nằm ngay trên tuyến đường Hamas tiến vào.

Trong số hơn 1.200 nạn nhân của các cuộc tập kích miền Nam Israel mà Hamas thực hiện ngày 7.10, lao động Thái Lan là nhóm công dân nước ngoài đông nhất. Đa số họ là lao động nông nghiệp làm việc gần khu vực biên giới giáp Dải Gaza. Trong 3 ngày gần đây, hơn 10 người đã được thả nhưng vẫn còn rất nhiều người bị giam giữ.

Theo giới chức Israel, đợt tập kích đầu tháng trước làm dấy lên làn sóng tháo chạy khỏi Israel của lao động nước ngoài. Ước tính khoảng 10.000 lao động nông nghiệp đã rời đi.

Trang trại bò sữa cùng nông trại đang đứng trước nguy cơ tê liệt. Bò cần được vắt sữa nhiều lần trong ngày bởi đội ngũ lao động được đào tạo đặc biệt. Tuần qua cũng là thời điểm thu hoạch của nhiều loại cây trồng. Động vật lẫn cây trồng sẽ bị bỏ mặc đến chết khi không có lao động. Tình nguyện viên từ khắp Israel tích cực hỗ trợ nhưng lao động nước ngoài vẫn chưa quay lại. Nông dân lo ngại nếu an ninh không được đảm bảo thì tương lai ngành nông nghiệp quốc gia - đặc biệt ở khu vực giáp Dải Gaza - sẽ vô cùng ảm đạm.

hamas00.jpg
Nhiều nông trại ở miền Nam Israel rơi vào cảnh thiếu hụt lao động - Ảnh: CNN

Lao động nước ngoài sợ hãi và không muốn quay lại

Nattaphong Duangchan, một lao động từ Israel trở về Thái Lan chia sẻ: “Tôi vẫn còn sợ hãi. Chẳng còn gì ở đó cả. Tôi quá sợ để quay lại nơi đấy”. Nattaphong đã bị thương do mảnh đạn nên trốn trong nông trại mình làm việc suốt 2 ngày cho đến khi được lực lượng an ninh Israel đến giải cứu.

Lao động Thái Lan rất cần thiết với Israel. Nhà nhân chủng học Matan Kaminer cho biết: “Đại đa số người làm việc nặng với mức lương thấp tại các nông trại Israel từ thập niên 1990 đến nay là công dân Thái”.

Các nông trại Israel dựa vào lao động Palestine cho đến thập niên 1990. Nhưng sau phong trào nổi dậy đầu tiên của người Palestine cùng đợt đàn áp quyền tự do làm việc của họ bên ngoài các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng mà Israel thực hiện khiến giới chủ nông trại tìm kiếm lao động từ nơi khác.

Ngày nay, vùng Đông Bắc Thái Lan nghèo khó là nơi cung cấp lao động giá rẻ cho Israel. Lao động Thái phải chịu nhiều quy định nghiêm ngặt, làm công việc tay chân với hợp đồng ngắn hạn và không được phép đưa gia đình sang.

Bộ Nội vụ Israel thống kê, trước lúc xung đột bùng nổ, các nông trại Israel tuyển dụng khoảng 6.000 lao động Thái.

Bộ Nông nghiệp Israel cho biết, các nông trại hiện thiếu khoảng 30.000 - 40.000 lao động, một nửa trong số này là cư dân Palestine ở Bờ Tây bị cấm vào Israel. Do chưa có dấu hiệu lao động Thái sẽ sớm trở lại nên giới chức Israel đang tìm cách tuyển khoảng 5.000 lao động từ quốc gia khác như Sri Lanka.

hamas01.jpg
Bò trong một trang trại không được vắt sữa nhiều lần như trước - Ảnh: CNN

Tầm quan trọng của ngành nông nghiệp ở Israel 

Bộ trưởng Nông nghiệp Israel Avi Dichter nhận định Hamas cố tình nhắm đến nền kinh tế nước này bằng đợt tập kích 7.10.

Nhưng tầm quan trọng của ngành nông nghiệp của nước này không chỉ ở lĩnh vực kinh tế. Theo người điều hành Hiệp hội Các nhà sản xuất sữa Israel Lior Simcha: “Nông nghiệp cùng trồng trọt là thành phần không thể tách rời khỏi chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Khai thác đất đai là giá trị quan trọng đối với người dân Israel”.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế đất nước phát triển, người dân có thể làm công việc lương cao hơn ở nhiều ngành khác nên nông nghiệp rơi vào cảnh thiếu hụt lao động.

Làm nông ở vùng đồng bằng miền Nam Israel dường như trở thành một phần của bản sắc dân tộc. Tinh thần của những người đến vùng tái định cư là niềm tự hào của đất nước. Họ là lượng đóng góp công sức to lớn cho nỗ lực xây dựng ngành nông nghiệp quy mô lớn ở miền Nam nhưng họ cần môi trường an ninh ổn định để tiếp tục công việc.

Tạm thời dựa vào tình nguyện viên

Nông dân trồng rau Yosi Inbar cảm thấy may mắn khi được một số tình nguyện viên giúp đỡ thu hoạch bí và một nửa số lao động Thái của ông ở lại Israel. Trong khi người hàng xóm của ông chỉ còn lại khoảng 1/3 lực lượng lao động.

Mặc dù vậy, tình trạng thiếu lao động vẫn buộc ông Inbar phải từ bỏ vụ mùa cà chua. Nếu không có tình nguyện viên thì bí cũng chịu số phận tương tự, về lâu dài, ông không biết làm cách nào để nông trại hoạt động hết công suất mà không có lao động nước ngoài.

Tình nguyện viên Avi Leibovich, người đến giúp nông dân Inbar,  chia sẻ: “Nếu không có cây trồng thì chợ sẽ vắng. Tôi không nghĩ nông nghiệp có thể chỉ dựa vào nhập khẩu. Đây là rau của chúng tôi, sản phẩm của chúng tôi”.

Tại một trang trại bò sữa trên địa bàn Alumim, nhà kho cháy rụi cùng khu nhà ở hoang tàn là hậu quả của đợt tập kích 7.10. Trước đây trang trại hoàn toàn dựa vào lao động nước ngoài và 350 con bò được vắt sữa 3 lần/ngày.

Hiện tại, chỉ có 4 tình nguyện viên giúp đỡ vắt sữa bò 2 lần/ngày. Quản lý Stevie Marcus cho biết: “Chúng tôi chỉ đang làm những công việc tối thiểu, đảm bảo bò có thức ăn, nước uống và được vắt sữa”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hamas khiến lao động nông nghiệp nước ngoài tháo chạy khỏi Israel