ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng số lượng 32 hàm Trung tướng có chức vụ Cục trưởng và tương đương là nhiều, đề nghị cân nhắc. Cùng với đó, quy định hàm Thiếu tướng không quá 11 người đối với các Giám đốc công an tỉnh thuộc loại 1 như vậy là còn bất cập cho các tỉnh, thành phố khác còn lại.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công an nhân dân (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt trình bày trước Quốc hội chiều 6.11, UBTVQH đề nghị chỉ quy định nguyên tắc, tiêu chí xác định cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng đối với các đơn vị thuộc Bộ; quy định số lượng vị trí của từng cấp bậc hàm cấp tướng và giao UBTVQH quy định cụ thể vị trí có cấp bậc hàm Trung tướng, Thiếu tướng như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Tỉnh loại 1 có trần cấp hàm Thiếu tướng
Về cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an tỉnh, UBTVQH thấy rằng, việc quy định Giám đốc Công an một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng là đúng nhu cầu, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công an cấp tỉnh hiện nay, cũng như phù hợp với chủ trương của Đảng về xây dựng và tổ chức CAND theo hướng “bộ tinh, tỉnh mạnh”.
Theo đó, Dự thảo quy định Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại 1 có cấp hàm cao nhất là Thiếu tướng (trừ Hà Nội và TP.HCM là Trung tướng), song số lượng không quá 11.
Về công nghiệp an ninh, theo UBTVQH, dự thảo luật cần có một số quy định về công nghiệp an ninh nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, về lâu dài đề nghị Quốc hội cho xây dựng luật về công nghiệp quốc phòng, an ninh.
Tuy vậy, để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật, nhất là quy định của Luật Quốc phòng vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5.Theo đó, công nghiệp an ninh phải đặt trong tổng thể công nghiệp quốc phòng, an ninh và là bộ phận của công nghiệp quốc gia.
Liên quan đến hệ thống tổ chức của Công an nhân dân, UBTVQH thấy rằng, Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và pháp luật có liên quan đã quy định về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, nhưng chưa quy định cụ thể vị trí và mô hình tổ chức của đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt.
Do đó, để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, UBTVQH đề nghị chưa quy định các nội dung liên quan đến đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt trong dự thảo luật.
Về vấn đề chính quy Công an xã, thị trấn, chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy là đúng đắn. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, có tính chất thay đổi căn bản so với hệ thống pháp luật hiện hành, liên quan đến toàn bộ hệ thống tổ chức, hoạt động của Công an cấp cơ sở và việc bố trí, sử dụng lực lượng Công an xã bán chuyên trách hiện nay. Vì vậy, cần có lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và đồng bộ.
Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng cho bổ sung Điều 46 (Điều khoản chuyển tiếp),đồng thờibổ sung vào điều khoản sửa đổi để sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật có liên quan như dự thảo Luật tiếp thu, chỉnh lý.
Băn khoăn số lượng tướng nhiều
ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) băn khoăn “Hàm tướng có cần số lượng nhiều như thế hay không?".
“Ở một số quốc gia, Bộ trưởng quốc phòng, công an chỉ là dân sự mà vẫn chỉ đạo, chỉ huy cao nhất trong ngành. Ở nước ta lực lượng vũ trang phải có cấp hàm, điều đó là không bàn cãi nhưng phải tính sao cho hợp lý trong điều kiện nước ta đang ở thời bình, được các nước ca ngợi là ổn định về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội", ông Hoà nói.
Đại biểu này cho rằng hàm Trung tướng có chức vụ Cục trưởng và tương đương với số lượng 32 là nhiều, đề nghị cân nhắc. Cùng với đó, quy định hàm Thiếu tướng không quá 11 đối với Giám đốc công an các tỉnh loại 1 như vậy là còn bất cập với các tỉnh, thành phố khác còn lại.
"Có thành phố đang là loại 2 nhưng tiệm cận loại 1, sau này lên loại 1 thì sao? Có phong hàm Thiếu tướng hay không vì đã đủ số lượng rồi. Hay là điều động sang nơi khác để đảm bảo con số 11, vì nếu phong thiếu tướng thì con số sẽ vượt”, ông Hòa nói.
Hơn nữa, theo ông Hòa, người mang hàm Thiếu tướng của tỉnh này chưa chắc đã có chuyên môn, thời gian trong ngành cao hơn người mang hàm Đại tá của tỉnh, thành khác. Như vậy sẽ không hợp lý. Cùng là giám đốc công an tỉnh, thành như nhau nhưng lại có người mang hàm cấp tướng, người mang cấp tá", ông Hoà nêu.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần cân nhắc việc quy định hàm tướng cho Giám đốc Công an TP.HCM và Hà Nội, vì cùng là cấp phó nhưng người được phong Thiếu tướng, người lại không là không hợp lý.
ĐB Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cho rằng, việc Giám đốc công an tỉnh có trần quân hàm thiếu tướng là hợp lý. Tuy nhiên, việc lấy đơn vị hành chính loại 1 để quy định cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc công an tỉnh là chưa sát chức năng, nhiệm vụ của lực lượng công an.
Theo ông Thưởng, việc xác định tỉnh, thành phố loại 1, 2, 3 đôi khi chỉ có tác dụng tương đối. Loại 1 về kinh tế, dân số, diện tích chưa hẳn bao giờ cũng là loại 1 về quốc phòng, an ninh và ngược lại. Vì thế, người đứng đầu lực lượng công an các địa phương này cần có cấp bậc hàm tương đương với các đơn vị hành chính loại 1 để thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, theo đại biểu này, giám đốc công an tỉnh giữ nhiều đầu mối, quân số lên tới hàng ngàn nhưng cấp hàm chỉ là đại tá, tương đương với cấp phòng của Bộ Công an là không hợp lý.
Ngoài ra, đại biểu Thưởng cho rằng, theo quy định hiện hành, giám đốc công an tỉnh có chức vụ tương đương cục trưởng, được quy hoạch, đề bạt trực tiếp lên thứ trưởng. Cục trưởng muốn lên thứ trưởng phải luân chuyển về địa phương để đào tạo theo quy định. Nếu 2 cấp bậc hàm này mà vênh nhau thì rất khó luân chuyển và thực hiện chế độ chính sách.
Lam Thanh