Hai anh em trai từng theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bị bắt hôm 15.5 theo cáo buộc từ chính quyền Mỹ rằng họ đã thực hiện kế hoạch tiên tiến để khai thác lỗ hổng về tính toàn vẹn của blockchain Ethereum và đánh cắp số tiền điện tử trị giá 25 triệu USD chỉ trong 12 giây.
Thế giới số

Hai anh em bị bắt vì đánh cắp số tiền điện tử 25 triệu USD trong 12 giây với thủ đoạn có 1-0-2

Sơn Vân 16/05/2024 13:20

Hai anh em trai từng theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bị bắt hôm 15.5 theo cáo buộc từ chính quyền Mỹ rằng họ đã thực hiện kế hoạch tiên tiến để khai thác lỗ hổng về tính toàn vẹn của blockchain Ethereum và đánh cắp số tiền điện tử trị giá 25 triệu USD chỉ trong 12 giây.

Các công tố viên liên bang ở quận Manhattan (thành phố New York, Mỹ) gọi âm mưu do Anton Peraire-Bueno (24 tuổi) và James Peraire-Bueno (28 tuổi) thực hiện là "hoàn toàn mới" và cho biết vụ án đánh dấu lần đầu tiên kiểu gian lận này bị buộc tội hình sự ở Mỹ. Anton Peraire-Bueno bị bắt ở thành phố Boston (Mỹ), trong khi James Peraire-Bueno bị bắt tại thành phố New York (Mỹ).

Các nhà chức trách Mỹ cho biết Anton Peraire-Bueno và James Peraire-Bueno đã thực hiện vụ cướp công phu vào tháng 4.2023, đánh cắp 25 triệu USD từ các nhà giao dịch chỉ trong 12 giây bằng cách gian lận để truy cập vào các giao dịch đang chờ xử lý và thay đổi việc di chuyển tiền điện tử.

"Hai anh em, từng học ngành khoa học máy tính và toán học tại một trong những trường đại học danh tiếng nhất thế giới, được cho là đã sử dụng các kỹ năng và kiến thức chuyên môn của họ để can thiệp và thao túng các giao thức mà hàng triệu người dùng Ethereum trên toàn cầu tin tưởng. Theo cáo buộc của chúng tôi, âm mưu của họ đặt ra câu hỏi về tính toàn vẹn của blockchain", Damian Williams, công tố viên ở vùng phía nam New York, nói.

Bản cáo trạng buộc tội Anton Peraire-Bueno và James Peraire-Bueno âm mưu thực hiện gian lận chuyển khoản và âm mưu rửa tiền. Họ bị buộc tội thực hiện vụ cướp nhanh như chớp, được lên kế hoạch trong nhiều tháng, từ bàn phím của mình vào năm 2023.

Luật sư của họ không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Cả hai anh em này đều từng theo học tại Viện Công nghệ Massachusetts ở thành phố Cambridge (Mỹ), nơi mà các công tố viên cho biết họ học ngành khoa học máy tính và toán học rồi phát triển các kỹ năng và kiến thức nền tảng để thực hiện hành vi gian lận của mình.

Anton Peraire-Bueno tốt nghiệp Viện Công nghệ Massachusetts vào tháng 2.2024 với bằng Cử nhân Khoa học về khoa học máy tính và toán học. James Peraire-Bueno tốt nghiệp Viện này với bằng Thạc sĩ Khoa học về hàng không và du hành vũ trụ hồi năm 2021.

Bản cáo trạng cáo buộc rằng trong nhiều tháng, anh em nhà Peraire-Bueno đã âm mưu thao túng và can thiệp vào những giao thức được sử dụng để xác nhận các giao dịch để đưa vào blockchain Ethereum - sổ cái công khai ghi lại từng giao dịch tiền điện tử.

Các công tố viên cho biết họ đã thực hiện điều đó bằng cách khai thác lỗ hổng trong mã của phần mềm MEV-boost được sử dụng bởi hầu hết "người xác thực" của mạng lưới Ethereum - những người chịu trách nhiệm kiểm tra xem các giao dịch mới có hợp lệ không trước khi chúng được thêm vào blockchain.

Ethereum được biết đến là "cao tốc thương mại" lớn nhất trong lĩnh vực tiền điện tử, được sử dụng bởi hàng nghìn ứng dụng và tập trung vào mọi thứ, từ tài chính đến game.

Theo các công tố viên, sau khi thực hiện vụ cướp 25 triệu USD, anh em nhà Peraire-Bueno đã từ chối yêu cầu trả lại tiền mà thay vào đó thực hiện các bước để rửa tiền và che giấu số tiền điện tử đánh cắp được.

Cả hai được cho đã dành nhiều tháng để lên kế hoạch cho vụ cướp, gồm cả nghiên cứu hành vi giao dịch của các bot Ethereum, thành lập những công ty vỏ bọc để hoạt động đằng sau và các thủ tục dẫn độ.

hai-anh-em-bi-bat-vi-danh-cap-so-tien-dien-tu-25-trieu-usd-trong-12-giay-voi-thu-doan-co-1-0-2.jpg
Anton Peraire-Bueno và James Peraire-Bueno bị cáo buộc khai thác lỗ hổng về tính toàn vẹn của blockchain Ethereum và đánh cắp số tiền điện tử trị giá 25 triệu USD chỉ trong 12 giây - Ảnh: Reuters

Bộ Tư pháp Mỹ thời gian qua tập trung vào việc ngăn chặn hành vi gian lận và sai trái trong ngành công nghiệp tiền điện tử, kết án vài nhân vật đình đàm thuộc ngành này, đáng chú ý nhất là Sam Bankman-Fried của sàn FTX (cũng từng học ở Viện Công nghệ Massachusetts) và Changpeng Zhao của sàn Binance.

Cuối tháng 4 vừa qua, Roger Ver, nhà đầu tư vào Bitcoin thời kỳ đầu được mệnh danh là "Bitcoin Jesus", đã bị bắt tại Tây Ban Nha theo cáo buộc của Mỹ rằng ông trốn tránh nộp ít nhất 48 triệu USD tiền thuế, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết.

Bộ Tư pháp Mỹ thông báo Roger Ver (45 tuổi) bị buộc tội gian lận thư tín và trốn thuế trong một bản cáo trạng được đệ trình lên tòa án liên bang ở thành phố Los Angeles (Mỹ).

Năm ngoái, Tòa án Tối cao Mỹ đã bác bỏ kháng cáo của một công ty luật về các lệnh từ tòa án buộc tội họ khinh thường lệnh triệu tập của bồi thẩm đoàn vì không công bố hồ sơ liên quan đến khách hàng có mô tả giống với Roger Ver.

Bryan Skarlatos, luật sư của Roger Ver, cho biết ông “rất thất vọng và ngạc nhiên” trước việc thân chủ bị bắt khi đang đi du lịch ở Tây Ban Nha.

Bryan Skarlatos nói: “Ông Ver đã tin tưởng các chuyên gia thuế hàng đầu để giúp ông ấy khai báo Bitcoin của mình và luôn có ý định tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ thuế tại Mỹ. Chúng tôi mong muốn chứng minh sự vô tội của ông trước tòa, nếu cần thiết”.

Từng giữ chức vụ giám đốc điều hành của nhà phát triển ví kỹ thuật số Bitcoin.com một thời gian, Roger Ver bắt đầu mua Bitcoin vào năm 2011 và tích cực quảng bá tiền điện tử, nhờ đó ông có biệt danh là "Bitcoin Jesus".

Vào năm 2014, Roger Ver đã từ bỏ quốc tịch Mỹ sau khi trở thành công dân của St. Kitts and Nevis (quốc đảo ở Caribe), mà các công tố viên Mỹ cho rằng liên quan đến việc trốn thuế của ông.

Cụ thể, nếu một người từ bỏ quốc tịch, tài sản của người này được coi như đã được bán với giá thị trường hợp lý vào ngày trước khi họ từ bỏ quốc tịch trong một "đợt bán mang tính xây dựng".

Theo luật thuế liên bang Mỹ, bất kỳ khoản lãi nào phát sinh từ việc "bán mang tính xây dựng" phải được tính vào năm tính thuế đó.

Vào ngày trở thành công dân St. Kitts and Nevis, Roger Ver và hai công ty mà ông sở hữu là MemoryDealers.com và Agilestar.com nắm giữ khoảng 131.000 Bitcoin, định giá chúng hơn 114 triệu USD (mỗi đồng Bitcoin thời điểm đó được giao dịch với giá khoảng 871 USD).

Các công tố viên Mỹ cho biết Roger Ver đã thuê một công ty luật để giúp ông chuẩn bị các tờ khai thuế liên quan đến việc di cư và thẩm định giá trị hai công ty này. Song theo các công tố viên, Roger Ver đã cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về số lượng Bitcoin mà hai công ty này thực sự sở hữu.

Do đó, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết công ty luật đã chuẩn bị và nộp tờ khai thuế đánh giá thấp giá trị của hai công ty, đồng thời không báo cáo bất kỳ tài sản nào thuộc sở hữu cá nhân của Roger Ver.

Theo bản cáo trạng, Roger Ver sau đó đã tiếp quản 70.000 Bitcoin mà hai công ty sở hữu và bán chúng với giá khoảng 240 triệu USD vào năm 2017. Tuy nhiên, các công tố viên nói Roger Ver không trả khoản thuế mà ông nợ cho số tiền được phân phối từ hai công ty Mỹ đó.

Bản cáo trạng cáo buộc rằng tổng cộng Sở thuế vụ Mỹ đã bị thiếu hụt 48 triệu USD tiền thuế của Roger Ver từ năm 2014 đến 2017. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ có kế hoạch yêu cầu dẫn độ Roger Ver.

Bài liên quan
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất 2022, Ethereum giảm lượng khí thải đáng kể
Bitcoin vẫn là loại tiền mã hóa gây ô nhiễm nhất năm 2022 với tác động đến môi trường của nó đang gia tăng, theo một báo cáo từ nhà cung cấp dữ liệu thị trường Forex Suggest.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai anh em bị bắt vì đánh cắp số tiền điện tử 25 triệu USD trong 12 giây với thủ đoạn có 1-0-2