Trong khoảng thời gian cuối năm 2018, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ruốc (mắm tôm) sử dụng chất Rhodamine B. Đây là chất hóa chất được sử dụng trong thuốc nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng.

Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở sử dụng chất nhuộm vải để chế biến ruốc

Quang Cường | 21/12/2018, 09:06

Trong khoảng thời gian cuối năm 2018, cơ quan chức năng ở Hà Tĩnh đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh ruốc (mắm tôm) sử dụng chất Rhodamine B. Đây là chất hóa chất được sử dụng trong thuốc nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 514 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản. Trong đó có 97,65% cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP); gần 28.000 cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ, lẻ đã được thống kê và tiến hành ký cam kết đảm bảo ATTP theo quy định.

Tỷ lệ mẫu vi phạm về chất lượng ATTP hiện đang ở mức tương đối thấp, chiếm 1,87% (có 8/428 mẫu kiểm tra ATTP vi phạm).

Tuy vậy, có một số cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm về chất lượng ATTP với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Vẫn còn hiện tượng đưa các loại hóa chất ngoài danh mục cho phép vào chế biến thực phẩm.

Đặc biệt, thời gian qua cơ quan chức năng đã phát hiện có 8/20 mẫu ruốc mặn tại 7/15 cơ sở (3 cơ sở sản xuất ở huyện Lộc Hà, 4 cơ sở kinh doanh ở TP.Hà Tĩnh) có dư lượng Rhodamine B, là chất nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng. Những cơ sở vi phạm đã sử dụng trái phép chất Rhodamine B để làm chất tạo màu trong chế biến ruốc mặn.

Sau khi phát hiện những cơ sở vi phạm về ATTP trên, lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ số lượng ruốc có chứa chất Rhodamine B; đình chỉ hoạt động 3 cơ sở trong thời hạn 5 tháng.

Ông Phan Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Sở NN-PTNT Hà Tĩnh) cho biết: “Quá trình giám sát thấy có một số cơ sở chế biến ruốc sử dụng chất nhuộm vải, chúng tôi đã tiến hành xử lý vi phạm, sau đó báo cáo UBND tỉnh để tỉnh chỉ đạo các địa phương và các ngành liên quan vào cuộc trên phạm vi toàn tỉnh. Chúng tôi rất muốn có một sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ để xử lý triệt để tình trạng này”.

Trước tình hình vi phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực ATTP trên địa bàn, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương trong toàn tỉnh đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, giám sát trong sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm.

Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng được giao nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an địa phương tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình của các cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản; phối hợp ngành nông nghiệp kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm pháp luật về ATTP theo đúng quy định. Trong đó, phải đề cao phát hiện, ngăn chặn kịp thời đối với hành vi sử dụng chất Rhodamine B để tạo màu trong chế biến ruốc; tiến hành điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật, đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm nêu trên.

Văn bản của UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tăng cường quản lý về ATTP trong sản xuất, kinh doanh ruốc (mắm tôm)

Được biết, Rhodamin B là chất được sử dụng trong sinh học như là phẩm nhuộm phát huỳnh quang. Chất này thường được kết hợp với Auramine O trong phép nhuộm rhodamin-auramin để phát hiện sinh vật kháng acid (kháng cồn toan). Tuy nhiên, Rhodamine B dùng trong công nghiệp là chất nhuộm vải, không có trong danh mục phụ gia thực phẩm và không được phép sử dụng.

Rhodamine B là chất độc cấp và mãn tính. Nếu ăn phải thực phẩm có chất này vào cơ thể thì sẽ thâm nhập qua đường tiêu hóa, gây ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng trong đó có gan, thận. Mức nhẹ có thể gây nôn mửa, hoặc ngộ độc, nếu lâu dài sẽ tích lũy có thể gây ung thư.

Quang Cường
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Tĩnh: Nhiều cơ sở sử dụng chất nhuộm vải để chế biến ruốc