Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới sẽ điều chỉnh ra sao là vấn đề được nhà trường và các bậc phụ huynh hết sức quan tâm, đặc biệt sau khi có những vấn đề nảy sinh từ bộ SGK lớp 1 hồi đầu năm học này.

Hà Nội và TP.HCM rục rịch lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6

Tú Viên (tổng hợp) | 03/03/2021, 10:08

Việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới sẽ điều chỉnh ra sao là vấn đề được nhà trường và các bậc phụ huynh hết sức quan tâm, đặc biệt sau khi có những vấn đề nảy sinh từ bộ SGK lớp 1 hồi đầu năm học này.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ hôm 9.2 đã phê duyệt 32 cuốn SGK lớp 2, 40 cuốn SGK lớp 6. Việc lựa chọn SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng từ năm học 2021 - 2022 sẽ thực hiện theo Thông tư 25 của Bộ GD-ĐT với thẩm quyền quyết định thuộc về UBND tỉnh, thay vì thẩm quyền lựa chọn là các nhà trường như quy định tại Thông tư 01.

Để đảm bảo tiến độ và chất lượng nghiên cứu, lựa chọn SGK của các địa phương, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo các nhà xuất bản (NXB) cung cấp bản PDF các SGK đã được bộ trưởng phê duyệt trên website của NXB trước ngày 21.2.2021, và cấp tài khoản cho cán bộ quản lý, giáo viên (GV) dạy lớp 2, lớp 6 tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu tập huấn sử dụng SGK qua mạng.

NXB phối hợp với Sở GD-ĐT các tỉnh thành tổ chức giới thiệu SGK bằng hình thức trực tuyến, trực tiếp hoặc kết hợp cả hai hình thức trên tại các đơn vị cấp tỉnh. Việc này sẽ phải hoàn thành trước ngày 10.3. 

Các sở GD-ĐT báo cáo danh mục SGK do địa phương lựa chọn về Bộ GD-ĐT trước ngày 10.4.2021. Như vậy, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là các địa phương phải chốt danh sách gửi Bộ. 

Theo kế hoạch, từ ngày 28 - 31.3, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ công bố kết quả lựa chọn SGK năm học 2021-2022.

Vào hôm qua 2.3, Sở GD-ĐT TP.HCM đã có văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP thực hiện quy trình nghiên cứu và đề xuất lựa chọn SGK lớp 6 năm học 2021-2022. Theo đó, lãnh đạo các cơ sở giáo dục phân công tổ trưởng, tổ phó chuyên môn tổ chức thực hiện lựa chọn, đề xuất SGK.

Nếu các cơ sở giáo dục chỉ có tổ chuyên môn riêng biệt ở từng môn học, lãnh đạo các cơ sở giáo dục hướng dẫn giáo viên đọc, nghiên cứu các bộ SGK, sau đó phân công một tổ trưởng phụ trách môn Khoa học tự nhiên và một tổ trưởng phụ trách môn Lịch sử và Địa lý tổ chức chung một buổi thảo luận và bỏ phiếu kín để đề xuất lựa chọn SGK theo quy trình đã được hướng dẫn.

Sở GD-ĐT TP lưu ý tất cả giáo viên trong cơ sở giáo dục đều phải thực hiện nghiên cứu, thảo luận và bỏ phiếu đề xuất lựa chọn SGK tại tổ chuyên môn, không chỉ dành cho giáo viên dự kiến dạy học lớp 6 năm học 2021-2022.

Tại Hà Nội, Sở GD-ĐT cũng vừa yêu cầu các nhà trường phổ biến đầy đủ danh mục SGK ở hai khối lớp này cho các giáo viên; đề nghị toàn bộ giáo viên dạy lớp 2, lớp 6 năm học 2021-2022 chủ động tìm hiểu, nghiên cứu SGK mới qua internet theo hướng dẫn của Bộ. 

Để sử dụng SGK mới có chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Nội đặt mục tiêu có 100% giáo viên dạy lớp 2 và lớp 6 của các môn học, hoạt động giáo dục đều được tham gia bồi dưỡng sử dụng SGK. Sở GD-ĐT Hà Nội phấn đấu hoàn thành việc bồi dưỡng giáo viên trước ngày 31.7.2021 theo đúng chỉ đạo của Bộ GD-ĐT.

Danh mục được Bộ GD-ĐT phê duyệt gồm 32 SGK lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh; 40 SGK lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc.

Đối với lớp 2, mỗi môn Tiếng Việt, Toán, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm có 3 SGK được phê duyệt; môn tự chọn Tiếng Anh có 8 SGK.

Đối với lớp 6, mỗi môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Giáo dục công dân, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và địa lý, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp có 3 SKG; môn Tin học có 2 sách và Tiếng Anh có 8 SGK được phê duyệt.

Các SGK có tên trong danh mục được phê duyệt thuộc 4 đơn vị xuất bản, gồm: NXB Giáo dục Việt Nam; NXB Đại học Sư phạm; NXB Đại học Sư phạm TP.HCM; NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội và TP.HCM rục rịch lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6