Ngày hôm nay (6.9), rất nhiều người dân Hà Nội đã đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh mua rau củ quả, thực phẩm để dự trữ phòng bão số 3 đổ bộ.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Hà Nội: Người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm trước bão số 3

Bài và ảnh: Tuyết Nhung 06/09/2024 19:08

Ngày hôm nay (6.9), rất nhiều người dân Hà Nội đã đổ xô đến các siêu thị, chợ dân sinh mua rau củ quả, thực phẩm để dự trữ phòng bão số 3 đổ bộ.

Người dân đổ xô đi mua thực phẩm

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới tại một số chợ dân sinh ở Hà Nội vào buổi sáng và buổi chiều 6.9 như: chợ Xanh Định Công, chợ Thành Công, chợ Láng Hạ,... nhiều sạp hàng bán rau, thịt lợn và tôm cá... đã hết hàng . Giá rau tăng nhẹ so với bình thường.

Chị Nguyễn Thị Mai Hoa, chủ sạp hàng thịt lợn tại chợ Xanh Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết thường ngày vào buổi trưa, sạp thịt của chị vẫn còn nhiều, nhưng hôm nay ngay từ sáng sớm chị đã bán được gần hết hàng. Theo chị Hoa, không chỉ có chị bán chạy, mà các chủ hàng khác ở chợ đều tăng tốc bán hàng vào buổi sáng nay. Đến chiều nay, mọi người muốn bán tiếp thì phải gọi gấp bên cung cấp hàng mới kịp.

Giá thịt lợn tại các chợ nói trên khoảng 120.000 - 160.000 đồng/kg, trong đó, thịt nạc vai từ 140.000 - 160.000 đồng/kg. Trứng gà có giá 35.000 đồng/10 quả (bình thường khoảng 30.000 đồng/10 quả).

Không chỉ hàng thịt, các quầy hàng rau quả cũng đắt khách. Cụ thể, giá rau muống 15.000 đồng/mớ; bí xanh 25.000 - 30.000 đồng/kg; rau ngót, rau dền 10.000 - 15.000 đồng/mớ; quả lặc lè 40.000 đồng/kg; bắp cải 25.000 đồng/kg; cà chua 45.000 đồng/kg; các loại rau sống khá đắt, từ 5.000 - 7.000 đồng/mớ.

Trong khi đó, các hệ thống siêu thị ghi nhận lượng khách rất đông. Từ sáng 6.9, các kệ hàng có sức mua tăng như: thực phẩm tươi sống (thịt, hải sản, rau củ quả), các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói...

456996988_1065347934952630_1647609501073164517_n.jpg
Một tủ thịt lợn ở siêu thị hết sớm trong buổi sáng 6.9

Ghi nhận tại siêu thị Co.opmart (Vạn Phúc, Hà Đông), lượng hàng nhập về tăng mạnh, lượng khách đến siêu thị mua sắm sáng nay tăng 200% so với ngày thường. Các tủ thịt tươi sống, hải sản tươi sống, rau củ quả,... đều hết chỉ trong buổi sáng. Với tình hình bão ảnh hưởng tới khu vực miền Bắc, đại diện siêu thị cho biết cũng đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ.

457105995_3737190673190643_6852565500796270917_n.jpg
Các tủ hải sản, thịt gà, thịt lợn,... tại siêu thị cũng trống trơn

Còn tại siêu thị Big C Thăng Long, lượng khách đã tăng cao từ chiều hôm qua (5.9) cho đến chiều tối nay (6.9). Mặt hàng được người tiêu dùng chọn mua nhiều đến thời điểm hiện nay vẫn là các loại thịt sống, hải sản, rau củ quả,... Lượng hàng nhập về cũng vì vậy mà tăng khoảng 100% so với những ngày trước đó. Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho biết đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng hàng trước và sau bão với giá cả bình ổn.

457399723_753747683494140_3761285384622202123_n.jpg
Các sạp rau ở siêu thị Co.opmart cũng chỉ còn vài mớ

Tương tự, hệ thống MM Mega Market tăng cường dự trữ số lượng lớn hàng hóa thiết yếu như thực phẩm, nước uống, nhiên liệu, các sản phẩm y tế và vật dụng sinh hoạt hằng ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân trước, trong và sau bão. Hệ thống siêu thị này đồng thời hợp tác với các nhà cung cấp, bảo đảm sự liên lạc và sẵn sàng cung cấp từ phía các nhà cung cấp và nhà phân phối, đặc biệt là trong thời gian khan hiếm hàng hóa.

Bảo đảm nguồn cung hàng hóa

Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh phía Đông Bắc Bộ với cường độ mạnh, để chủ động ứng phó với các tác động của cơn bão, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương có ảnh hưởng của bão thực hiện các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu.

456816797_383765411254236_6595862935353588639_n.jpg
Nhiều khay hàng trống trơn vì sức mua tăng đột biến

Theo đó, yêu cầu các Sở Công Thương chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa trên địa bàn triển khai tốt kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu; rà soát các khu vực có nguy cơ bị chia cắt do mưa, lũ để có phương án cụ thể đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân tại khu vực bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương một số địa phương trong vùng ảnh hưởng của bão số 3 (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Lạng Sơn, Bắc Kạn...), để chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm, vật tư thiết yếu cho người dân tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Sở Công Thương các địa phương ban hành văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn trên địa bàn báo cáo về khả năng dự trữ, cung ứng các mặt hàng thiết yếu để kịp thời huy động, cung cấp cho người dân khi có yêu cầu.

Các mặt hàng được dự trữ là hàng hóa nhu yếu phẩm như gạo, mỳ ăn liền, lương khô, nước uống đóng chai, xăng dầu và các mặt hàng khác có nhu cầu cao trong mùa bão lũ (tấm lợp, dây thép, đinh vít, thuốc trị bệnh…), đảm bảo phục vụ kịp thời nhu cầu của người dân vùng thiên tai. Các mặt hàng này được dự trữ tại kho hàng của tổ chức, doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa và sẵn sàng cung cấp cho vùng bị thiên tai khi có yêu cầu.

456352723_1975707799609424_6856780411313635250_n.jpg
Siêu thị bán đắt hàng các sản phẩm rau củ quả tươi hôm nay

Khối lượng hàng hóa nhu yếu phẩm dự trữ ước tính đáp ứng từ 5 - 10 ngày sử dụng (tùy thuộc tình hình, khả năng và đặc thù của địa phương). Trường hợp thiên tai kéo dài trên diện rộng, đã huy động hết nguồn hàng dự trữ tại địa phương nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, địa phương sẽ đề xuất hoặc huy động từ các nguồn, các đơn vị trong và ngoài tỉnh để bảo đảm ứng cứu kịp thời.

Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối (Saigon Coop, BRG mart, Wincommerce, Central Retail, Mega Market, Lotte mart, Aeon mart...) lượng khách đến mua hàng từ tối 5.9 có tăng nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng tốt nhu cầu. Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân khi mưa bão lớn, các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 2 - 3 lần so với trước.

457340923_1254056238812154_8983212772623562114_n.jpg
Rau củ quả tươi tại siêu thị đắt hàng hôm nay

Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị tại những khu vực có ảnh hưởng của bão số 3 đã có phương án điều nguồn hàng từ các địa phương lân cận về các điểm bán hàng trong khu vực chịu ảnh hưởng của bão, đồng thời các doanh nghiệp cũng có phương án bảo đảm an toàn, chuẩn bị ứng phó khi bão đến; tăng cường hoạt động bán hàng trực tuyến, hỗ trợ giao hàng nhanh; giữ thông tin chặt chẽ với chính quyền địa phương và Bộ Công Thương; thiết lập các đội ứng phó khẩn cấp...

Hiện lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường.

Đến nay, qua báo cáo sơ bộ của các Sở Công Thương và các doanh nghiệp phân phối, tình hình thị trường hàng hóa tại các địa phương chịu ảnh hưởng của bão số 3 cơ bản vẫn ổn định, sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mì gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu. Theo nhận định của Sở Công Thương các địa phương bị ảnh hưởng, nguồn cung hàng hóa thiết yếu sẽ được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng vừa có công điện hỏa tốc yêu cầu toàn bộ hệ thống chính trị thành phố tập trung ứng phó với cơn bão số 3. Chủ tịch TP yêu cầu giám đốc Sở Công Thương chỉ đạo kiểm tra công tác dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ phòng, chống thiên tai, đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, hàng hóa, vật tư thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống bão, lũ, mưa, úng ngập, sự cố thiên tai, đảm bảo đời sống người dân khắc phục hậu quả, ổn định thị trường.

Bài liên quan
Từ ngày 7.9, tạm thời đóng cửa 4 sân bay bị ảnh hưởng bão số 3
Ngày 7.9, tạm ngừng khai thác tàu bay tại 4 sân bay Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân do ảnh hưởng bão số 3 (siêu bão Yagi).

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Người dân đổ xô đi mua sắm thực phẩm trước bão số 3