Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Hà Nội: Khẩn trương mở rộng cơ sở cách ly, triển khai phương án điều trị F0 nhẹ tại nhà

Lam Thanh | 03/12/2021, 17:33

Lãnh đạo Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Công điện số 26/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách "thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới".

Chủ động ứng phó với biến chủng Omicron

Công điện nêu, giai đoạn thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ, từ ngày 11.10.2021 đến ngày 1.12.2021, TP.Hà Nội đã ghi nhận 6.568 ca mắc. Số ca mắc tăng rất nhanh trong những ngày gần đây, trong đó trong vòng 6 ngày đã ghi nhận 1.751 ca mắc (trung bình 291 ca/ngày). Phần lớn các ca mắc đều được phát hiện trong cộng đồng (tỷ lệ khoảng 38% tổng số ca mắc).

Tại các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của TP, mặc dù hiện nay số ca bệnh nặng ở tầng 3 (điều trị chuyên sâu cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch) chiếm tỷ lệ thấp (dưới 0,8%), tuy nhiên nếu số ca bệnh tăng nhanh sẽ là thách thức lớn đối với các cơ sở y tế.

Lãnh đạo TP yêu cầu Sở Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra; chuẩn bị các phương án về vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng chống dịch phù hợp; đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin; tăng cường lực lượng, vật tư, trang thiết bị y tế cho các địa phương, hạn chế thấp nhất các trường hợp chuyển bệnh nặng, tử vong.

Cần khẩn trương triển khai và hướng dẫn các đơn vị liên quan thực hiện Quyết định số 5525/QĐ-BYT ngày 1.12.2021 của Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị.  

Trên cơ sở phương án cách ly, theo dõi, khám và điều trị tại nhà đối với người nhiễm COVID-19 (đảm bảo các điều kiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế), hướng dẫn danh mục các loại thuốc, phương pháp điều trị và xử lý các tình huống khi điều trị tại nhà; xây dựng quy trình, phổ biến rộng rãi đến toàn bộ người dân để sẵn sàng chuẩn bị trong mọi tình huống, hoàn thành trước ngày 5.12.2021.

hn.jpg
Hà Nội triển khai phương án điều trị F0 nhẹ tại nhà

 Triển khai phương án điều trị F0 thể nhẹ tại nhà

TP cũng yêu cầu triển khai phương án mở rộng các cơ sở cách ly tập trung, cách ly tự nguyện tại các cơ sở lưu trú và cách ly tại nhà trên địa bàn đối với các trường hợp F1 trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã đảm bảo điều kiện theo quy định. Tổ chức rút kinh nghiệm; nhân rộng những cách làm hiệu quả trên từng địa bàn quận, huyện, thị xã.

Khẩn trương phối hợp Sở Y tế triển khai ngay các cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 thể nhẹ, không triệu chứng theo mô hình trạm y tế lưu động theo Phương án 263/PA-UBND ngày 23.11.2021 của UBND TP, đảm bảo mỗi phường, xã, thị trấn có bình quân ít nhất 150 giường bệnh.

Căn cứ hướng dẫn của Sở Y tế, liên hệ và phối hợp với các cơ sở y tế ngoài công lập trên địa bàn, xây dựng phương án và phân công lực lượng phối hợp cùng hệ thống y tế cơ sở tổ chức việc lấy mẫu xét nghiệm theo quy định, hoàn thành trong ngày 5.12.

Khẩn trương triển khai phương án cách ly, quản lý, theo dõi, khám và điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà theo kế hoạch của UBND TP. Phối hợp Bộ Tư lệnh thủ đô, Sở Giao thông vận tải triển khai vận chuyển các trường hợp F1 đến các cơ sở cách ly tập trung của TP chậm nhất 12 tiếng sau khi có kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế và quyết định của chính quyền địa phương; triển khai phần mềm quản lý việc thu dung, điều trị F0 tại các cơ sở thu dung, cơ sở y tế của cơ sở và tại nhà; phần mềm, ứng dụng quản lý F1 tại nhà.

Tổ chức điều phối việc chuyển mẫu xét nghiệm đến các cơ sở xét nghiệm theo hướng dẫn của Sở Y tế trong thời gian ngắn nhất để đáp ứng diễn biến dịch bệnh. Chủ động trao đổi, phối hợp với Sở GTVT để có phương án khi điều kiện trang thiết bị chưa đủ khả năng đáp ứng theo yêu cầu công tác phòng, chống dịch, hoàn thành chậm nhất trong ngày 5.12.

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 2

Lãnh đạo TP cũng yêu cầu rà soát danh mục các trang thiết bị y tế tại tuyến cơ sở và cấp quận, huyện, thị xã theo khả năng của địa phương; tổ chức mua sắm và trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế và thuốc điều trị, oxy y tế tại các tuyến cơ sở đáp ứng với các kịch bản dịch bệnh.

Tiếp tục đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin, đặc biệt là tiêm mũi 2 với người trên 50 tuổi; tiếp tục thực hiện kế hoạch tiêm cho trẻ em theo lộ trình hạ dần độ tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế từ 12 - 14 tuổi. Tích cực tổ chức tiêm lưu động, đặc biệt để tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao (người lớn tuổi, có bệnh nền), khó di chuyển; bảo đảm về thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Tiếp tục thực hiện điều tra, truy vết thần tốc; việc khoanh vùng, cách ly được thực hiện trên phạm vị hẹp nhất có thể, tiếp tục thông điệp 5K và đề cao ý thức phòng chống dịch của người dân. Thực hiện nới lỏng, khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, mở cửa lại nền kinh tế có lộ trình và ở những nơi an toàn, có đủ điều kiện.

Liên quan đến đưa học sinh trở lại trường học trực tiếp, TP chỉ đạo chuẩn bị cơ sở vật chất, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch tại các cơ sở GD-ĐT trên địa bàn; tham mưu, báo cáo UBND TP về việc cho học sinh trở lại trường, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh và giáo viên và sẵn sàng các phương án xử lý các tình huống phát sinh.

Đồng thời, cần sắp xếp các phương tiện vận chuyển F1 tới các cơ sở cách ly tập trung; triển khai phần mềm, ứng dụng quản lý F1 tại các cơ sở cách ly tập trung và tại nhà hoàn thành chậm nhất trong ngày 5.12.2021 để triển khai trên toàn địa bàn TP.

Sở Du lịch khẩn trương phối hợp Sở Y tế và các quận, huyện, thị xã rà soát các cơ sở lưu trú đảm bảo điều kiện, báo cáo UBND TP về việc mở rộng các cơ sở lưu trú phục vụ cách ly F1 trên địa bàn, hoàn thành chậm nhất trước ngày 5.12.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có cơ sở pháp lý điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ủy ban Khoa học -Công nghệ - Môi trường (KH-CN-MT) thấy rằng Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý nhằm điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo (AI) để phát triển thế mạnh, hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Khẩn trương mở rộng cơ sở cách ly, triển khai phương án điều trị F0 nhẹ tại nhà