Trên Facebook cá nhân (Chau Ngo), GS Ngô Bảo Châu vừa đăng những nhận xét về kỳ thi THPT quốc gia 2015, cách tổ chức xét tuyển vào đại học, cao đẳng các trường đang tiến hành theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo.

GS Ngô Bảo Châu: "Bộ trưởng Luận phát biểu thiếu khôn ngoan, nhưng nên ghi nhận cải cách của ông"

Một Thế Giới | 24/08/2015, 17:56

Trên Facebook cá nhân (Chau Ngo), GS Ngô Bảo Châu vừa đăng những nhận xét về kỳ thi THPT quốc gia 2015, cách tổ chức xét tuyển vào đại học, cao đẳng các trường đang tiến hành theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục - Đào tạo.


GS Ngô Bảo Châu nêu lên thực tế: "Sau khi tuyển sinh đại học đợt một thực hiện không suôn sẻ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ trưởng Luận đang bị dư luận phê bình nặng nề. Tôi nghĩ rằng cần thêm thời gian để có thể đánh giá khách quan về sự thành công hay thất bại của kỳ thi quốc gia năm nay cũng như quá trình tuyển sinh. Không công bằng nếu đánh giá một việc ở tầm quốc gia, liên quan đến triệu con người, dựa trên một sự kiện mang tính cá nhân, như việc một phụ huynh thuê xe cứu thương để kịp rút (hay nộp) hồ sơ cho con".
Dưới góc độ một nhà khoa học rất quan tâm đến việc phát triển giáo dục, GS Châu khẳng định ông luôn ủng hộ việc đổi mới, cải cách giáo dục. Ông bảo rằng trước kia ông đã góp ý và nhận xét thế nào thì "bây giờ tôi vẫn nghĩ thế" chứ không thay đổi. Ông viết: "Năm ngoái tôi có phát biểu quan điểm của mình về việc thi tốt nghiệp phổ thông. Lý do làm tôi nghĩ nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông là những biểu hiện thiếu trung thực ở kỳ thi này trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, tôi nghĩ rằng kiểm tra chất lượng dựa vào một quá trình thì tốt hơn là vào một cuộc thi, cho nên học bạ, điểm học trong năm là đủ để quyết định việc lên lớp và việc tốt nghiệp. Bây giờ tôi vẫn nghĩ như thế". 
Trước những xôn xao của dư luận xã hội về thực trạng xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng còn nhiều bất cập vừa diễn ra và sắp diễn ra tiếp, gây nhiều hoang mang, lo lắng cho thí sinh và phụ huynh, tốn kém cho xã hội..., GS Ngô Bảo Châu bày tỏ ý kiến cá nhân thể hiện sự thông cảm với những khó khăn của Bộ Giáo dục - Đào tạo, nhất là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận. Ông nhân xét:

"Khi Bộ Giáo dục - Đào tạo quyết định giữ phương án gộp kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và kỳ thi tuyển sinh đại học thành một kỳ thi quốc gia, tôi đã mường tượng ra sự phức tạp để tổ chức một kỳ thi như thế. Tuy tôi vẫn ngờ rằng có thể có phương án thi và tuyển sinh ít phức tạp hơn, tôi thấy cần phải ghi nhận cố gắng của Bộ Giáo dục - Đào tạo trong việc đảm bảo cho sự trung thực của kỳ thi năm nay. Nếu so sánh với những năm trước, có thể coi đây là một thành tích đáng kể.

Việc thông báo điểm, phương cách chọn trường của các thí sinh, tuyển sinh của các trường đại học gặp một số trục trặc gây ra nhiều mệt mỏi thậm chí tâm lý hoảng loạn ở một số thí sinh và phụ huynh. Chắc chắn những năm tới, Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ phải cải tiến nền tảng công nghệ, phương án kỹ thuật nếu tiếp tục duy trì việc sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia cho việc tuyển sinh đại học.

Bộ trưởng Luận có một vài phát biểu thiếu khôn ngoan, gây phản ứng trong dư luận, mà tiêu biểu là những ẩn dụ mang màu sắc súng đạn, nhưng không thể không ghi nhận những cải cách tích cực của ông. Tôi không nắm được hết mọi cộng việc của Bộ GD-ĐT, nhưng tôi tán thành những quyết định như đóng cửa bớt những khóa đào tạo tại chức kém chất lượng, cơ bản là bán bằng; lập lại việc tuyển thẳng học sinh giỏi vào đại học ở các ngành học tương ứng và cơ bản hơn; việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang được triển khai từng bước".

Theo GS Ngô Bảo Châu, "người làm chính trị chắc chắn phải biết đối mặt với dư luận. Về phía dư luận, tôi nghĩ rằng trước khi phê bình chính quyền cũng nên đặt mình vào ví trí của họ xem mình thực sự có thể làm tốt hơn hay không. Khi phê bình những gì chính quyền làm chưa tốt, cũng nên ghi nhận những gì họ làm tốt, hoặc làm tốt hơn trước. Ví dụ nếu so sánh với đề án biên soạn sách giáo khoa mà năm ngoái đã gây phản ứng dữ dội trong dư luận, năm nay Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể đã được chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng".
Những ý kiến nêu trên của GS Ngô Bảo Châu nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc. Tính đến 17 giờ 30 ngày 24.8, sau khi đăng gần 1 ngày, đã có 5.600 lượt người like (thích) và gần 500 lượt chia sẻ, hầu hết là đồng tình và ủng hộ quan điểm cần phải đổi mới mạnh mẽ trong lĩnh vực giáo dục, chấm dứt sự trì trệ, quẩn quanh đã tồn tại lâu nay.
PV Một Thế Giới
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
GS Ngô Bảo Châu: "Bộ trưởng Luận phát biểu thiếu khôn ngoan, nhưng nên ghi nhận cải cách của ông"