Việc sử dụng Google Chrome, trình duyệt web phổ biến nhất thế giới, trên máy tính cá nhân sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn nhờ có thêm ba tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) mới sắp ra mắt.
Đầu tiên là tính năng mà Google gọi là tab groups (nhóm thẻ), cho phép người dùng sắp xếp một bộ sưu tập lớn các thẻ. Với tính năng này, Google Chrome sẽ tự động đề xuất và sau đó tạo nhóm dựa trên những thẻ mà bạn đang mở, đặc biệt hữu ích nếu bạn đang làm việc trên nhiều dự án cùng lúc hoặc lên kế hoạch cho một chuyến đi đến nơi mà bạn muốn tìm kiếm khách sạn và những nhà hàng tốt nhất.
Google cho biết, để sử dụng tính năng này, bạn chỉ cần nhấp chuột phải vào thẻ đang mở và chọn Organize Similar Tabs (Sắp xếp các thẻ tương tự). AI của Google Chrome sẽ tìm các thẻ có nội dung tương tự, tập hợp chúng lại với nhau và đề xuất tên cũng như biểu tượng cảm xúc để giúp chúng ta dễ tìm hơn.
Thứ hai, Google Chrome sẽ có thêm một trợ lý viết AI mà công ty cho biết sẽ giúp người dùng viết tự tin hơn trong không gian công cộng như đánh giá trực tuyến, bài đăng trên mạng xã hội, hoặc gửi email cho công ty. Để được trợ giúp viết, người dùng chỉ cần nhấp chuột phải vào bất kỳ trường văn bản nào trong Google Chrome và chọn Help me write (Giúp tôi viết). Sau khi gõ vài từ, AI sẽ hiểu những gì bạn muốn truyền tải và hỗ trợ trau chuốt văn phong.
Cuối cùng, tận dụng cơn sốt hình nền do AI tạo ra trên dòng smartphone Google Pixel 8, Chrome đang triển khai khả năng tạo theme (chủ đề) của riêng bạn bằng AI.
Cũng giống như tính năng trên Google Pixel 8, người dùng trình duyệt Chrome có thể tạo theme dựa trên tâm trạng, màu sắc, phong cách nghệ thuật,… chỉ bằng cách chọn danh sách từ được gợi ý trước, chẳng hạn "cực quang phương Bắc, phong cách hoạt hình, thanh bình".
Để thiết lập theme do AI tạo, bạn nhấp vào biểu tượng ba dấu chấm phía trên bên phải Google Chrome (Customize and control Google Chrome hay Tùy chỉnh và điều khiển Google Chrome) rồi chọn Change theme (Thay đổi chủ đề) > Create with AI (Tạo với AI).
Google cho biết tính năng trợ lý viết sẽ không khả dụng cho đến tháng 2.2024, nhưng trình tổ chức thẻ và tạo chủ đề với AI sẽ xuất hiện trong vài ngày tới.
Ngoài ra, Google thông báo Chrome sẽ có thêm nhiều tính năng AI và học máy vào cuối năm 2024, gồm cả việc được tích hợp mô hình ngôn ngữ lớn Gemini.
Tính đến hết năm 2023, Google Chrome vẫn là trình duyệt web phổ biến nhất thế giới khi chiếm 64.73% thị phần, tiếp đó lần lượt là Safari (18.56%), Microsoft Edge (4,97%), Firefox (3,36%), Opera (2,86%)...
Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.
Những ứng dụng của học máy rất đa dạng và bao gồm trong lĩnh vực như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...
Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu (deep learning) và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Khi ra mắt vào năm ngoái, dòng Google Pixel 8 thực sự đã khởi động cuộc chạy đua cho AI tạo sinh trên smartphone. Trước khi Samsung trình làng dòng Galaxy S24 rạng sáng 18.1 vừa qua, Google đã tiếp thị AI như một trong những điểm nhấn bán hàng của Pixel 8 và Pixel 8 Pro. Dù các tính năng AI tạo sinh là sự bổ sung mới hơn cho smartphone, AI từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong các tác vụ như nhận dạng giọng nói và xử lý hình ảnh.
AI tạo sinh là một loại AI có mục tiêu chính là tạo ra thông tin mới, thường thông qua quá trình học máy và học sâu. Loại AI này không chỉ giải quyết các nhiệm vụ cụ thể, mà còn có khả năng tạo ra dữ liệu, văn bản, hình ảnh, âm thanh và nhiều loại thông tin khác.
Một ví dụ nổi tiếng về AI tạo sinh là mô hình ngôn ngữ lớn GPT (Generative Pre-trained Transformer) của OpenAI. GPT có khả năng tạo ra văn bản mới, dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện trước đó.
AI tạo sinh có thể được sử dụng trong nhiều ứng dụng, gồm tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh và thậm chí trong việc giải quyết vấn đề trong lĩnh vực nghệ thuật sáng tạo và thiết kế.
Một số tính năng AI trên dòng Galaxy S24, gồm cả Circle to Search (vẽ để tìm kiếm), là kết quả từ sự hợp tác giữa Google với Samsung và sẽ xuất hiện trên dòng Pixel 8.
Cùng điểm qua các tính năng AI thú vị trên Google Pixel 8 và Pixel 8 Pro.
Magic Editor: Công cụ này sử dụng AI tạo sinh cùng các kỹ thuật xử lý AI để giúp người dùng thực hiện các thao tác chỉnh sửa ảnh phức tạp rất dễ dàng mà không cần kỹ năng chuyên nghiệp hoặc ứng dụng đắt tiền của bên thứ ba. Magic Editor giúp bạn định vị lại mọi người, phóng to các tòa nhà, xóa người lạ khỏi nền và thậm chí tạo nền hoàn toàn mới từ đầu.
Best Take: Đây là một trong những công cụ AI quan trọng nhất trong dòng Pixel 8. Best Take rất hữu ích trong những trường hợp như ảnh bị nhòe; chụp ảnh nhóm hoặc gia đình những có người vô tình nhắm mắt hoặc nhìn sang chỗ khác; chụp ảnh trong điều kiện thiếu sáng khi camera gặp khó khăn để lấy nét và cân bằng trắng hay chụp ảnh chuyển động.
Call Screen: Google Assistant thay mặt bạn trả lời các cuộc gọi để tránh những cuộc gọi từ robot hoặc những kẻ lừa đảo không mong muốn. Trên Pixel 8, giọng nói của Google Assistant nghe tự nhiên hơn và có thể hiểu được nhiều ngữ cảnh hơn từ cuộc gọi.
Audio Magic Eraser: Công cụ này sử dụng AI để tắt tiếng hoặc loại bỏ những âm thanh không mong muốn trong video mà bạn quay. Dù đó là nhạc nền hay chỉ là tiếng ồn của gió, Audio Magic Eraser có thể chọn những âm thanh cụ thể bạn xác định.