Cộng đồng tình báo Mỹ đánh giá “chân rết” của IS tại Afghanistan là ISIS-K có thể đạt được năng lực tấn công Mỹ trong vòng ít nhất 6 tháng tới, và chúng có ý định muốn làm vậy.
Đây là phát biểu của Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl trước Ủy ban Quân vụ thuộc Thượng viện nước này. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng không biết Taliban đủ sức chống lại IS sau khi Mỹ rút quân đi hay không.
“Theo đánh giá của chúng tôi thì Taliban và ISIS-K là kẻ thù không đội trời chung, nên Taliban rất có động cơ truy đuổi ISIS-K. Nhưng khả năng để Taliban làm chuyện này thì cần phải xem xét”, theo Thứ trưởng Kahl. Ông ước tính số lượng chiến binh IS lên đến vài nghìn.
Vài tháng sau khi IS tuyên bố thành lập nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria năm 2014, các chiến binh ly khai từ lực lượng Taliban ở Pakistan liên kết cùng chiến binh ở Afghanistan lập nên một nhóm lấy tên Islamic State-Khorasan (ISIS-K) thề trung thành với thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Chính thức được IS thừa nhận vào năm 2015, ISIS-K “bám rễ” ở vùng đông bắc Afghanistan, đặc biệt là 3 tỉnh Kunar, Nangarhar, Nuristan. Theo báo cáo công bố tháng 7 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, ISIS-K ước tính có khoảng từ 500 đến vài nghìn chiến binh.
ISIS-K từng thực hiện vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul lúc phương Tây sơ tán người khỏi Afghanitan 2 tháng trước. Từ lúc Taliban nắm quyền đến nay, nhóm triển khai chiến dịch quấy phá bằng hàng loạt vụ đánh bom khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Amir Khan Muttaqi - nhân vật được Taliban bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Afghanistan - tuyên bố sẽ xử lý mối đe dọa IS, quyết không để Afghanistan trở thành nơi khủng bố ẩn náu và lên kế hoạch tấn công quốc gia khác.
Ngoài ISIS-K, Thứ trưởng Kahl trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ còn đề cập đến al-Qaeda. Ông nhận xét al-Qaeda là vấn đề phức tạp hơn vì nhóm có quan hệ chặt chẽ với Taliban, Taliban từng chứa chấp một số thủ lĩnh al-Qaeda.
Theo Thứ trưởng Kahl, al-Qaeda cần khoảng 1 - 2 năm để tái xây dựng năng lực tấn công bên ngoài lãnh thổ Afghanistan chống lại Mỹ.
Những đánh giá Thứ trưởng Kahl đưa ra cho thấy rõ Afghanistan vẫn đem lại thách thức an ninh lớn cho Mỹ mặc dù cuộc chiến chống khủng bố 20 năm đã kết thúc. Thứ trưởng Kahl nhấn mạnh Washington cần cẩn thận và cố gắng ngăn các nhóm cực đoan như ISIS-K hay al-Qaeda xây dựng năng lực tấn công Mỹ – một nhiệm vụ khó khăn khi Mỹ không còn duy trì hiện diện quân sự tại Afghanistan, lực lượng có thể triển khai lại đồn trú bên Vùng Vịnh. Washington hiện chưa đạt được thỏa thuận hợp tác chống khủng bố hay cho phép đóng quân nào với các quốc gia láng giềng của Afghanistan.