Một nghiên cứu mới bác bỏ giả thuyết cho rằng loài Griffin được lấy cảm hứng từ hóa thạch khủng long Protoceratops. Nghiên cứu cũng tiết lộ sự mâu thuẫn trong bằng chứng địa lý và lịch sử, đồng thời ủng hộ việc quay trở lại cách giải thích truyền thống về sinh vật đầu đại bàng, thân sư tử.
Kiến thức - Học thuật

Giới khoa học làm rõ nguồn gốc linh thú "đầu đại bàng, thân sư tử"

Anh Tú 10:36 29/06/2024

Một nghiên cứu mới bác bỏ giả thuyết cho rằng loài Griffin được lấy cảm hứng từ hóa thạch khủng long Protoceratops. Nghiên cứu cũng tiết lộ sự mâu thuẫn trong bằng chứng địa lý và lịch sử, đồng thời ủng hộ việc quay trở lại cách giải thích truyền thống về sinh vật đầu đại bàng, thân sư tử.

Mối liên hệ cụ thể giữa hóa thạch khủng long và thần thoại Griffin đã được đề xuất hơn 30 năm trước trong một loạt bài báo và cả sách do nhà văn học dân gian Adrienne Mayor viết. Sự việc bắt đầu với bài báo về Mật mã học năm 1989 có tựa đề 'Cổ sinh vật học: lời kêu gọi hợp tác giữa các nhà khảo cổ và các nhà mật mã học', và sau đó ý tưởng được củng cố trong cuốn sách nổi tiếng năm 2000 'Những thợ săn hóa thạch đầu tiên'. Ý tưởng này dần dần đã trở thành chủ đề chính trong sách, phim tài liệu và triển lãm bảo tàng.

the-griffin-or-gryphon.jpg
Một nghiên cứu mới đã thách thức quan niệm phổ biến rằng hóa thạch khủng long đã truyền cảm hứng cho truyền thuyết về Griffin, sinh vật thần thoại có đầu và cánh của chim ăn thịt và thân của sư tử.

Giả thuyết gợi ý rằng những kẻ đào vàng thời xa xưa đã phát hiện ra xương loài khủng long có sừng Protoceratops đầu tiên ở Trung Á. Những câu chuyện về xương của Protoceratops sau đó đã lan truyền về phía tây nam dọc theo các tuyến đường thương mại để truyền cảm hứng vào văn hóa, văn học dân gian ở những khu vực đã qua. Cuối cùng truyền thuyết được thể hiện trong những câu truyện truyền miệng, những bức tranh hay tác phẩm điêu khắc.

Griffin là một trong những sinh vật thần thoại lâu đời nhất, xuất hiện lần đầu tiên trong nghệ thuật Ai Cập và Trung Đông vào thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên, trước khi trở nên phổ biến ở Hy Lạp cổ đại vào thế kỷ thứ 8 trước Công nguyên.

protoceratops-insta.jpg
Xương và hình phục dựng loài Protoceratops

Protoceratops là một loài khủng long nhỏ (dài khoảng 2 mét) sống ở Mông Cổ và miền bắc Trung Quốc trong thời kỳ kỷ Phấn trắng (75-71 triệu năm trước). Chúng thuộc nhóm khủng long có sừng, họ hàng của Triceratops (khủng long tam sừng), mặc dù chúng thực ra không có sừng trên mặt. Giống như loài Griffin, Protoceratops đứng bằng bốn chân, có mỏ và có phần mở rộng giống như diềm ở hộp sọ mà người ta cho rằng có thể coi là đôi cánh.

Đánh giá lại quan trọng của các nhà khoa học

Trong đánh giá chi tiết đầu tiên, các tác giả gồm Tiến sĩ Mark Witton, Tiến sĩ Richard Hing và các nhà cổ sinh vật học tại Đại học Portsmouth, đã xem xét lại các hồ sơ hóa thạch lịch sử, sự phân bố và tính chất của hóa thạch Protoceratops cũng như các nguồn văn hóa cổ liên kết Griffin với Protoceratops. Họ cũng tham khảo ý kiến ​​​​của các nhà sử học và khảo cổ học để hiểu đầy đủ quan điểm thông thường, không dựa trên hóa thạch về nguồn gốc của Griffin. Cuối cùng, họ phát hiện ra rằng không có lập luận nào có thể đứng vững khi bị xem xét kỹ lưỡng.

Tiến sĩ Witton cho biết: “Có giả định rằng bộ xương khủng long được phát hiện ở tình trạng bán lộ thiên, nằm xung quanh rải rác như hài cốt của những động vật vừa mới chết. Nhưng nói chung, chỉ một phần nhỏ của bộ xương khủng long bị ngoại cảnh bào mòn mới có thể phát hiện được bằng mắt thường. Do vậy, trừ các chuyên gia thì không ai có thể nhận ra chúng một cách dễ dàng".

“Những người du mục xưa ở Mông Cổ đã gặp xương Protoceratops trong bối cảnh như vậy. Nếu họ muốn khám phá thêm để tìm ra thứ giúp họ thêu dệt về động vật huyền thoại này, họ sẽ phải thu thập được hóa thạch từ tảng đá xung quanh. Đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng vì ngay cả với các công cụ và kỹ thuật hiện đại thì cũng khó thực hiện. Do vậy, nhiều khả năng là những người đào vàng ngay cả khi có mặt ở hiện trường cũng chẳng để ý đến hóa thạch của Protoceratops bị vùi lấp trong đất đá.

Giải thích thay thế cho hình ảnh Griffin

Tương tự như vậy, sự lan rộng về mặt địa lý của nghệ thuật Griffin trong suốt lịch sử không phù hợp với kịch bản cho là truyền thuyết về Griffin bắt đầu từ các hóa thạch Trung Á và sau đó lan rộng về phía tây. Cũng không có tài liệu tham khảo rõ ràng nào về hóa thạch Protoceratops trong văn học cổ đại.

Protoceratops chỉ giống Griffin ở chỗ là một loài động vật bốn chi có mỏ. Không có chi tiết nào trong các tác phẩm nghệ thuật về chim săn mồi nào cho thấy rằng hóa thạch của Protoceratops đã được tham khảo nhưng ngược lại, nhiều tạo hình loài chim săn mồi trong các tác phẩm nghệ thuật được xây dựng từ các đặc điểm của mèo và chim còn sống.

Tiến sĩ Witton nói thêm: “Mọi thứ về nguồn gốc của Griffin đều nhất quán với cách giải thích truyền thống rằng chúng là những con thú tưởng tượng, cũng như vẻ ngoài của chúng được giải thích hoàn toàn rằng do chúng là pha trộn của mèo lớn và chim săn mồi. Việc nhồi nhét vai trò của khủng long vào trong truyền thuyết về Griffin, đặc biệt là các loài đến từ những vùng đất xa xôi như Protoceratops, chỉ tạo ra sự phức tạp và mâu thuẫn không cần thiết về nguồn gốc của chúng”.

mythical-griffin.jpeg
Protoceratops chỉ giống Griffin ở chỗ là một loài động vật bốn chi có mỏ

Các tác giả muốn nhấn mạnh rằng có bằng chứng rõ ràng cho thấy hóa thạch có tầm quan trọng về mặt văn hóa trong suốt lịch sử loài người và vô số trường hợp hóa thạch truyền cảm hứng cho văn hóa dân gian trên khắp thế giới, được gọi là “thần thoại địa chất”.

Richard Hing cho biết: “Điều quan trọng là phải phân biệt giữa văn hóa dân gian dựa trên hóa thạch với cơ sở thực tế. Chúng ta cần phân biệt rõ một bên là mối liên hệ giữa hóa thạch và huyền thoại được chứng minh bằng những khám phá khảo cổ học hoặc tài liệu tham khảo thuyết phục trong văn học cũng như tác phẩm nghệ thuật còn một bên là những mối liên hệ được suy đoán dựa trên trực giác”.

“Không có gì sai khi cho rằng người thời xưa đã tìm thấy xương khủng long và đưa chúng vào thần thoại của họ, nhưng chúng ta cần mổ xẻ những đề xuất đó dựa trên thực tế lịch sử, địa lý và cổ sinh vật học. Nếu không thì đó chỉ là suy đoán mà thôi”.

Tiến sĩ Witton nói thêm: “Không phải tất cả các sinh vật thần thoại đều đòi hỏi phải được giải thích thông qua hóa thạch. Một số huyền thoại địa chất phổ biến nhất, chẳng hạn như hóa thạch Protoceratops và Griffin, voi hóa thạch và Cyclopes, rồng và hóa thạch khủng long… đều không có cơ sở bằng chứng mà hoàn toàn chỉ là suy đoán. Chúng ta cứ say sưa kể những câu chuyện này vì chúng thú vị và có vẻ hợp lý về mặt trực quan, nhưng làm như vậy sẽ bỏ qua kiến ​​thức dựa trên thực tế và bằng chứng về các huyền thoại hóa thạch ngày càng đáng tin cậy. Những điều này thực ra cũng thú vị chẳng kém gì các truyền thuyết và đáng ra cần được chú ý hơn những giải thích ngụy khoa học hoàn toàn dựa trên suy đoán”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
7 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới khoa học làm rõ nguồn gốc linh thú "đầu đại bàng, thân sư tử"