Trong buổi họp với ngành giáo dục vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn.

Giáo viên ngổn ngang suy tư trước dự thảo xóa bỏ biên chế giáo dục

Hải Yến | 20/05/2017, 06:02

Trong buổi họp với ngành giáo dục vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết Bộ sẽ triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức trong giáo viên mà sẽ theo chế độ hợp đồng có vào - có ra, có chế độ đãi ngộ lớn.

Có thể nói, nếu chủ trương trên được thực hiện thì sẽ tác động rất lớn đến hàng triệu giáo viên đang công tác ở khắp mọi miền của đất nước. Mục tiêu chính của vấn đề xóa bỏ công chức, viên chức chính là nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống giáo dục.

Chia sẻ với phóng viên, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - Nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết ở các nước, các PGS.TS mới được vào ngạch biên chế, tuy nhiên số lượng này không nhiều, kể cả các tiến sĩ vào làm giảng viên cũng theo dạng hợp đồng không biên chế. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển, học hỏi, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách trau dồi các kiến thức để truyền tải tới học sinh.

"Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên cẩn trọng vì mỗi hệ thống giáo dục có một ưu - nhược điểm riêng. Ví dụ ở các nước châu Âu thì việc giảng dạy đó là suốt đời. Nhưng ở một số nơi khác thì cũng không như vậy, ngay cả khi làm giáo sư rồi cũng có sự cạnh tranh. Anh có thể vẫn là giáo sư nhưng không phải là vị trí được xếp đứng đầumà sẽ là người khác, có tính cạnh tranh cao hơn. Ngành giáo dục cần đảm bảo quyền lợi người lao động và tách biệt giữa chuyên môn và quyền lợi để các PGS, Tiến sĩ gắn bó với môi trường giáo dục. Chính các giáo viên sẽ biết ở đâu có môi trường giáo dục lành mạnh để họ làm việc." - ông Nhĩ cho hay.

Trao đổi với phóng viên, cô giáo Phạm Ngọc Anh - giáo viên trường THPT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) cho biết: "Hiện nay, công chức với mức lương khá thấp nhưng ở các vùng quê là có thể sinh sống được. Tuy nhiên bản thân tôi mới xin việc vào trường, cũng khá khó khăn mới xin được vào đây vì tốt nghiệp liên thông, nếu bây giờ áp dụng ngay hình thức bỏ biên chế, bản thân tôi cũng như các đồng nghiệp sẽ cảm thấy khá sốc.

Ngày xưa, thầy cô giáo luôn được tôn trọng, tuy nhiên ngày nay dù có muốn mắng các em vì tội không làm bài hay hư đốn cũng không dám. Thậm chí, các giáo viên cũng cảm thấy mất mát nhiều thứ trên con đường mưu sinh lập nghiệp. Nghề giáo bớt đi ít nhiều tính chất cao quý. Nhưng đó vẫn là một nghề đặc biệt đào tạo con người. Mong rằng không có giáo viên nào phải than phiền: “cầm bằng làm mướn, mướn không công" - cô Ngọc Anh chia sẻ.

Hiện nay, thực trạng xã hội chính là các giáo viên dạy hợp đồng, tư thục luôn nơm nớp lo sợ, muốn xin bằng được vào công chức, viên chứcđể ổn định. Tuy nhiên, những giáo viên xin được vào biên chế rồi lại bắt đầu lo lắng làm thế nào kiếm tiền để “bù” vào số tiền xin việc vào công chức.

“Thực ra mình thấyhọc đại học ra cũng khó xin được việc, đến khi bố mẹ vay mượn cho số tiền lớn để xin việc vào trường dạng biên chế luôn, nhưng lại lo lắng làm sao kiếm tiền để bù vào số tiền mà bố mẹ đã vay mượn bỏ ra xin việc. Thậm chí với những giáo viên lâu năm, nếu xóa bỏ và cào bằng các giáo viên sẽ rất thiệt thòi cho những giáo viên đã giảng dạy lâu năm từ 20-30 năm trở lên"– một giáo viên trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa cho biết.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài - giáo viên trường THPT Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội nêu quan điểm: "Bản thân tôi rất ủng hộ việc xóa bỏ công chức, viên chức trong giáo dục để các thầy cô luôn vận động, thời đại mới nên cần có sự tương tác qua lại giữa các giáo viên và học sinh.Tuy nhiên, việc làm này cần có lộ trình cụ thể, rõ ràng để các thầy cô giáo yên tâm cống hiến.

Hơn nữa nên chú ý hơn về chế độ đãi ngộ các giáo viên, nếu như các thầy cô còn lo lắng về sự bấp bênh của chính "nồi cơm" củamình thì cũng khó để nâng cao hiệu quả giảng dạy. Nghề nghiệp nào cũng có sự cạnh tranh, nên việc xóa bỏ đi công chức, viên chức là xóa bỏ thói chây ì, ỷ lại của chính các thầy cô giáo trong ngành giáo dục vì họ luôn nghĩ họ đã là viên chức rồi thì không ai đuổi được họ. Nếu vi phạm, có căng lắm chỉ là thuyên chuyển công tác" - cô Hoài cho hay.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội nêu ý kiến, việc triển khai thí điểm không còn công chức, viên chức giáo viên phải dựa trên xây dựng đề án cụ thể. Theo đó, đề án phải đưa ra yêu cầu cụ thể đối với những người có phẩm chất, năng lực, đặc thù nghề giáo và đảm bảo sự công bằng, minh bạch.

Hiện nay, ở nhiều nơi việc tuyển dụng nhân lực nói chung và giáo viên nói riêng vẫn chưa thực sự trọng dụng người tài. Tình trạng tuyển dụng công chức, viên chức giáo viên vẫn còn theo kiểu “con ông cháu cha” hay mang tính “thương mại”. Vì vậy, việc triển khai không còn công chức, viên chức giáo viên phải gắn với công tác tuyển dụng một cách minh bạch, có chính sách đãi ngộ tốt. Điều này sẽ giúp cho các thầy cô giáo có thể tự nuôi sống được bản thân và gia đình để toàn tâm, toàn ý vào công việc; không nghĩ đến tổ chức dạy thêm-học thêm, tìm kiếm thêm công việc khác để có thêm thu nhập.

Đối với những giáo viên trẻ, Bộ GD-ĐT cũng nên có yêu cầu, chuẩn nghề nghiệp hay hình thức thi đua để thúc đẩy họ luôn phấn đấu. Sau một thời gian bồi dưỡng, nếu thầy cô nào không đạt được một số tiêu chuẩn tối thiểu thì địa phương, trường học có thể luân chuyển, điều động hoặc dừng hợp đồng lao động.

Tuy nhiên, theo khảo sát trong bài phỏng vấn của báo điện tử Một Thế Giới, đa số các giáo viên giảng dạy lâu năm ủng hộ chuyển đổi mô hình tuyển dụng giáo viên là đúng vì chất lượng giáo dục phải là sự cạnh tranh và trên thực tế có rất nhiều giáo viên bỏ biên chế sang hợp đồng để có thu nhập khá hơn, tuy nhiên đó không phải là tất các giáo viên đều muốn như vậy.

Mô hình giáo dục chuyển từ biên chế sang hợp đồng của Bộ GD-ĐT có thể sẽ gặp nhiều khó khăn mà khó khăn lớn nhất vẫn là sự đồng thuận của giáo viên, giảng viên ở các cấp học. Vì vậy, trong quá trình thực hiện cần phải làm tốt công tác tư tưởng, nếu không sẽ gây tâm lýkhông tốt cho giáo viên, ảnh hưởng tới môi trường sư phạm, xây dựng con người.

Dạ Thảo
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo viên ngổn ngang suy tư trước dự thảo xóa bỏ biên chế giáo dục