Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng môn Lịch sử bị "coi thường" trên nhiều phương diện và việc học sinh chán học môn Sử cũng là điều dễ hiểu.

Giáo sư Phan Huy Lê: Hãy để học sinh tự nguyện yêu môn Sử

Một Thế Giới | 14/12/2015, 07:20

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng môn Lịch sử bị "coi thường" trên nhiều phương diện và việc học sinh chán học môn Sử cũng là điều dễ hiểu.

Nên để học sinh tự nguyện yêu môn Sử
"Lâu nay, môn học Lịch sử là môn học bắt buộc trong các trường THCS và THPT nhưng có thể nhận thấy học sinh không thích học lịch sử. Nếu đưa Lịch sử là môn học bắt buộc thì chúng ta đã thấy những học sinh đạt điểm cao không nhiều. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn học này.
Học hết cấp phổ thông nhưng hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ. Thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hoặc nhớ sai. Và vấn đề quan trọng là ngành giáo dục nói chung và các giáo viên Sử phổ thông nói riêng cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học môn Sử để đáp ứng yêu cầu của công cuộc “Đổi mới căn bản và toàn diện”, để làm cho học sinh không chán Sử và yêu Sử hơn.
mon hoc, lich su, tich hop, Phan Huy Le, bat buoc
Giáo sư Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam
Mỗi sự kiện lịch sử tự nó đã nói lên nhiều điều. Các giáo viên Sử chúng ta phải làm cho học sinh tiếp thu những kiến thức này một cách tự nhiên mà không cảm thấy bị gò ép bởi một loạt những phân tích áp đặt. Tiếp theo đó là những câu chuyện lịch sử hấp dẫn có tính chất minh họa. Cách làm này vừa phát huy được trí sáng tạo của học sinh, vừa làm cho các em dễ tiếp thu, dễ nhớ.
Trong việc truyền thụ, giáo viên giữ vai trò hết sức quan trọng, bởi ngoài khả năng sư phạm giáo viên Sử thường phải đọc nhiều, biết nhiều và hiểu nhiều. Những giáo viên dạy Sử hay thường là những người giúp các em dễ nhớ các kiến thức, sự kiện bằng những cách diễn giải sinh động và những chuyện kể hấp dẫn. Hãy để các em tự nguyện yêu môn Sử qua từng câu chuyện sinh động", giáo sư Phan Huy Lê lý giải.
"Bên cạnh đó, để góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn Lịch sử, giúp học sinh và giáo viên có hứng thú hơn trong học tập và giảng dạy bộ môn này, chúng tôi đã có những phân tích cụ thể đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa môn Sử như sau:
Về cấu trúc, phải phân biệt rõ sự khác nhau về nội dung chương trình lịch sử ở các bậc học; đặt chương trình môn Lịch sử bậc THPT trong tổng thể chương trình các bậc học để thiết kế theo nguyên tắc tích hợp, tránh sự trùng lặp về nội dung. Tốt nhất là bỏ hẳn cấu trúc chương trình đồng tâm kiểu mở rộng về lượng mà chuyển sang tích hợp theo hướng tăng cường về chất.
Về nội dung, kiến quyết giảm tính “hàn lâm” trong biên soạn sách giáo khoa, đảm bảo dung lượng kiến thức theo đúng nghĩa phổ thông; bỏ hẳn nội dung lịch sử từng nước trên thế giới; chú trọng quan điểm “quần chúng là người làm ra lịch sử”; toàn diện nhưng có trọng tâm; chọn lọc kỹ những sự kiện, địa danh, nhân vật tiêu biểu.
Việc tìm ra phương cách nào để cải thiện và nâng cao dạy học lịch sử trong trường phổ thông là câu hỏi giản dị nhưng chắc chắn trả lời không dễ, nếu tìm được lời giải thỏa đáng thì đó chính là hướng đi mới cho việc dạy học lịch sử.
Bộ GD&ĐT cần phải xác định đúng vị thế của môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông. Lịch sử phải coi là môn học đặc biệt, không chỉ trang bị kiến thức mà còn dung dưỡng tâm hồn, tình cảm của công dân với dân tộc; góp phần giáo dục thế hệ trẻ tinh thần yêu nước và trách nhiệm của công dân với Tổ quốc. Nó phải là một môn học độc lập và bắt buộc".
Lịch sử phải là môn học bắt buộc
Trong cuộc trò chuyện, giáo sư Phan Huy Lê cũng cho rằng môn Sử phải là môn bắt buộc và độc lập trong cả nền giáo dục phổ thông. Đó chính là điểm mấu chốt.
"Có người cho rằng chúng tôi phản đối tích hợp môn Lịch sử là muốn tách môn này ra ngoài những môn khoa học khác. Xin nói rõ lại là không phải. Chúng tôi chỉ muốn môn Lịch sử xứng đáng với vị trí và yêu cầu của nó trong nền giáo dục", giáo sư Phan Huy Lê nói.
mon hoc, lich su, tich hop, Phan Huy Le, bat buoc
Hãy biến môn Lịch sử trở thành môn học không nhàm chán
Giáo sư Lê cũng cho hay: "Tích hợp không phải bây giờ mới đặt ra mà từ nửa sau thế kỷ 20, sau chiến tranh thế giới thứ hai, sử học ở Việt Nam là một trong những ngành đi đầu. Việc tích hợp lịch sử với môn khác là xu thế của giáo dục hiện đại. Hội không phản đối mà còn ủng hộ vì sử học có mối quan hệ với các ngành khác. Nhưng phải hiểu tích hợp là gì? Đó không phải là gán ghép một cách cơ học một bộ phận của môn này với bộ phận của môn khác. Như vậy không phải là tích hợp mà là sự cắt xén.
Một khía cạnh để thảo luận, vậy thì môn Lịch sử đặt ở vị trí như thế nào? Tôi và các chuyên gia đều thống nhất là môn Lịch sử trong đó có Lịch sử Việt Nam (Quốc sử) vô cùng quan trọng. Nó phải đặt ngang vị trí với môn tiếng Việt (Quốc ngữ) và Văn học Việt Nam (Quốc văn). Như vậy ba môn Quốc sử, Quốc ngữ, Quốc văn cùng với Toán học là những môn bắt buộc.
Với đề án xây dựng đổi mới căn bản toàn diện môn học, cá nhân tôi cũng như Hội sẵn sàng đóng góp ý kiến để xây dựng đề án mới, trong đó đặc biệt là xây dựng chương trình và biên soạn sách giáo khoa môn Lịch sử.
Trước khi có sự thay đổi mang tính hệ thống đó, chúng tôi cũng nỗ lực để có những thay đổi phần nào đó trong giáo dục lịch sử. Hội đã tổ chức các hội thảo khoa học về thực trạng dạy môn Lịch sử trong trường học, tổ chức trao thưởng cho học sinh và sinh viên giỏi sử để khích lệ tinh thần của các em.
Khi đổi mới giáo dục phổ thông, phải cải cách toàn diện và có hệ thống trong việc dạy và học môn Sử, làm thế nào để biến môn này trở thành môn học sinh yêu thích, đầy hứng thú như một môn khoa học. Đến nay, chúng ta vẫn chưa coi môn Sử là một môn khoa học, vẫn dạy lịch sử một cách áp đặt thì việc học sinh chán nản môn Sử cũng là điều dễ hiểu".
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể do Bộ GD&ĐT mới công bố, giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp THCS 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT 3 năm). Lộ trình triển khai áp dụng Chương trình, sách giáo khoa mới: Năm học 2018 - 2019: lớp 1, lớp 6, lớp 10; năm học 2019 - 2020: lớp 2, lớp 7 và lớp 11; năm học 2020 - 2021: lớp 3, lớp 8, lớp 12; năm học 2021 - 2022: lớp 4, lớp 9; năm học 2022 - 2023: lớp 5.
Minh Khuê (ghi)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giáo sư Phan Huy Lê: Hãy để học sinh tự nguyện yêu môn Sử