Với hàng loạt những vụ xâm hại tình dục liên tiếp được báo chí đưa thông tin vừa qua đã dấy lên làn sóng phản đối cũng như lo lắng từ phía phụ huynh cho chính con em của mình.
Vấn đề tiếp tục được đặt ra khi Bộ GD-ĐT đang xây dựng chương trình phổ thông tổng thể, dự kiến triển khai từ năm 2018, trong đó vấn đề giáo dục giới tính, định hướng nghề nghiệp cho các em được thể hiện một cách rõ ràng hơn.
Phóng viên báo điện tử Một Thế Giới đã có cuộc trò chuyện với giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó vấn đề giáo dục giới tính đang là cấp thiết, nóng hổi là vấn đề sẽ được đưa vào trong bộ sách giáo khoa (SGK) trong các học kỳ tới.
- Thưa ông, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đã được chuẩn bị đến đâu rồi và những dự tính của chương trình khi áp dụng vào xã hội?
Sau một thời gian chuẩn bị, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã hoàn thành và dự kiến cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến dư luận trước khi được ban hành chính thức vào tháng 9.2017. Theo đó, chương trình giáo dục phổ thôngthay đổi những nội dung trong SGK sẽ dần hình thành và phát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu bao gồm: nhân ái, khoan dung; chuyên cần, tiết kiệm; trách nhiệm, kỷ luật; trung thực, dũng cảm...
Đến nay, dự thảo chương trình này đã hoàn thành, dự kiến công bố rộng rãi vào cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4 để lấy ý kiến dư luận trước khi ban hành vào tháng 9 tới và chương trình có thể triển khai ngay ở năm 2018. Chương trình sẽ được áp dụng vào các cấp học từ đầu cấp ví dụ lớp 1, lớp 6, lớp 10 tùy tình hình cụ thể. Trong đó vấn đề về giáo viên giảng dạy cũng được chú trọng nhiều hơn. Bộ GD-ĐT đã có chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho các thầy, cô giáo, đồng thời phát triển chương trình viết tài liệu, xây dựng trang web bồi dưỡng giáo viên.
- Vậy những chương trình biên soạn sách giáo khoa mới chỉ thay đổi những quyển, phần không phù hợp hay là thay thế toàn bộ, thưa ông? Và vấn đề giáo dục giới tính sẽ được đưa vào SGK như thế nào?
Đề án đổi mới xác định tinh thần “kế thừa” chương trình, SGKhiện hành, bộ SGK hiện hành được dạy thử nghiệm 4 năm ở hàng trăm trường, với sự tham gia của hàng trăm nghìn giáo viên và học sinh mà khi triển khai còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nếu lần này, đề án đổi mới chỉ chủ trương dạy thử nghiệm những nội dung mới và giao việc này cho các tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa tự thực hiện, tự đánh giá thì khó có thể yên tâm về chất lượng và tính khả thi của những bộ sách giáo khoa đó.
Ở vấn đề đưa giáo dục giới tính vào bộ SGK mới, thì bộ sách này sẽ đề cập nhiều hơn tới các vấn đề giáo dục giới tính cho các em. Các kiến thức giúp học sinh tự nhận thức được việc bảo vệ mình trước xâm hại tình dục sẽ được lồng ghép trong các môn như Khoa học đời sống, Kiến thức pháp luật, Sinh học ở các cấp học. Vì trước đó chương trình học tại trường của các em chưa đề cập nhiều đến giới tính. Toàn ngành sẽ đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục để trường học thực sự là môi trường an toàn, lành mạnh cho học sinh.
Chương trình mới sẽ lấy người học làm trung tâm, kết hợp giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và xã hội, xây dựng theo hướng mở, bảo đảm quyền tự chủ của người học, quyền chủ động của địa phương, cơ sở và không gian sáng tạo cho người viết sách giáo khoa cũng như giáo viên.
- Vậy theo ông, ngoài vấn đề giáo dục giới tính cho các em thì còn có vấn đề nào đáng lưu ý trong bộ SGK mới và toàn hệ thống đổi mới chương trình giáo dục phổ thông?
Điều đáng chú trọng nhất ở chương trình giáo dục phổ thông mới lần này đó chính là cụ thể hóa mục tiêu giáo dục phổ thông. Giúp họcsinh hình thành và phát triển những phẩm chất, năng lực, đáp ứng nhu cầu hoàn thiện nhân cách của các cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.
Chính vì thế, ngay ở chương trình THCS (lớp 10) các em học sinh sẽ được định hướng nghề nghiệp một cách cụ thể và toàn diện. Với sự định hướng này sẽ giúp các em phát triển các phẩm chất, năng lực đã được hình thành và phát triển ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành phương pháp học tập, hoàn chỉnh tri thức và kỹ năng nền tảng để tiếp tục học lên THPT, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
Riêng tại chương trình giáo dục THPT, học sinh sẽ tiếp tục phát triển những phẩm chất, năng lực của người lao động, nhân cách công dân, ý thức về quyền và nghĩa vụ đối với đất nước; khả năng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và sở thích, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân để tiếp tục học lên, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.
- Vậy việc đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn hóa là nhiệm vụ nòng cốt của việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới, thưa ông?
Việc đào tạo đội ngũ giáo viên chuẩn hóa chỉ là yếu tố đi kèm cùng với nhiều yếu tố khác như đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao cơ sở vật chất của các trường. Vì nếu chỉ trông chờ vào mỗi việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa thì cũng không thể nâng cao được chất lượng giáo dục phổ thông hiện nay.
Cảm ơn ông vì những chia sẻ.
Dạ Thảo