Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Gian lận, giả mạo xuất xứ liên tục gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi

09/12/2019, 10:52

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Gian lận xuất xứ ngày càng gia tăng - Ảnh: minh họa

Theo báo cáo của Tổ công tác của Thủ tướng về kết quả thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao các bộ, cơ quan, địa phương và kết quả hoạt động của tổ công tác tháng 11 năm 2019, Tổ công tác đã làm việc với 5 bộ, cơ quan nhằm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ giao, liên quan đến cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận, giả mạo xuất xứ; làm việc với 12 Bộ, cơ quan trong việc thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và việc bãi bỏ văn bản ban hành trái pháp luật của các bộ, cơ quan.

Theo tổ công tác, việc gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đã và đang ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính, dễ bị áp dụng biện pháp trừng phạt, mất đi thương hiệu Việt Nam, gây thiệt hại không thể tính toán được đối với nền kinh tế nước ta.

Các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa của Việt Nam liên tục gia tăng, với nhiều hình thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi với 2 nhóm hành vi: Nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ trong nước và nhóm hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp để xuất khẩu.

Báo cáo chỉ ra, các nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ, gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép; xe đạp, xe đạp điện và linh kiện của xe đạp, xe đạp điện; gỗ và các sản phẩm gỗ; dệt may; da giày, túi xách; vali, mũ, ô, dù; thủy sản; giấy và các sản phẩm từ giấy; đinh vít, máy móc, thiết bị khác.

Nguyên nhân, theo tổ công tác, trước hết là do hành lang pháp lý về vấn đề này không theo theo kịp diễn biến thực tế. Quy định về quy tắc xuất xứ với một số mặt hàng còn lỏng lẻo; việc quy định kiểm tra hồ sơ xin cấp C/O chưa chặt chẽ; quy định pháp luật về xuất xứ chưa cụ thể, chưa bao quát được, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa.

Một số doanh nghiệp lợi dụng việc tổ chức cấp C/O tạo sự thông thoáng trong khâu kiểm tra hồ sơ trước khi xuất khẩu để thực hiện hành vi gian lận về chứng từ chứng minh xuất xứ hàng hóa hoặc lợi dụng việc cấp các loại Giấy chứng nhận khác có nội dung tương tự C/O để gian lận.

Ví dụ, VCCI cấp Giấy chứng nhận một công đoạn gia công được thực hiện tại Việt Nam hoặc hàng hóa được xuất khẩu từ Việt Nam, không có ý nghĩa trong việc chứng nhận xuất xứ hàng hóa của Việt Nam.

Một nguyên nhân khác là chưa có sự phối, kết hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa các lực lượng kiểm soát, quản lý sản xuất trong nước với cơ quan Hải quan trong việc kiểm soát xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Cùng với đó là tình trạng lợi dụng việc một số nước nhập khẩu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Một số nước (kể cả Hoa Kỳ) cho phép nhà nhập khẩu được tự khai báo, tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên xuất hiện hành vi gian lận xảy ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Điều này vượt tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng Việt Nam.

Tổ công tác kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện, sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trình trong quý 2/2020; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, trình trong háng 12.2019.

Đồng thời, khẩn trương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định về cách xác định hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam theo đúng quy trình, thủ tục của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; cung cấp cho Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) danh sách các mặt hàng bị điều tra, áp thuế chống phá giá, thuế chống trợ cấp mà các nước sử dụng đối với thị trường có nguy cơ chuyển tải qua Việt Nam…

Bộ Tài chính theo dõi chặt chẽ việc nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa của Việt nhằm đề phòng hàng hóa các nước chuyển hướng sang Việt Nam sau đó lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu sang các thị trường khác.

Theo dõi số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các mặt hàng thuộc Danh sách và các mặt hàng Việt Nam đang điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để hàng tháng cung cấp thông tin cho Bộ Công Thương, Bộ Công an, đặc biệt lưu ý hiện tượng kim ngạch xuất nhập khẩu biến động bất thường.

Bộ Khoa học và Công nghệ tăng cường công tác thanh, kiểm tra đối với việc ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại thị trường trong nước để kịp thời phát hiện các hành vi ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khuyến cáo các hiệp hội doanh nghiệp về nguy cơ bị áp dụng các biện pháp trừng phạt do gian lận xuất xứ.

Cùng với đó là siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận xuất xứ theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP. Khẩn trương kết nối hệ thống trao đổi dữ liệu cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa qua Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương, cổng thông tin một cửa quốc gia, trong tháng 12.2019. Tăng cường nguồn nhân lực thực hiện cấp C/O để bảo đảm việc cấp C/O theo đúng quy trình theo quy định.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gian lận, giả mạo xuất xứ liên tục gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi