Trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán xăng dầu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Giảm sự can thiệp của Nhà nước với xăng dầu

Tuyết Nhung 18:20 30/03/2024

Trong dự thảo mới, Bộ Công Thương đề xuất giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán xăng dầu.

Trong dự thảo tờ trình về việc ban hành nghị định thay thế Nghị định 83/2014 và các nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu vừa được hoàn thiện, Bộ Công Thương đã đề xuất một số thay đổi về công thức và cơ chế giá xăng dầu để đáp ứng tình hình thực tiễn.

Bộ Công Thương cho biết hiện nay giá xăng dầu là mức giá tối đa do Nhà nước công bố định kỳ dựa trên công thức giá xăng dầu cơ sở. Theo cơ chế này, Nhà nước ban hành tiêu chí, công thức tính giá, thông số tính toán giá..., can thiệp quá sâu vào quyết định giá của doanh nghiệp.

Do vậy, trong dự thảo mới lần này, Bộ Công Thương đề xuất giảm hẳn sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào việc quyết định giá bán của nhà kinh doanh theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố hình thành giá và để nhà kinh doanh tự quyết định giá.

Nhà nước công bố giá thế giới bình quân 15 ngày, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ các yếu tố cố định như thuế các loại, được quyền cộng thêm các khoản chi phí định mức đã được quy định để công bố giá bán xăng dầu trên thị trường. Tuy nhiên, giá bán xăng dầu của thương nhân đầu mối trên thị trường không được vượt quá giá tính toán theo công thức.

Công thức tính toán được Bộ đưa ra là: Giá bán xăng dầu tối đa = giá xăng dầu thế giới x tỉ giá ngoại tệ + thuế nhập khẩu + thuế tiêu thụ đặc biệt + thuế bảo vệ môi trường + thuế giá trị gia tăng + tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

"Trường hợp tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh tỉ lệ chi phí kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp phù hợp với tình hình thực tế. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu căn cứ công thức tính giá nêu trên để tính toán, công bố giá bán xăng dầu trong hệ thống không quá giá bán tối đa", Bộ Công Thương giải thích.

Cũng theo dự thảo, quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ tiếp tục được duy trì, mặc dù cơ quan soạn thảo nhìn nhận việc vận hành quỹ phát sinh bất cập. Tuy nhiên, trên cơ sở Luật Giá, dự thảo đưa ra phương án là nghị định mới sẽ quy định cụ thể trường hợp trích lập, chi sử dụng quỹ.

Quy định cho phép thương nhân phân phối mua hàng của nhau cũng gây khó khăn trong kiểm soát nguồn cung. Vì vậy, dự thảo nghị định mới dù không loại bỏ loại hình này, nhưng sẽ có quy định chặt chẽ hơn là chỉ cho phép thương nhân phân phối được mua xăng dầu từ thương nhân đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau.

Trao đổi với báo chí chiều 29.3 về việc xây dựng Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Nguyễn Thúy Hiền cho biết, đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường và Nhà nước ban hành nguyên tắc công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định.

Đối với nội dung thứ 2 về cơ chế bình ổn giá xăng dầu, thời gian qua, quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập và cần được nghiên cứu, xem xét, sửa đổi. Theo đó, việc quy định cụ thể hơn về mức trích, chi và thời gian trích, chi cũng như các nội dung khác liên quan cũng đang được xem xét.

Đối với dự thảo nghị định thì đúng như dự kiến, nội dung này quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá thì Bộ Công Thương mới chủ trì phối hợp với các bộ, ngành đề xuất, tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá xăng dầu, điều này cũng phù hợp với quy định Luật Giá năm 2023 và bắt đầu có hiệu lực từ 1.7.2024.

Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân - người phát ngôn của Bộ Công Thương cho hay, theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật thì Nghị định kinh doanh xăng dầu mới để thay thế 3 nghị định quản lý xăng dầu hiện nay cần có thời gian để đăng công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong vòng 60 ngày, Bộ Công Thương trong quá trình soạn thảo đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến hoàn thiện bắt đầu từ 27.3.

Nghị định dự thảo mới có rất nhiều nội dung có nhiều đổi mới, mang tính chất đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, trong quá trình điều hành cũng cần phải vừa tiếp cận được thị trường nhưng phải có sự điều tiết của cơ quan nhà nước.

"Liên quan đến điều hành giá, hiện nay việc điều hành giá trên tinh thần liên bộ, đưa ra mức giá trần để tham khảo và từ đó các doanh nghiệp đưa ra mức giá tính toán của mình sao cho phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế của họ, nhưng không vượt mức giá trần", Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay.

Bài liên quan
Chiều 7.3, giá xăng dầu đồng loạt giảm nhẹ
Từ 15 giờ hôm nay (7.3), giá bán lẻ xăng E5 RON 92 giảm 240 đồng/lít và xăng RON 95 giảm 370 đồng/lít.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giảm sự can thiệp của Nhà nước với xăng dầu