Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Giám sát 36 mặt hàng xuất khẩu, hiểu được vì sao hàng Việt dễ bị điều tra

Tuyết Nhung | 26/05/2022, 19:12

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam ngày càng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Xuất khẩu tăng cao, hàng Việt Nam ngày càng bị điều tra

Xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa Việt Nam đã thâm nhập được và có chỗ đứng tại nhiều thị trường. Nếu như năm 2001 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam mới đạt hơn 30 tỉ USD, thì năm năm 2011 đã đạt 200 tỉ USD; năm 2021 đạt 668,5 tỉ USD. Về xuất khẩu của nước ta đã tăng từ mức 15 tỉ USD vào năm 2001 lên hơn 96 tỉ USD vào năm 2011, và đạt 336 tỉ USD vào năm 2021.

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ mình.

thep.jpg
Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng mạnh qua từng năm - Ảnh: Internet

Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Trên thực tế, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta đã tăng nhanh trong những năm gần đây.

Tính đến hết quý 1/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung Quốc và khi Việt Nam tham gia nhiều FTA thế hệ mới như: CPTPP, EVFTA...

Khi các doanh nghiệp xuất khẩu của một nước bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, các doanh nghiệp này thường tìm cách khắc phục bằng việc chuyển sản xuất sang nước khác. Trong khi đó, với chính sách thuận lợi đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang là một trong những lựa chọn của các doanh nghiệp đó để dịch chuyển sản xuất.

Tuy nhiên, điều này khiến xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến, Việt Nam càng dễ trở thành đối tượng theo dõi, điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bổ sung hoặc chế tài xử phạt của nước nhập khẩu.

Đối với các ngành xuất khẩu của Việt Nam, việc bị nước ngoài điều tra lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp sẽ dẫn tới những tác động tiêu cực như: ảnh hưởng đến ngành hàng liên quan và các doanh nghiệp sản xuất/xuất khẩu chân chính, làm giảm uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam mà lâu dài còn tác động tiêu cực tới sức cạnh tranh của cả nền kinh tế nước ta nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia hàng loạt FTA có yêu cầu cao về xuất xứ.

Theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng

Đại diện Bộ Công Thương cho biết đã và đang theo dõi biến động xuất khẩu của 36 mặt hàng và định kỳ đưa ra danh sách cảnh báo gồm 11 mặt hàng để thông tin cho các cơ quan chức năng, các hiệp hội, doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Kết quả xác minh đã phát hiện một số doanh nghiệp cá biệt có vi phạm về xuất xứ hàng hóa hoặc chỉ thực hiện các công đoạn sản xuất có hàm lượng giá trị gia tăng không đáng kể tại Việt Nam, từ đó các cơ quan chức năng có biện pháp xử lý phù hợp.

Kể từ thời điểm lần đầu tiên Bộ Công Thương công bố danh sách cảnh báo vào tháng 7.2019, tới nay đã có 7 sản phẩm nằm trong danh sách cảnh báo bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại, cụ thể là gỗ dán có nguyên liệu làm từ gỗ cứng, đệm mút, lốp xe ô tô, ống đồng, mật ong, thép chống ăn mòn, gạch men.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 01.3.2020 phê duyệt Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316). Hệ thống cảnh báo sớm được xây dựng trên nguyên tắc theo dõi biến động xuất khẩu của những mặt hàng đã bị thị trường xuất khẩu áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại hoặc các biện pháp hạn chế thương mại khác với nước thứ ba nhưng chưa áp dụng biện pháp tương tự đối với Việt Nam.

Nếu xuất hiện những yếu tố rủi ro như xuất khẩu từ Việt Nam có sự tăng trưởng nhanh, hàng Việt Nam chiếm thị phần đáng kể tại thị trường xuất khẩu hay có những dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp sản xuất tại thị trường xuất khẩu đang bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ hàng Việt Nam, hệ thống sẽ đưa những mặt hàng này vào danh sách cảnh báo khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại bởi nước ngoài.

Doanh nghiệp có thể chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình một cách hợp lý nhằm tránh để bị ảnh hưởng lớn trong trường hợp hoạt động xuất khẩu có kết quả không mong muốn do biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài gây ra.

Các hoạt động cảnh báo sớm hỗ trợ doanh nghiệp dù mới được triển khai nhưng đã thu được một số kết quả tích cực ban đầu. Ví dụ, trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm lốp xe, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam chiếm 95,5% tổng kim ngạch xuất khẩu lốp xe của Việt Nam sang Mỹ không bị áp thuế chống bán phá giá. Trong vụ việc Mỹ điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm ống đồng, thuế chống bán phá giá đối với doanh nghiệp Việt Nam là 8,35%, thấp hơn nhiều so với mức do ngành sản xuất trong nước của Mỹ cáo buộc 110%.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định: "Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan liên quan xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm theo lộ trình tại Đề án 316 và thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 824 nhằm tăng cường hơn nữa việc quản lý, giám sát các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để đảm bảo uy tín hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam".

Bài liên quan
Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam và nỗi lo trồng rừng
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu có thuận lợi về thị trường, tuy nhiên vùng nguyên liệu chế biến chưa đủ đáp ứng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
37 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giám sát 36 mặt hàng xuất khẩu, hiểu được vì sao hàng Việt dễ bị điều tra