Trong tháng 10 này, mùa giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên lại tiếp tục sứ mệnh phục vụ người hâm mộ món bóng đá sạch, thịnh soạn và đẳng cấp. Gọi là mùa giải vì ở Việt Nam hiếm có giải bóng đá nào (kể cả các giải đấu chuyên nghiệp chứ không riêng gì các giải trẻ) lại được tổ chức quy mô, bài bản, có chiều sâu và rộng như thế.

Giải U.21 Báo Thanh Niên - sân chơi truyền thống, thương hiệu đẳng cấp

DDVN | 20/10/2016, 05:54

Trong tháng 10 này, mùa giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên lại tiếp tục sứ mệnh phục vụ người hâm mộ món bóng đá sạch, thịnh soạn và đẳng cấp. Gọi là mùa giải vì ở Việt Nam hiếm có giải bóng đá nào (kể cả các giải đấu chuyên nghiệp chứ không riêng gì các giải trẻ) lại được tổ chức quy mô, bài bản, có chiều sâu và rộng như thế.

Giải đấu quy mô và chuyên nghiệp

Bắt đầu với vòng loại được tổ chức trên khắp 3 miền đất nước, Giải U.21 Báo Thanh Niên đã gióng hồi trống đánh thức bóng đá trẻ trên khắp đất nước, để tất cả các tài năng ở lứa tuổi đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam có cơ hội thể hiện mình, phô diễn tài năng. Sau đó là Vòng chung kết quốc gia U.21 Báo Thanh Niên, nơi hội tụ tất cả các tinh hoa của bóng đá trẻ Việt Nam. Đặc biệt trong 10 năm qua, giải lại được nâng tầm thêm một bước cao hơn nữa với Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên - sân chơi đẳng cấp hàng đầu của bóng đá trẻ khu vực với sự góp mặt của những đội bóng trẻ xuất sắc nhất khu vực và cả châu lục.

Như vậy là chỉ trong vòng 2 tháng, với sự tổ chức bài bản, khoa học và chuyên nghiệp thì Giải U.21 Báo Thanh Niên có thể đưa một cầu thủ ít tên tuổi ở một tỉnh lẻ nào đó đến với sân chơi đỉnh cao bóng đá khu vực, giúp bóng đá Việt Nam tìm được thêm tài năng, giúp khán giả mãn nhãn với bóng đá sạch. Đó chính là tôn chỉ mục đích của những người khai sinh ra Giải U.21 Báo Thanh Niên cách đây gần 20 năm. Có thể nói rằng ở Việt Nam, không có giải đấu thể thao nào mà có truyền thống và đẳng cấp như Giải U.21 Báo Thanh Niên. Cũng có giải này giải kia ra đời sớm hơn nhưng càng về sau càng nhạt rồi rơi vào sự quên lãng, không gợi chút quan tâm trong lòng người hâm mộ. Riêng Giải U.21 Báo Thanh Niên thì sau gần 20 năm không hề nhạt mà ngày càng đậm đà hơn, chất lượng hơn và trở thành thương hiệu được mặc định trong tình yêu và niềm tin của người yêu bóng đá Việt Nam.

Ngày 28.10.2014, trận chung kết Giải U.21 quốc tế Báo Thanh Niên giữa U.19 HA.GL và U.21 Thái Lan đã tạo ra một con số trong mơ. Trận đấu đã thu hút hơn 50.000 khán giả đến sân Cần Thơ, xác lập kỷ lục của bóng đá Việt Nam về chuyện khán giả đến sân dõi theo một trận đấu. Theo nhiều người, đó là con số kỷ lục của cả nền thể thao Việt Nam chứ không riêng gì bóng đá và đáng ra con số đó còn có thể cao hơn nữa nếu như sức chứa của sân Cần Thơ lớn hơn. Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan khi đó là ông Worawi Makudi cũng có mặt trên sân và ông đã phải thốt lên với nhà báo Nguyễn Công Khế rằng ông cảm thấy choáng trước sức nóng của trận đấu. Ông Worawi Makudi cũng nói rằng ông đi nhiều nước chưa từng thấy ở đâu mà bóng đá trẻ được hâm mộ cuồng nhiệt như vậy.

Ngay cả ở Thái Lan thì các trận đấu bóng đá trẻ cũng thường chỉ có vài trăm khán giả đến sân. Có lẽ vì thích sức nóng của Giải U.21 Báo Thanh Niên nên năm nào người Thái cũng gửi đội trẻ mạnh nhất của họ tham gia. Đơn giản vì họ không dễ kiếm đâu một giải trẻ chất lượng để thử lửa, để cho các cầu thủ được đọ sức với những cầu thủ trẻ hàng đầu khu vực, để được trải nghiệm trong cảm giác đá với áp lực từ hàng vạn người trên khán đài. Tương phản khi đó là cảnh bóng đá chợ chiều ở V-League khi mỗi trận đấu chỉ có vài ngàn hay tệ hơn là vài trăm người theo dõi. Thậm chí, một số CLB còn phải mở cửa tự do hay khuyến mãi đồ uống để “dụ dỗ” khán giả đến sân mà người ta cũng có thèm đến coi đâu. Vậy đâu là bí quyết giúp Giải U.21 thu hút khán giả?

Hữu xạ tự nhiên hương

Để giải đấu có thương hiệu trong lòng người hâm mộ và bạn bè trong khu vực như hiện giờ thì dứt khoát đó không thể là chuyện trong một sớm một chiều. Nó là quá trình được bồi đắp trong suốt gần 20 năm với một phương châm xuyên suốt là “Bóng thểđá sạch”. Đúng vậy, chỉ khi bóng đá sạch thì mới có thể “hữu xạ tự nhiên hương”, in dấu tâm trí người hâm mộ, mới khiến người ta tin tưởng và cổ vũ. Nhà báo Nguyễn Công Khế - người khai sinh ra Giải U.21 Báo Thanh Niên và luôn theo sát đứa con tinh thần này trong suốt 20 năm qua - nhiều lần nhấn mạnh rằng Giải U.21 tôn thờ Bóng Đá Sạch, tôn thờ sự cống hiến cho công chúng. Người hâm mộ Việt Nam rất yêu bóng đá và họ sẽ không bao giờ quay lưng với bóng đá sạch, bóng đá đẹp. Thực tế về sự phát triển của giải đấu theo năm tháng đã cho thấy triết lý bóng đá của nhà báo Nguyễn Công Khế là hoàn toàn đúng. Rất nhiều khán giả nói rằng họ không muốn đến sân xem giải chuyên nghiệp chỉ vì quá chán ngán với các tiêu cực của giải quốc nội. Khán giả không muốn xem những vở kịch trên sân cỏ khi các đội bóng thông đồng móc ngoặc nhường điểm cho nhau hay cầu thủ tranh thủ “kiếm thêm từ nhà cái”. Khán giả cũng không muốn xem các trận đấu mà trong đầu họ nghi ngờ nó có mùi.

Là người tiêu dùng thông minh, khán giả có quyền quay lưng với những sản phẩm không minh bạch về chất lượng nhưng sẵn sàng bỏ tiền, thời gian và sự quan tâm cho những sản phẩm đáp ứng được nhu cầu và kỳ vọng của họ. Giải U.21 Báo Thanh Niên chính là sản phẩm sạch, chất lượng được đảm bảo trong lòng người hâm mộ. Lần Giải VCK U.21 Báo Thanh Niên quốc gia 2015, rất nhiều khán giả nói rằng sau khi các đội bóng như Cảng Sài Gòn, Hải Quan không còn thì giờ họ mới trở lại sân Thống Nhất xem bóng đá. Họ nói xem các cháu thi đấu thì rất yên tâm vì “chúng nó đá vô tư sòng phẳng và không bao giờ lo niềm tin của mình bị đánh cắp”.

Giải đấu là bệ phóng của nhiều tài năng góp công cho bóng đá nước nhà sau này. Từ thế hệ ban đầu Trương Việt Hoàng, Đặng Phương Nam, Nguyễn Mạnh Dũng (Thể Công), Nguyễn Ngọc Thọ, Kim Phụng, Phùng Thanh Phương (TP.HCM), Phan Thanh Hoàn, Nguyễn Thế Anh, Dương Hồng Sơn, Phạm Văn Quyến, Cao Xuân Thắng, Lê Công Vinh (SLNA); cho đến sau này như Lê Tấn Tài, Nguyễn Quang Hải (K.Khánh Hòa), Đức Dương, Văn Nhiên (Nam Định), Phạm Thành Lương, Nguyễn Xuân Thành (Hà Nội ACB), Phan Thanh Hưng, Phan Thanh Phúc, Nguyên Sa (Đà Nẵng) đều từng trải qua Giải U.21 Báo Thanh Niên trước khi vụt sáng thành ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Chưa ai quên tiền đạo Nguyễn Quang Hải - người hùng AFF Cup 2008 - là cầu thủ nổi lên từ Giải U.21 Báo Thanh Niên trước đó 3 năm.

Những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường cũng trải qua Giải U.21 Quốc tế Báo Thanh Niên 2014 trước khi được bầu Đức tin tưởng đôn lên thi đấu V-League đầu năm 2015. Không chỉ là giải đấu sạch, là bệ phóng các tài năng, Giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên còn là sản phẩm bóng đá chất lượng đáp ứng thị hiếu của khán giả. Số lượng khán giả đông đảo đến sân chính là thước đo cho chất lượng chuyên môn, sự hấp dẫn của giải. Các nhà tài trợ tên tuổi: Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam (nhãn hàng Clear Men), Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Công ty cổ phần Đầu tư kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh... luôn sẵn lòng đồng hành cùng giải đấu chính là thước đo rõ ràng cho uy tín, thương hiệu của giải.

Lời cảm ơn

BTC giải U.21 BáoThanh Niênnăm 2016 - Cúp Clear Men chân thành cám ơn Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam, Công ty cổ phần Tôn Đông Á, Tổng công ty Hàng Không Việt Nam, Công ty cổ phần đầu tư kỹ thuật Berjaya Gia Thịnh.

Anh Tú/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
9 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giải U.21 Báo Thanh Niên - sân chơi truyền thống, thương hiệu đẳng cấp