Chọn hướng nghiên cứu mới, lần đầu được thực hiện tại Việt Nam cùng phương pháp phân tích hiện đại, TS. Trần Mạnh Trí cùng các cộng sự đã nghiên cứu sự xuất hiện của phthalates – “kẻ giết người thầm lặng” trong không khí trong nhà; từ đó là cơ sở dự báo mức độ tác động đến sức khỏe con người và chất lượng môi trường không khí trong nhà của các chất phthalates trong tương lai.
“Sự xuất hiện của phthalates trong không khí trong nhà tại một số tỉnh thành phía Bắc, Việt Nam và những liên quan đến rủi ro phơi nhiễm của con người” là công trình khoa học của TS. Trần Mạnh Trí (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội) được đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.
Phương pháp phân tích hiện đại
Theo TS. Trần Mạnh Trí, ô nhiễm môi trường và những ảnh hưởng của nó đến sức khỏe cộng đồng là chủ đề được quan tâm của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý môi trường và của toàn xã hội trên phạm vi toàn cầu. Ô nhiễm các hợp chất hữu cơ thuộc nhóm tác nhân gây rối loạn nội tiết, trong đó có nhóm chất phthalates trong môi trường không khí được quan tâm hơn cả.
Được biết, phthalates là nhóm chất dẻo hóa được sử dụng làm phụ gia trong các vật liệu bằng nhựa, sản phẩm chăm sóc cá nhân và vật dụng gia đình với hàm lượng lên đến vài phần trăm về khối lượng. Chính bởi các hợp chất phthalates được sử dụng rất rộng rãi nên chúng đã phân bố vào hầu hết các môi trường khác nhau và đi vào chuỗi thức ăn.
Độc tính của các hợp chất phthalates đã được nghiên cứu trên động vật phòng thí nghiệm, chúng được xác định là tác nhân gây rối loạn nội tiết, làm thay đổi hormone hệ sinh sản và hệ bài tiết trên động vật thí nghiệm như chuột và thỏ. Vì vậy, phthalates còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”.
Tại Việt Nam, đã có tiêu chuẩn về hạn chế hàm lượng của DEHP (thuộc nhóm phthalates) trong đồ uống do Bộ Y tế ban hành, năm 2011. Tuy nhiên, những hiểu biết về sự phân bố trong môi trường và rủi ro phơi nhiễm phthalates đến nay vẫn còn rất hạn chế.
TS. Trần Mạnh Trí - Ảnh: NVCC
Trong 2 năm thực hiện (từ nửa cuối năm 2015 – giữa năm 2017), TS. Trần Mạnh Trí cho biết nhóm tác giả đã xây dựng phương pháp phân tích hiện đại kết hợp với kỹ thuật thu mẫu sử dụng bơm hút tốc độ thấp với ống polyurthane foam (PUF) (giữ chất trong pha hơi) và màng lọc thạch anh (giữ chất trong pha hạt) để xác định đồng thời 10 chất phthalates điển hình trong không khí.
Phương pháp chuẩn hóa sau đó được áp dụng để xác định mức độ ô nhiễm 10 phthalates trong 97 mẫu không khí trong nhà theo các vi môi trường tại một số tỉnh thành phía Bắc, Việt Nam. Kết quả quan trọng của nghiên cứu là đã lập dựng bản đồ phân bố phthalates trong không khí trong nhà và giúp giải thích nguồn gốc ô nhiễm phthalates. Nghiên cứu này cũng đã ước lượng mức độ rủi ro và liều lượng phơi nhiễm phthalates qua con đường hít thở không khí đối với các nhóm lứa tuổi người Việt Nam khác nhau.
Hướng nghiên cứu mới, lần đầu thực hiện tại Việt Nam
Theo chia sẻ của TS. Trần Mạnh Trí, đây là nghiên cứu mới tại Việt Nam; vì vậy, trong suốt 2 năm dành tâm huyết cho đề tài khoa học này, TS cùng cộng sự đã gặp không ít khó khăn. Điển hình như việc nhóm tác giả đã cần rất nhiều thời gian để lựa chọn các điều kiện phân tích nhằm tối ưu phương pháp.
Ngoài ra, đối tượng chất phân tích là các phthalates rất dễ nhiễm bẩn từ chính môi trường trong phòng thí nghiệm, vì vậy cần phải chuẩn hóa kỹ thuật phân tích trong suốt quá trình thực nghiệm. Đối tượng mẫu không khí về cơ bản khá linh động nên cũng là một trở ngại trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, trải qua những khó khăn trong suốt quá trình nghiên cứu, TS. Trần Mạnh Trí cùng công trình khoa học của mình đã được đề cử cho Giải thưởng chính Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020. Các kết quả của nghiên cứu này sẽ là cơ sở tốt cho việc đánh giá rủi ro phơi nhiễm của các chất này tại Việt Nam và dự báo tiềm năng, mức độ tác động đến sức khỏe con người và chất lượng môi trường không khí trong nhà của các chất phthalates trong tương lai.
Đối với nhóm chất phthalates, thời gian tới, TS. Trần Mạnh Trí dự định khảo sát lựa chọn các điều kiện phân tích nhằm quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm và rủi ro phơi nhiễm từ các môi trường khác nhau (không khí xung quanh, bụi, đồ uống, thực phẩm…).
“Về tổng thể, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu với các nhóm hợp chất là tác nhân gây rối loạn nội tiết và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng khác, chẳng hạn như siloxanes, parabens, alkylphenols, bisphenol A và benzophenone…”, TS. Trí chia sẻ.
Thu Anh